Thứ năm 05/12/2024 22:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Bình Dương: Xóa bỏ lò gạch Hoffman đúng thời hạn

11:10 | 03/07/2014

(Xây dựng) - Thời điểm 30/6/2014 là thời điểm cuối cùng để các lò gạch liên tục kiểu đứng trên địa bàn tỉnh Bình Dương đóng cửa vĩnh viễn đã khiến hàng trăm cơ sở phản ứng.. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, động thái này nhằm thực hiện nghiêm quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng về việc chấm dứt theo lộ trình hoạt động các lò gạch, ngói thủ công gây ô nhiễm cũng như hoạt động lò Hoffman (lò nung theo công nghệ nung liên tục với buồng đốt di động) trên địa bàn tỉnh.

Không khuyến khích lò Hoffman

Thực hiện Quyết định 15/2000/QĐ-BXD ngày 24/07/2000 của Bộ Xây dựng về đầu tư gạch ngói đất sét nung, UBND tỉnh Bình Dương đã đưa ra lộ trình đến năm 2005 di dời hết lò thủ công khỏi khu dân cư thuộc địa bàn TX Thủ Dầu Một; huyện Thuận An, Dĩ An; các thị trấn, các xã đông dân thuộc huyện Bến Cát, Tân Uyên. Đến 2010 chấm dứt các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh, điều này đã được các chủ lò gạch thủ công đồng thuận hưởng ứng.

Trong quá trình thực hiện, Bình Dương đã xin ý kiến Bộ Xây dựng về việc đầu tư xây dựng lò nằm Hoffman thay thế lò đứng thủ công nung gạch ngói, xem xét việc các cơ sở gạch ngói thủ công chuyển đổi sang công nghệ lò Hoffman trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Để tìm đầu ra cho lò thủ công khi chuyển đổi, UBND tỉnh Bình Dương đã cấp phép thí điểm đầu tư lò gạch theo công nghệ Hoffman cho Cty TNHH Việt Linh. Lấy cơ sở này đánh giá về chất lượng sản phẩm cũng như công nghệ, tình trạng ảnh hưởng môi trường cũng như nhiên liệu sử dụng. Thấy được cấp phép thí điểm, hàng trăm cơ sở sản xuất gạch thủ công đã ồ ạt chuyển đổi theo mà không được sự đồng ý của cơ quan chức năng. Thực tế từ năm 2009, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có 5 cơ sở chuyển đổi theo công nghệ Hoffman nên tỉnh mới cấp phép thí điểm để đánh giá cho phép các lò Hoffman hoạt động.

Ông Trần Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Chủ trương, lộ trình chấm dứt hoạt động lò Hoffman của tỉnh Bình Dương là  phù hợp với chủ trương của Chính phủ. Qua đó, ưu tiên dành nguyên liệu không tái tạo (đất sét) để sản xuất VLXD chất lượng cao, gạch trang trí cao cấp và sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ. Hạn chế và thay thế dần gạch đất sét nung bằng vật liệu xây không nung. Lộ trình của tỉnh được xây dựng, triển khai xuyên suốt, nhất quán từ cấp tỉnh, huyện, thị xã đến cơ sở sản xuất điều này thể hiện qua các quyết định, công văn, thông báo chỉ đạo của UBND tỉnh từ năm 2010 đến nay. Hơn 4 năm qua, tỉnh đã tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất có kế hoạch sử dụng hết nguồn nguyên liệu và thu hồi vốn đầu tư.

Đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Ông Nguyễn Thành Tài - Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương cho biết: Trong số 142 lò Hoffman thì chỉ có một lò thí điểm của tỉnh là được cấp phép, còn lại đa số các cơ sở sản xuất gạch Hoffman đều có vi phạm liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như: kinh doanh không phép, sai phép; xây dựng không phép, sai phép; vi phạm quy hoạch ngành nghề sản xuất công nghiệp, quy hoạch sử dụng đất; vi phạm quy định về khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường. Nguồn nguyên liệu của các cơ sở này chủ yếu là thu mua khai thác trái phép, vì chủ trương của Bình Dương là hạn chế việc khai thác sét. Số lao động trong lĩnh vực này phần nhiều là những người lớn tuổi hay trẻ em do đặc điểm ngành nghề là làm việc theo hộ gia đình.

Trong quá trình kiểm tra lò Hoffman qua thí điểm đã bộc lộ nhiều hạn chế về công nghệ, vệ sinh môi trường nên năm 2010 UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo: “Từ nay trở đi, ngừng việc triển khai mở rộng thí điểm và xây dựng mới lò gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh”. Sau đó ra thông báo số 252/TB-UBND yêu cầu các lò Hoffman ngưng hoạt động trước ngày 01/10/2011 và ban hành Công văn số 328/UBND-KTN đưa ra lộ trình chất dứt hoạt động trước 30/6/2012.

Để tạo điều kiện cho các cơ sở sử dụng hết nguồn nguyên liệu cũng như thu hồi vốn đầu tư khi đã khi đã xây dựng lò Hoffman nên UBND tỉnh Bình Dương đã gia hạn đến 30/6/2014 phải chấm dứt hoạt động vĩnh viễn.

Tại buổi công bố thông tin về việc chuẩn bị đóng cửa các lò gạch Hoffman, ông Nguyễn Phùng Trung - Phó giám đốc Sở LĐTB&XH Bình Dương cho biết: Sở đã kết hợp với các địa phương, chủ DN có các lò gạch buộc phải đóng cửa và công nhân lao động liên quan việc giải quyết quyền lợi, chính sách như BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho lao động. Để bảo đảm việc làm cho người lao động, Sở đã phối hợp với các địa phương để chuyển đổi ngành nghề cho người lao động thông qua việc dạy nghề cho lao động nông thôn, tổ chức các phiên giao dịch việc làm…

Hiện Bình Dương có 107 cơ sở sản xuất gạch Hoffman với 142 lò gạch đang hoạt động với tổng số lao động 4.623 người, nhưng chỉ có 2 cơ sở được cấp phép (một của tỉnh thí điểm và một của huyện). Trong đó nhiều nhất là TX Tân Uyên có 56 cơ sở với 68 lò gạch sử dụng 2.560 lao động, huyện Phú Giáo có 34 cơ sở với 47 lò gạch, huyện Dầu Tiếng có 5 cơ sở với 9 lò, huyện Bắc Tân Uyên có 5 cơ sở 7 lò, huyện Bàu Bàng có 4 cơ sở với 8 lò và TX Bến Cát có 3 cơ sở 3 lò.

 

Cao Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load