Thứ sáu 19/04/2024 00:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bộ Giao thông Vận tải: Triển khai quyết liệt các dự án giao thông trọng điểm

14:53 | 24/12/2020

(Xây dựng) - Ngày 24/12, Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Giao thông Vận tải được tổ chức trực tuyến tại các điểm cầu Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương. Đến dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể và các đại diện Bộ, ngành liên quan.

bo giao thong van tai trien khai quyet liet cac du an giao thong trong diem
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến điểm cầu Hà Nội.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, năm 2020 sắp khép lại cùng với nhiều khó khăn, thách thức trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong cuộc chiến ấy, Việt Nam đã làm nên kỳ tích, khi là quốc gia hiếm hoi trên thế giới duy trì được trạng thái “bình thường” trong bối cảnh cả thế giới đang phải căng mình đối phó với dịch bệnh. Ngành Giao thông Vận tải cũng góp một phần công sức không nhỏ trong cuộc chiến gian nan đó.

Nỗ lực vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ

Trong các đợt giãn cách xã hội, các đợt bùng phát dịch tại một số địa phương, Bộ Giao thông Vận tải liên tục cập nhật nhanh nhất các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 để có những quyết định nhanh nhất, kịp thời nhất giúp cho công tác khoanh vùng dập dịch hiệu quả, đảm bảo không để dịch lây lan, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 cho người điều khiển, tiếp viên, nhân viên phục vụ và hành khách khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách.

Công tác xây dựng cơ bản là một trong những điểm sáng lớn nhất của ngành Giao thông Vận tải trong năm 2020. Trong năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải được giao hơn 39.800 tỷ đồng (gồm vốn kéo dài). Đến hết tháng 11/2020, kết quả giải ngân ước đạt gần 32.000 tỷ đồng, đạt 80,1% kế hoạch đã được giao. Qua tổng hợp, xem xét tình hình thực tế, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến cả năm 2020 phấn đấu giải ngân nguồn vốn Ngân sách Nhà nước đạt 100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Các dự án giao thông trọng điểm được Bộ Giao thông Vận tải tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt và cơ bản đáp ứng tiến độ. Đặc biệt là việc triển khai các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án sửa chữa đường băng, đường lăn Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, các dự án giao thông cấp bách sử dụng nguồn vốn 15.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng trung hạn… Trong năm 2020, có khoảng hơn 20 dự án, công trình giao thông hoàn thành, đưa vào khai thác, góp phần cải thiện năng lực hạ tầng, tăng năng lực lưu thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Nổi bật là các dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, giai đoạn 1 nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất; cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ cũng như hàng loạt dự án đường bộ quan trọng, cấp bách gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3B đoạn Xuất Hóa - Pò Mã; Dự án kết nối đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Quốc lộ 1; Dự án nâng cấp Quốc lộ 4 đường nối Hà Giang - Lào Cai…

Năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải được giao giải ngân khoảng 39.826 tỷ đồng, trong đó, riêng nguồn vốn ODA được giao là 6.131 tỷ đồng để giải ngân cho 47 dự án sử dụng vốn vay nước ngoài. Tính đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành 100% kế hoạch năm và là một trong số bộ, ngành đạt mức giải ngân vốn đầu tư công cao.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến mọi lĩnh vực, kèm theo đó là ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, lũ lụt, chúng tôi xác định việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp hữu hiệu để kích cầu nền kinh tế.

Tập trung giải ngân nhanh trong năm 2021

Năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch đầu tư công với số vốn dự kiến giải ngân là 46.005 tỷ đồng. Để đảm bảo kế hoạch giải ngân này, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án phải nỗ lực, tập trung triển khai ngay từ tháng đầu, quý đầu của năm. Trong năm tới, ngành Giao thông Vận tải sẽ triển khai hàng loạt dự án, công trình giao thông trọng điểm, trong đó đặc biệt là cao tốc Bắc - Nam và cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung thúc đẩy tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, các dự án đường bộ, đường sắt quan trọng, cấp bách; các dự án ODA chuyển tiếp; đẩy nhanh thủ tục triển khai các dự án ODA mới bổ sung, các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Nhà nước, các dự án sử dụng vốn dự phòng trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Đồng thời, chú trọng giải quyết các khoản nợ thuộc nghĩa vụ ngân sách bao gồm: Hoàn ứng trước kế hoạch, trả nợ đọng xây dựng cơ bản và nợ khối lượng hoàn thành các dự án triển khai giai đoạn trước, trả nợ tới hạn các dự án BT, nợ địa phương, doanh nghiệp ứng vốn thực hiện dự án trước năm 2016.

Ngành Giao thông Vận tải cũng sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị đang triển khai tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; triển khai các dự án: Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1, nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2; tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng giai đoạn 2 Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng…

Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện chưa có sự thống nhất chung trong quản lý nhà nước về quy hoạch như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và quy hoạch xây dựng do Bộ Xây dựng chủ trì, dẫn đến trong quá trình áp dụng còn bất cập, đặc biệt là quy định và phân loại về quy hoạch vùng (lãnh thổ) và quy hoạch công trình cụ thể (ví dụ: Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 và Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 thiếu quy định cụ thể về quy hoạch chi tiết các công trình tuyến như các tuyến cao tốc tuyến đường sắt...). Các quy hoạch ngành Giao thông Vận tải thường lập trên cơ sở các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên các quy hoạch này chưa đáp ứng yêu cầu định hướng chủ đạo cho quy hoạch giao thông nên ảnh hưởng đến chất lượng quy hoạch, thiếu tầm nhìn, sớm bị lạc hậu. Tính đồng bộ trong triển khai quy hoạch giữa các ngành, lĩnh vực, giữa quy hoạch chuyên ngành với quy hoạch ngành chưa cao, nhiều khi trong lập, triển khai quy hoạch phải điều chỉnh theo những điều khoản, nội dung đã được phê duyệt trước đó ảnh hưởng đến chất lượng đề án. Cân đối vốn thực hiện quy hoạch gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng nhu cầu theo tiến trình đề xuất trong các quy hoạch.

Lê Mỹ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load