Thứ ba 21/01/2025 18:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Bộ GTVT: Nâng cao quản lý đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông

21:55 | 13/01/2014

Trong năm 2013, cùng với nhiều giải pháp đồng bộ, Bộ GTVT đã tập trung cho công tác quản lý đầu tư xây dựng. Kết quả thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư phát triển đạt 62.021,4 tỷ đồng.

Trong đó, vốn ngân sách nhà nước (NSNN) 18.732,7 tỷ đồng, đạt 366,8% kế hoạch; vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) 7.252,3 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; vốn ngoài NSNN 21.761 tỷ đồng, đạt 108,8% kế hoạch; còn lại là vốn NSNN, TPCP ứng trước kế hoạch và vốn TPCP năm 2012 chuyển sang.

Tổng số vốn huy động ngoài NSNN đến năm 2013 đạt khoảng 117.000 tỷ đồng/47 dự án BOT. Năm 2013 huy động được hơn 80.000 tỷ đồng/26 dự án, trong đó huy động cho các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên khoảng 50.000 tỷ đồng (chiếm 43% tổng mức đầu tư).

Để sử dụng hiệu quả vốn đầu tư và thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ, đến tháng 12/2013, Bộ đã quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp như rà soát, phân kỳ đầu tư, đã tiết giảm khoảng 14.163 tỷ đồng; rà soát quy mô đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật, đã tiết giảm khoảng 9.391 tỷ đồng; rà soát, lựa chọn các giải pháp thiết kế hợp lý đã tiết giảm khoảng 11.120 tỷ đồng; rà soát, đánh giá tình trạng khai thác của các cầu đang sử dụng để gia cường, tận dụng không phải phá bỏ để làm mới, đã tiết giảm khoảng 843 tỷ đồng. Đưa tổng số vốn tiết giảm được 35.517 tỷ đồng.

Trong năm 2013, ngành GTVT đã khởi công 78 và hoàn thành 46 công trình, dự án; Trong đó, đã khởi công các dự án trọng điểm như các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cảng Lạch Huyện, cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh...

Nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới được hơn 800 km quốc lộ, gần 4.000m cầu đường bộ và hơn 1.000m cầu đường sắt; xây dựng mới 20.000 m2 đường lăn, nâng cấp và cải tạo 122.000 m2 đường lăn, sân đỗ máy bay...

Đã phối hợp với các địa phương trên toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và biểu dương các xã điển hình trong phong trào xây dựng Giao thông nông thôn (GTNT) giai đoạn 2008 - 2013, đồng thời đã triển khai Chiến lược phát triển GTNT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các giải pháp thực hiện cụ thể.

Thực hiện Năm kỷ cương, chất lượng, tiến độ công trình giao thông, đã triển khai thực hiện đề án Hoàn thiện cơ chế quản lý và công tác tổ chức quản lý chất lượng, tiến độ, giá thành xây dựng công trình giao thông, đồng thời ban hành nhiều quy định mới về tăng cường quản lý tiến độ, chất lượng công trình.

Công bố xếp hạng năng lực các tổ chức tư vấn, nhà thầu xây lắp, xếp hạng kết quả thực hiện nhiệm vụ của chủ đầu tư, Ban QLDA. Nhờ vậy, công tác quản lý tiến độ, chất lượng công trình đã có chuyển biến tích cực.

Hiện nay, hầu như không còn tình trạng công trình chậm tiến độ. Nhiều dự án, công trình đã hoàn thành vượt tiến độ với chất lượng cao, phát huy được hiệu quả khi đưa vào sử dụng.

Công tác lập và thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đã được đẩy mạnh.

Riêng về lĩnh vực quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ đã ban hành 05 Thông tư về bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) các lĩnh vực và các đề án nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác KCHTGT. Đã xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình và định mức kinh tế kỹ thuật (KTKT); đổi mới bộ máy tổ chức quản lý, khai thác, bảo trì CHTGT; Tiến hành phân cấp mạnh mẽ và tăng cường chế độ trách nhiệm cho tổ chức và cá nhân.

Đổi mới công tác xây dựng kế hoạch bảo trì theo hướng lập kế hoạch hàng năm, ngắn hạn, trung hạn làm cơ sở bố trí nguồn vốn cũng như khuyến khích, kêu gọi các hình thức xã hội hóa phù hợp (nạo vét luồng đường thủy nội địa, hàng hải…).

Từng bước chuyển đổi phương thức thực hiện công tác bảo trì thông qua đấu thầu. Xây dựng hệ thông tin quản lý KCHTGT trên tất cả các lĩnh vực, ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại để quản lý, theo dõi, thống kê đầy đủ, toàn diện kết cấu hạ tầng giao thông.

 Thực hiện Luật Giao thông đường bộ, Pháp lệnh Phí và lệ phí, Nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ, đã triển khai thu phí sử dụng đường bộ. Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương phân bổ nguồn vốn này một cách công khai, minh bạch đối với từng tuyến đường, hạng mục công việc cụ thể.

Đồng thời, đã triển khai thực hiện các phương án xử lý dừng, xóa bỏ các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước; sắp xếp lại các trạm thu phí BOT, trạm đã chuyển nhượng quyền thu phí. Cụ thể, đã tiến hành dừng thu 22 trạm, tiếp tục xử lý để dừng thu 02 trạm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Để hạn chế xe quá tải, đã triển khai 10 trạm cân lưu động, đang tiếp tục đầu tư thêm 57 trạm, nâng tổng số lên 67 trạm, từng bước hạn chế xe quá tải lưu thông, phá hoại KCHTGT đường bộ.

Lê Mỹ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load