Thứ bảy 20/04/2024 13:51 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bộ Công Thương: Đảm bảo nguồn cung hàng thiết yếu trong mọi tình huống

19:49 | 13/05/2021

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị lãnh đạo các địa phương cần phối hợp, quán triệt phương châm “4 tại chỗ" ở khu kinh tế, khu công nghiệp...

bo cong thuong dam bao nguon cung hang thiet yeu trong moi tinh huong
Cuộc họp trực tuyến của Bộ Công Thương với các địa phương về công tác đảm bảo hàng hóa phòng chống dịch bệnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việc tăng cường đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh chính là nhiệm vụ trọng yếu của Bộ Công Thương trong giai đoạn này, nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo ổn định cuộc sống của người lao động và nhân dân.

Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị trực tuyến với một số địa phương về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong các cơ sở công nghiệp và thương mại; cân đối cung cầu, diễn ra ngày 13/5.

Chống dịch ngay từ các cơ sở sản xuất

Theo ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương, yêu cầu cao nhất của Bộ Công Thương là công tác phòng chống dịch tại các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, chợ…

Theo thống kê, hiện cả nước có gần 400 khu công nghiệp đã thành lập, 30 khu kinh cửa khẩu, 20 khu kinh tế ven biển, tổng lao động trực tiếp ở các khu này là gần 4 triệu người.

Trong khi đó, khu vực thương mại có 800 siêu thị, 168 trung tâm thương mại, gần 9.000 chợ với các hộ kinh doanh cá thể, 600.000 nhà hàng. Cụm công nghiệp có 700 cụm và khoảng 600.000 lao động. Đây là những nơi tập trung đông người, song do phải duy trì sản xuất kinh doanh bắt buộc phải hoạt động sản xuất, nếu không sẽ đứt gãy nền kinh tế.

Dẫn thực tế về dịch bệnh tại một số khu công nghiệp, cơ sở kinh doanh thời gian vừa qua, ông Đặng Hoàng An cho rằng nếu không phòng chống dịch tốt tại các cơ sở kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp… sẽ rất khó để thực hiện thành công “mục tiêu kép” đó là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Vì vậy, để quán triệt công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong các cơ sở này, ông An đề nghị Ban quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh quán triệt, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19.

Đồng tình với ý kiến trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương cần phối hợp, quán triệt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, nhân lực tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

Ông Diên đặc biệt nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của các cấp quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, quản lý doanh nghiệp, quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch tại đơn vị.

Đảm bảo sẵn sàng nguồn cung hàng thiết yếu

Hiện nay, mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, song thị trường và nguồn cung hàng hóa những ngày vừa qua vẫn ổn định.

Thông tin thêm, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết hiện nay, mặc dù dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng tâm lý người dân trong mua sắm hàng hóa tương đối bình tĩnh do tin tưởng vào khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu của hệ thống phân phối, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ.

Đáng chú ý, tại các địa phương có dịch bệnh, hoạt động thương mại vẫn diễn ra bình thường. Các địa phương đều chủ động triển khai các kế hoạch có sẵn về phòng, chống COVID-19 trên địa bàn.

Cụ thể, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng các phương án chi tiết về việc cung ứng hàng hóa từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân thủ đô và hỗ trợ các tỉnh, thành phố giải tỏa lượng hàng sản xuất ra.

Lượng hàng hóa dự kiến chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) khoảng 21.500 tỷ đồng…

“Hà Nội luôn thực hiện theo chỉ đạo với tinh thần “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng” - đó là "chỉ huy tại chỗ, nhân lực tại chỗ, nguồn hàng tại chỗ và lực lượng tại chỗ" cùng “3 sẵn sàng” là sẵn sàng, chủ động về nguồn hàng và ứng phó kịp thời đối với các khu vực phong tỏa cũng như khắc phục kịp thời,” bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội thông tin thêm.

bo cong thuong dam bao nguon cung hang thiet yeu trong moi tinh huong
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cũng theo bà Lan, Hà Nội đã thành lập 2 Đoàn kiểm tra trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp và xây dựng phương án kiểm tra các cơ sở sản xuất trong các cụm công nghiệp và các nhà máy; trong đó đặc biệt chú trọng đến những nhà máy sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực và những nhà máy sản xuất có đông công nhân trên địa bàn.

Ngoài ra, Hà Nội đã ký kết hợp tác với 53 tỉnh, thành phố… nhằm cung cấp danh sách các doanh nghiệp sản xuất chủ lực, đặc biệt các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng sản xuất trang thiết bị y tế, giúp các đơn vị chủ động nắm bắt kết nối, ký kết hợp đồng khi Hà Nội có biến động, nguồn hàng của các tỉnh sẵn sàng được chuyển về cung ứng cho địa bàn thành phố.

Sở Công Thương cũng bố trí 2.000 kho để doanh nghiệp của hệ thống phân phối có thể bán hàng lưu động, sẵn sàng phục vụ nhu cầu cho người dân. Thành phố đã cấp phép cho 131 doanh nghiệp phân phối để lưu thông 24/24 trên địa bàn, sẵn sàng vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, thành phố về các kho hàng, nhằm đảm bảo cung ứng mặt hàng thiết yếu cho người dân.

Trong khi đó tại Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình thị trường hàng hóa ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả không biến động.

"Sở Công Thương thành phố cũng hướng dẫn các đơn vị đang kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế và Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 tại chợ đầu mối, chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn," đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho hay.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh việc tăng cường đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ trọng yếu để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ: vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo ổn định cuộc sống của người lao động và nhân dân.

Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện đó là tăng cường kiểm tra, giám sát và đôn đốc các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các nhà máy, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, khách sạn, nhà hàng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác trên địa bàn thường xuyên tự đánh giá việc thực hiện các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch.

Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và có các biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Các địa phương cũng cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19 đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Công Thương đồng thời xử lý nghiêm người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ vi phạm các quy định về phòng, chống dịch…

Đối với công tác cân đối cung cầu hàng hóa, bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường tập trung triển khai giám sát thị trường, đẩy lên thành các đợt cao điểm.

Ông cũng chỉ đạo Vụ Thị trường trong nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, có phương án hoặc đề xuất với bộ các biện pháp bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn giá, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá; đôn đốc các địa phương triển khai và cập nhật dữ liệu về xây dựng “Bản đồ chung sống an toàn với dịch bệnh COVID-19".

Về định hướng phát triển công nghiệp của các địa phương và trong phạm vi cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng phải tập trung quán triệt tinh thần thực hiện thật tốt các mục tiêu và kỳ vọng đặt ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trước mắt, từng địa phương cần quán triệt, xây dựng chương trình đầy đủ các đề án, chiến lược để phát triển công nghiệp, thương mại địa phương dựa trên những định hướng lớn của Đảng, Nhà nước và trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương đồng thời bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước trong việc đầu tư trung hạn và có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư từ khu vực ngoài Nhà nước để tập trung đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại cho địa phương.

"Các địa phương có cơ chế trao đổi định kỳ để cung cấp thông tin cho Bộ Công Thương về tình hình phát triển kinh tế tại địa phương, kịp thời phối hợp với Bộ Công Thương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chính sách trong ngành công thương," Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu ý kiến./.

Theo Đức Duy (Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load