Nhiều người bỏ bê kinh doanh lao vào cơn sốt đất, có nơi tăng 2-3 lần/tháng; Sốt đất bùng phát: Khách ngập ngừng, cò dọa "không mua là tăng, là hết"... là những thông tin BĐS nổi bật tuần qua.
Nhiều người bỏ bê kinh doanh lao vào cơn sốt đất, có nơi tăng 2-3 lần/tháng
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường đất đai trên cả nước sau dịp Tết Nguyên đán đến nay vô cùng nhộn nhịp. Giá tăng chóng mặt, trung bình tăng 10% sau 1 tháng, cục bộ một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng.
Sau thông tin quy hoạch, đất ven sông Hồng "sốt nóng hầm hập" (Ảnh minh họa: Tuấn Mark). |
Trước hiện tượng tăng giá nêu trên, vị chuyên gia cho biết không ít người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. Tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đi đầu tư.
"Ở nhiều địa phương, xuất hiện hiện tượng tung tin không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển dự án. Thậm chí lợi dụng những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo nhà nước, tạo dựng tài liệu giả để tung tin, tạo sóng. Điều này tác động rất xấu đến lợi ích của các nhà đầu tư thiếu kiến thức, kinh nghiệm", ông Đính bày tỏ lo ngại.
Sốt đất bùng phát: Khách ngập ngừng, cò dọa "không mua là tăng, là hết"
Trong vai nhà đầu tư đi tìm hiểu mua đất đón quy hoạch đô thị sông Hồng , phóng viên gặp gỡ nhiều môi giới bất động sản. Đặc điểm chung ở mỗi cuộc gặp là lời rao "cơ hội sinh lời vô cùng lớn".
"Khu này gần dự án Vinhome Cổ Loa, sắp tới sẽ có cầu Tứ Liên, hạ tầng sẽ khang trang hơn nhiều khi có quy hoạch đô thị sông Hồng, giá đất chắc chắn sẽ tăng rất mạnh. Mới từ năm ngoái đến năm nay mà khu này tăng gấp đôi", một môi giới kỳ cựu khu vực Xuân Canh, Đông Anh nói.
Anh này còn cho biết, quỹ đất rao bán cũng hạn hẹp, chỉ có một vài ô do nhà đầu cơ mua xong lướt sóng. Còn lại đa phần "thập thò", định bán nhưng khi thấy giá tăng lại không bán nữa, dù có khách "xuống tiền" luôn.
"Nếu chị không chốt nhanh sẽ mất cơ hội. Vừa rồi mấy khách hỏi rồi lại đi, đi rồi mấy hôm quay lại, đất thì tăng thêm mấy giá. Quỹ đất cũng không nhiều, khách hỏi nhiều lắm, người khác mua mất lại tiếc hùi hụi", anh môi giới tiếp tục chào mời.
Nhiều lô đất giá tăng vù vù, nhưng thị trường không ghi nhận nhiều giao dịch. Trong ảnh là một khu đất đấu giá ở khu Đông Anh, mức giá dao động là 60-80 triệu đồng/m2 (Ảnh: N.M). |
Cò đất đổ về đông không tưởng tượng nổi, cả khu đất như biến thành cái chợ
Theo tìm hiểu của phóng viên, thời điểm từ tháng 3 đến tháng 8/2020, giá đất tại khu dân cư Gia Thịnh dao động 400 - 600 triệu đồng/lô với diện tích hơn 100m2. Đến giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu, giá có tăng lên nhưng không đáng kể. Những lô có vị trí đắc địa tăng lên khoảng 100 - 200 triệu đồng.
Khung cảnh nhộn nhịp, tấp nập các đoàn xe ô tô, người mua bán đất tại khu đất Gia Thịnh (Ảnh: Thái Bá). |
Nhưng sau Tết, giá đất khu Gia Thịnh bất ngờ tăng chóng mặt. Một lượng lớn người mua bán đất đổ về đây khiến khu này lúc nào cũng nhộn nhịp tấp nập hàng chục ô tô và cả trăm người ra vào.
Anh Đinh Văn Đạt, trú thị trấn Me (huyện Gia Viễn) cho biết, đất Gia Thịnh gần với thị trấn song nhu cầu ở của người dân cũng vừa phải. Khách đến mua đất tại đây chủ yếu là môi giới, số ít là nhà người mua để "lướt sóng", kiếm lời.
"Lượng "cò" đất đổ về đây nhiều đến mức dân chúng tôi không tưởng tượng nổi. Cả khu đất như biến thành cái chợ lớn, lúc nào cũng tấp nập người ra vào mua bán. Chỉ sau một đêm, giá đất khu này đã tăng lên gấp đôi, thậm chí bị thổi lên đến 300% khiến chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng", anh Đạt nói.
Giá nhà đất tăng chóng mặt: Bộ Xây dựng chính thức nói về "thủ phạm"
Theo lý giải của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng): "Việc các địa phương ban hành bảng giá đất mới tăng hơn so với trước đây chưa phải là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng tăng giá nhà ở, đất ở vừa qua".
Cụ thể, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, hiện tượng tăng giá bất động sản tại các địa phương có nhiều nguyên nhân khác nhau như do dân số tăng, kinh tế phát triển, công nghiệp hóa - đô thị hóa nhưng nguồn cung chưa kịp đáp ứng dẫn đến lệch pha cung cầu.
Giá đất tăng còn do việc chuyển dịch dòng vốn đầu tư để đảm bảo an toàn khi các kênh đầu tư khác gặp khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh (Ảnh minh họa: Tuấn Mark). |
Bên cạnh đó, giá đất tăng còn do việc chuyển dịch dòng vốn đầu tư để đảm bảo an toàn khi các kênh đầu tư khác gặp khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh; giới đầu cơ bất động sản lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị gây nhiễu loạn thông tin để "thổi giá" nhằm thu lợi bất chính…
Theo Nguyễn Khánh (Tổng hợp)/Dantri.com.vn