Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 3% cả năm thì quý 4/2021 phải đạt mức tăng trưởng 7,06% trở lên; để đạt được mục tiêu 3,5% thì quý 4 phải đạt được 8,84% trở lên.
Phiên Họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 2/10. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Thông tin tại phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 2/10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết trong báo cáo Chính phủ, Bộ đã trình hai phương án tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm dựa trên cơ sở kết quả tăng trưởng 9 tháng đầu năm và một số điều kiện đặt ra.
Theo đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 3% cả năm thì quý 4/2021 phải đạt mức tăng trưởng 7,06% trở lên. Ngoài ra, để đạt được mục tiêu 3,5% thì quý 4 phải đạt được 8,84% trở lên.
Với mức tăng trưởng quý từ 7% trở lên, ông khẳng định trong quá khứ Việt Nam đã đạt được… song với quý 4/2021 có nhiều điểm đặc biệt và phụ thuộc rất nhiều vào đề án thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19.
“Để đạt được mục tiêu này, đối với doanh nghiệp phải được hoạt động (tức là không bị đóng băng, đóng cửa) và lao động phải được dịch chuyển. Do đó tới đây cùng với quy định về y tế, chúng tôi hy vọng lao động được dịch chuyển an toàn và và hàng hóa phải được lưu thông (lưu thông giữa các địa phương, bao gồm cả hàng hóa đầu vào và đầu ra), mới hỗ trợ tăng trưởng kinh tế,” ông Phương nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng trong bối cảnh vừa phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh vừa thúc đẩy sản xuất, trong giai đoạn này cả nước đang bắt đầu thực hiện lộ trình mới (chủ yếu là phục hồi) nên các khu vực doanh nghiệp và khu vực kinh tế đạt được 80% công suất cũng là thành công lớn để phục hồi kinh tế.
“Kỳ vọng với các nỗ lực của cả hệ thống chính trị và của các doanh nghiệp, mong rằng quý 4 chúng ta có thể đạt được mục tiêu 7% đã từng đạt được trong quá khứ, có như vậy mới đạt được kỳ vọng đề ra,” Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Về tình hình kinh tế xã hội, người phát ngôn Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết do tác động của dịch bệnh, tăng trưởng GDP quý III giảm sâu nhưng nền kinh tế có nhiều điểm sáng, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, tình hình sản xuất kinh doanh quý IV lạc quan.
Tuy vậy, nhiệm vụ những tháng cuối năm là rất nặng nề nên cần quán triệt mục tiêu vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục và phát triển kinh tế. Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế, mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại, lưu thông, du lịch…
Theo Xuân Quảng-Mạnh Hùng (Vietnam+)
Link gốc: https://www.vietnamplus.vn/bo-ke-hoach-va-dau-tu-len-2-kich-ban-cho-tang-truong-kinh-te/744421.vnp