Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT dừng ngay việc cấp phép nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa có tận thu; xây dựng văn bản quy định về quản lý cát sỏi lòng sông và giao địa phương thực hiện cấp phép khai thác.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Đây là quyết nghị của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 3/2017.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT dừng ngay việc cấp phép nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa có tận thu; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng văn bản quy định về quản lý cát sỏi lòng sông, bảo đảm thống nhất trong lập, phê duyệt quy hoạch và giao địa phương thực hiện cấp phép khai thác, trình Thủ tướng trong tháng 4/2017.
Quyết nghị được đưa ra trên cơ sở kiến nghị của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp.
Theo báo cáo của Tổ công tác, trong tháng 3/2017, Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Bộ GTVT, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và kiểm tra chuyên đề các Bộ, cơ quan trong việc xây dựng, trình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh.
Theo kết quả rà soát, thống kê, từ ngày 01/01/2016 - 10/3/2017, tổng số nhiệm vụ giao Bộ GTVT là 610 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 510 nhiệm vụ, còn 95 nhiệm vụ chưa thực hiện trong hạn và 2 nhiệm vụ quá hạn.
Còn từ ngày 01/01/2016 - 05/3/2017, VNPT được giao 111 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 105 nhiệm vụ, còn 3 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong hạn và 3 nhiệm vụ chưa hoàn thành cần đẩy nhanh tiến độ.
Đặc biệt, về kết quả kiểm tra chuyên đề về xây dựng và trình ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, Tổ công tác của Thủ tướng cho biết tính đến ngày 28/3, còn 9 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có hiệu lực từ 01/01/2017 mà các Bộ còn nợ đọng, chưa trình theo đúng tiến độ được giao.
Trong đó, Bộ Tài chính có 4 Nghị định; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo có 1 Nghị định; Bộ Thông tin và truyền thông có 1 Quyết định.
Ngoài ra, có 11 văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh có hiệu lực từ 01/6/2017 và 01/7/2017 cần khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng ký ban hành trước 15/5/2017 để có hiệu lực thi hành cùng với luật.
Tổ công tác của Thủ tướng đưa ra hàng loạt kiến nghị. Ngoài vấn đề liên quan tới nạo vét lòng sông kết hợp tận thu, Tổ công tác kiến nghị Bộ GTVT cần quyết liệt triển khai đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm, các dự án đường sắt đô thị; có biện pháp quyết liệt và hiệu quả trong kiểm soát tải trọng xe; xử lý triệt để “xe dù, bến cóc”...
Bộ cũng cần khẩn trương sửa đổi Nghị định 86 theo trình tự thủ tục rút gọn để tránh lỗ hổng về chính sách, pháp luật, tạo kẽ hở cho xe hợp đồng, xe khách trá hình, xe hoán cải hoạt động trái pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 5/2017.
Với VNPT, Tổ công tác kiến nghị cần tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ liên quan đến tái cơ cấu, thoái vốn ngoài ngành theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
”Có lộ trình, giải pháp, kế hoạch cụ thể, công khai, minh bạch, không có lợi ích nhóm, lợi ích ngành; không thoái vốn bằng mọi giá; cân nhắc, tính toán thận trọng phần vốn nào nhà nước cần nắm giữ, phần vốn nào cần thoái nhằm bảo đảm tối đa hóa lợi ích của nhà nước, của người lao động”, Tổ công tác nêu rõ.
Đối với các Bộ, cơ quan còn nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, Tổ công tác kiến nghị thời hạn cụ thể trình các văn bản này.
Các bộ, cơ quan, địa phương cần cần tập trung ưu tiên cho công tác hoàn thiện thể chế; tiếp tục nghiên cứu, rà soát những vướng mắc để phát hiện những quy định bất hợp lý, đặc biệt là những quy định còn là rào cản, gây cản trở đến đầu tư, kinh doanh… chủ động kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời hoặc bãi bỏ theo thẩm quyền.
Tổ công tác của Thủ tướng ban hành kế hoạch kiểm tra Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành kế hoạch kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kế luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2017. Theo đó, sẽ tiến hành kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương từ ngày 12 đến 22 hằng tháng. Mỗi tháng kiểm tra từ 2 đến 3 bộ, cơ quan, địa phương. Đối tượng kiểm tra là các bộ, cơ quan, địa phương có nhiều nợ đọng trong thực hiện các nhiệm vụ được giao hoặc có nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng. Cùng với đó là các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiều nhiệm vụ trong tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn. Trọng tâm kiểm tra với các bộ là việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng thể chế, các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi… nhưng chậm triển khai thực hiện. Tính chung từ đầu năm 2016 tới ngày 27/3/2017, Chính phủ, Thủ tướng đã giao tổng số 17.803 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, có 9.672 nhiệm vụ đã hoàn thành (đúng hạn: 8.040, quá hạn: 1.632); chưa hoàn thành: 8.131 (trong hạn: 7.816, quá hạn: 315). Tính từ đầu năm 2016 đến nay, số nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành chiếm 3,15%, giảm 0,65% so với tháng trước. |
Theo Thanh Hằng/Chinhphu.vn