Thứ sáu 26/04/2024 04:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bình Dương phát triển thế nào sau ¼ thế kỷ?

19:47 | 01/01/2022

(Xây dựng) - Từ tỉnh thuần nông, Bình Dương phát triển mạnh mẽ sau ¼ thế kỷ, trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp và đô thị. Bình Dương khởi động lộ trình hướng đến đô thị thông minh trong tương lai.

binh duong phat trien the nao sau the ky

Định hướng phát triển từ ngày đầu tái lập

Ngày 01/01/1997, tỉnh Bình Dương chính thức được tái lập với 04 đơn vị hành chính cấp huyện (thị xã Thủ Dầu Một và 03 huyện Tân Uyên, Bến Cát, Thuận An với 77 xã, phường, thị trấn), diện tích tự nhiên 2.717 km2, dân số gần 680.000 người.

Ngay sau ngày tái lập, Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Nghị quyết 05- NQ/TU về phương hướng nhiệm vụ năm 1997, trong đó xác định: “Huy động mọi nguồn lực, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục và ổn định theo yêu cầu của thời kỳ mới; đồng thời nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, cần giải quyết tốt những vấn đề bức xúc về văn hóa xã hội, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội”.

Chủ trương của Bình Dương lúc bấy giờ là ưu tiên phát triển các KCN tập trung, tạo môi trường thông thoáng, thu hút nhanh nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Qua đó, thúc đẩy việc xây dựng phát triển có chiều sâu, tạo đà cho sự ổn định và bền vững của kinh tế địa phương. Đây là sự kế thừa thành tựu của tỉnh Sông Bé cũ, là mục tiêu xuyên suốt vô cùng quan trọng trên con đường phát triển của Bình Dương.

Kết thúc năm 1997, các chỉ tiêu phát triển kinh tế của Bình Dương đều đạt và vượt kế hoạch như: GDP tăng 17,7%, công nghiệp tăng 48,5%, nông nghiệp tăng 4,4%, dịch vụ tăng 10,4%, xuất khẩu tăng 41%, thu ngân sách tăng 29% so với năm 1996, thu nhập bình quân đầu người đạt 5,8 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, với tỷ lệ tương ứng là 50,4% - 26,8% - 22,8%.

Để đạt những con số ấn tượng đó, Bình Dương đã tập trung giải quyết yếu kém về hạ tầng, xây dựng và mở rộng thêm nhiều tuyến đường giao thông, điện, cấp nước, mạng lưới thông tin liên lạc. Đồng thời, tiến hành cải cách thủ tục hành chính với cơ chế “một cửa”, từng bước tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Lấy công nghiệp làm đòn bẩy phát triển

Thực hiện chủ trương xuyên suốt từ thời tỉnh Sông Bé cũ, tỉnh Bình Dương tiếp tục chọn phát triển công nghiệp là khâu đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quyết định mức tăng trưởng cao. Do đó, từ 07 KCN với diện tích 1.603 ha từ năm 1997, đến nay, đã có 29 KCN, (trong đó có 27 KCN đi vào hoạt động với diện tích 12.670 ha, tỷ lệ lấp đầy trên 87,4%) và 12 cụm công nghiệp với diện tích 789,91 ha, cho thuê đạt 67,4%).

Từ thành công trong việc phát triển các KCN, Bình Dương được Chính phủ xác định là một trong những địa phương hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để tiếp tục phát huy lợi thế, tạo lực đẩy cho sự phát triển của vùng, lãnh đạo Bình Dương quyết định đầu tư xây dựng Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương. Trong đó, nền tảng là phát triển các KCN, khu đô thị và các dịch vụ cao cấp với tổng diện tích 4.196 ha, tổng vốn ước tính 3.000 tỷ đồng.

Ngày 12/10/2004, Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương được khởi công xây dựng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và 06 KCN tập trung đã hình thành. Đặc biệt, trái tim của KCN dịch vụ đô thị là dự án thành phố mới Bình Dương với quy mô 1.000 ha. Tại đây, có Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Bình Dương; công viên, hồ nước, trung tâm thể thao cộng đồng; trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế; hệ thống giáo dục từ mầm non tới đại học… Ngày 20/02/2014, Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh Bình Dương được khánh thành và đưa vào sử dụng.

Việc phát triển mạnh các khu, cụm công nghiệp tập trung, nhất là xây dựng Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị đã thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển mạnh. Tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp của Bình Dương đạt 24,6%/năm, trong đó tăng cao nhất là giai đoạn 2001 - 2005 là 35,6%/năm. Đến cuối năm 2020, cơ cấu kinh tế tính theo GRDP công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế nhập khẩu trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ trọng tương ứng là 66,94% - 21,98% - 3,15%, 7,93% ; GRDP bình quân đầu người đạt 155,7 triệu đồng, tăng hơn 26 lần so với năm 1997 (5,8 triệu đồng).

Chính sách “trải chiếu hoa mời gọi nhà đầu tư”, cùng cơ chế thông thoáng, Bình Dương đã thu hút nhiều nhà đầu tư. Tính đến hết tháng 10/2021, Bình Dương thu hút hơn 4.000 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký 36,95 tỷ USD (tăng gấp 30 lần về số dự án và 30 lần về số vốn so năm 1997), 48.456 DN trong nước đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký là 434.708 tỷ đồng (tăng hơn 40 lần về số DN và hơn 90 lần về vốn so với năm 1997).

Song song với thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bình Dương chú trọng công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Từng bước điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý; xây dựng vùng cấm, vùng tạm cấm, hạn chế hoặc ngừng khai thác một số loại khoáng sản, nước ngầm nhằm tránh tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và xử lý các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, từng bước di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, khu đô thị. Triển khai và đưa vào vận hành một số dự án quan trọng bảo vệ môi trường như: Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương, khu xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương, dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương; xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung và các trạm quan trắc nước thải tự động trong các khu, cụm công nghiệp...

Đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI xác định đến năm 2025 là: “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thực hiện các đột phá chiến lược; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước”.

Theo đó, Bình Dương sẽ thực hiện các chương trình đột phá chiến lược về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; Tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; tập trung phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương.

Đồng thời, Bình Dương đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm là: Phát triển đồng bộ hệ thống đô thị gắn với xây dựng thành phố thông minh Bình Dương; đổi mới thu hút đầu tư, củng cố và phát triển quan hệ đối ngoại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh kế; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ theo hướng đô thị thông minh…

Bình Dương đề ra các chỉ tiêu phấn đấu trong từng giai đoạn cụ thể như: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng bình quân 8,5 - 8,7%/năm, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt từ 210 - 215 triệu đồng. Thu ngân sách tăng 8%/năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 33 - 34% GRDP và thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 9 tỷ USD. Diện tích nhà ở bình quân đạt 31,5 m2/người. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 99% năm 2025.

Đặc biệt các chỉ tiêu về phát triển đô thị được Bình Dương xây dựng như: Tỷ lệ lượng thông tin cung cấp công khai cho người dân có cơ chế phản hồi thông tin đạt 70%. Tỷ lệ bến đỗ, nhà ga có cung cấp thông tin giao thông theo thời gian thực đạt 50%. Tỷ lệ dân cư có bệnh án điện tử đạt 50%; 100% các cơ sở y tế cấp tỉnh, cấp huyện cho phép đăng ký khám chữa bệnh thông qua các ứng dụng ICT (ứng dụng công nghệ thông tin); 70% các điểm công cộng được lắp đặt hệ thống giám sát an ninh; 100% các sở, ngành xây dựng danh mục tài nguyên thông tin và thực hiện chia sẻ.

Sau ¼ thế kỷ - 25 năm tái lập, đến nay Bình Dương trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển năng động trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tiềm lực và khả năng cạnh tranh, thương hiệu của Bình Dương được cải thiện rõ rệt và Bình Dương được Trung ương đánh giá là địa phương thuộc nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu thành công trong sự nghiệp đổi mới.

Cao Cường

Theo

Cùng chuyên mục
  • Quảng Ninh: Người dân 2 xã biển đảo Quan Lạn và Minh Châu mong mỏi được dùng nước sạch

    (Xây dựng) – Mặc dù dự án cấp nước sạch cho đảo Quan Lạn, Minh Châu (huyện Vân Đồn) triển khai đã nhiều năm, đến nay hàng trăm hộ dân ở 2 xã biển đảo này vẫn chưa có nước sạch sử dụng.

  • Hà Nội: Đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè cho người dân

    (Xây dựng) – UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc bảo đảm cung cấp nước sạch mùa hè năm 2024 cho người dân trên địa bàn Thành phố.

  • Vùng đất “gian lao mà anh dũng”

    (Xây dựng) - Những ngày tháng 4 lịch sử, trở lại BR-VT, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay và nhịp sống căng tràn của vùng đất ven biển trù phú này.

  • Đắk Lắk: Mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế xanh

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Đắk Lắk vừa công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời tăng cường hạ tầng giao thông. Điều này được thể hiện qua sự ưu tiên đặc biệt cho việc phát triển cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên.

  • Hà Nội: Phát triển đô thị xanh, bền vững

    (Xây dựng) - Chương trình 03-CTr/TU về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025 của Thành ủy Hà Nội thực hiện đến nay đã cơ bản hoàn thành 4/19 chỉ tiêu. 11/19 chỉ tiêu đang hoàn thiện và có khả năng hoàn thành vào năm 2025; đối với 4/19 chỉ tiêu còn vướng mắc cũng được các sở, ngành tập trung rà soát, tháo gỡ, đôn đốc thường xuyên vì mục tiêu phát triển đô thị Hà Nội theo hướng xanh, thông minh, bền vững.

  • Lợi ích cho đoàn viên, người lao động

    (Xây dựng) - Bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi người lao động, chăm lo đời sống vật chất, để đoàn viên công đoàn yên tâm lao động, sản xuất, Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đặc biệt thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) về nâng cao lợi ích cho đoàn viên, với mong muốn đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng, Công đoàn Xây dựng Việt Nam (CĐXDVN) đã thỏa thuận hợp tác về cung cấp dịch vụ, sản phẩm với một số đơn vị để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load