Theo quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thì đến năm 2020, Bình Thuận sẽ có 9 khu công nghiệp và 34 cụm công nghiệp với tổng diện tích 4.092ha.
Hệ thống điện gió tại huyện Tuy Phong, Bình Thuận. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
Theo ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận đang hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng để đón đầu làn sóng doanh nghiệp quốc tế đang chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam.
Hiện tại, tỉnh đang thực hiện các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư ở mức tối đa theo các quy định của Nhà nước.
Ngoài ra, tỉnh đã xây dựng một số cơ chế, chính sách thu hút đầu tư đặc thù để hỗ trợ, thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp; trong đó coi trọng việc hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án; thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp nhằm kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư.
Hơn nữa, tỉnh cũng tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến môi trường đầu tư, đăng ký kinh doanh, tiếp cận đất đai, vốn, các thủ tục cấp phép xây dựng, thuế… góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, tỉnh chú trọng cải cách thủ tục hành chính một cửa liên thông trên nhiều lĩnh vực và tạo sự thông thoáng trong thủ tục kêu gọi các nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Ngọc Hai cho biết, đứng trước xu thế hội nhập khu vực và quốc tế, cùng với nhu cầu phát triển mạnh mẽ về kinh tế, tỉnh Bình Thuận mong muốn thu hút thật nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm khai thác các nguồn lực sẵn có cũng như phát huy các tiềm năng và lợi thế của địa phương trên tất cả các lĩnh vực; trong đó lĩnh vực du lịch, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao là những lĩnh vực ưu tiên phát triển bền vững của tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh tập trung kêu gọi đầu tư các dự án du lịch cao cấp, các dự án thương mại, đô thị, khu dân cư.
Tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển trung tâm du lịch-thể thao biển mang tầm quốc gia; xây dựng gắn kết giữa quy hoạch phát triển du lịch và phát triển đô thị biển, hạ tầng đô thị kết hợp du lịch.
Đối với nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh kêu gọi các dự án nông nghiệp thông minh, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại (công nghệ tưới tiêu tự động, tiết kiệm nước; công nghệ kiểm soát côn trùng theo phương pháp sinh học; công nghệ bảo quản sau thu hoạch...), xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang giá trị kinh tế cao vào Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Thuận.
Một trong những thế mạnh hiện nay của tỉnh để kêu gọi thu hút đầu tư là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo.
Đặc biệt, tỉnh Bình Thuận được quy hoạch là trung tâm năng lượng quốc gia với tổng công suất trên 12.000MW vào năm 2020.
Năm 2018, tổng sản lượng điện của toàn tỉnh đạt khoảng 13.565 triệu KW, tăng 40% so với năm 2017.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 108 dự án năng lượng tái tạo đăng ký đầu tư (88 dự án điện mặt trời và 20 dự án điện gió) với tổng công suất khoảng 6.858 MWp và tổng vốn đầu tư là 175.906 tỷ đồng; trong đó, đã có 39 dự án đi vào hoạt động (26 dự án điện mặt trời và 13 dự án điện gió) với tổng công suất 1.832 MWp và tổng vốn đầu tư là 59.000 tỷ đồng.
Theo quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thì đến năm 2020, Bình Thuận sẽ có 9 khu công nghiệp và 34 cụm công nghiệp với tổng diện tích 4.092ha.
Đến nay đã có 6 khu công nghiệp và 14 cụm công nghiệp đã và đang triển khai đầu tư, cơ bản đáp ứng về mặt bằng để bố trí dự án đầu tư.
Tỉnh đang tập trung thu hút đầu tư các dự án sử dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, chú trọng các dự án đảm bảo thân thiện với môi trường.
Đáng lưu ý là các lĩnh vực như công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy-hải sản; chế biến sâu các loại khoáng sản; chế biến thành phẩm từ nguồn tro xỉ than…
Ông Nguyễn Ngọc Hai cho biết, trong 2 năm (2017-2018), tình hình thu hút dự án đầu tư, đăng ký thành lập doanh nghiệp có chuyển biến tích cực, dự án được cấp chủ trương đầu tư và doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng nhanh.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận đầu tư cho 264 dự án với tổng số vốn đăng ký là 53.031 tỷ đồng.
Các nhà đầu tư đã nộp thuế vào ngân sách nhà nước tỉnh Bình Thuận gần 759 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 2.881 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký khoảng 36.814 tỷ đồng.
Tỉnh Bình Thuận nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên đa dạng và diện tích tự nhiên 7.813km2, vùng biển thuộc biển Đông tiếp giáp đường hàng hải quốc tế với bờ biển dài 192km với số giờ gió và bức xạ nhiệt cao, ổn định và ít bị ảnh hưởng bởi các thảm họa thời tiết thiên nhiên.
Định hướng phát triển đến năm 2030, tỉnh tiếp tục phát triển kinh tế theo cơ cấu công nghiệp, xây dựng-dịch vụ-nông lâm thủy sản dựa trên các trụ cột du lịch, năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chế biến gắn với các sản phẩm lợi thế của Bình Thuận./.
Theo Nguyễn Thanh (TTXVN/Vietnam+)