Thứ bảy 05/10/2024 11:00 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Bình Dương: Phát 300.000 bảng so sánh Hiến pháp cho người dân

08:45 | 13/03/2013

Toàn tỉnh Bình Dương đã in và phát 300.000 bảng so sánh Hiến pháp năm 1992 với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bản thuyết minh và phiếu lấy ý kiến để gửi đến từng hộ gia đình và phòng trọ công nhân trên địa bàn toàn tỉnh (cả tỉnh có 265.000 hộ gia đình).


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những cách làm mới, sáng tạo của Bình Dương trong đợt lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, chiều 12/3, Đoàn kiểm tra về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013 do Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, dẫn đầu đã làm việc với tỉnh Bình Dương.

Theo bà Trần Thị Kim Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương, đến nay tỉnh đã tổ chức được 1.200 hội nghị, cuộc họp triển khai và lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp với 95.422 người tham gia. Tất cả 7/7 huyện, thị xã, TP đã hoàn thành việc lấy ý kiến và đã có báo cáo sơ bộ gửi về Ban Chỉ đạo của tỉnh tổng hợp.

Các nội dung đóng góp ý kiến của nhân dân đều mang tính chất xây dựng, thể hiện ý thức, trách nhiệm xây dựng đất nước, tập trung vào các nội dung cụ thể từ lời nói đầu đến các chương, điều, khoản trong dự thảo sửa đổi. Đa số các ý kiến đóng góp cơ bản tán thành và đánh giá cao dự thảo được chuẩn bị công phu, chất lượng, có nhiều điểm mới, tiến bộ, đã thể chế hoá các quan điểm của Đảng trong Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). 

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những cách làm mới, sáng tạo của Bình Dương trong đợt lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với 7 hình thức lấy ý kiến từ Hội nghị, hội thảo, tuyên truyền xuống tận các khu công nghiệp, nhà trọ công nhân, nông trường cao su thông qua các tổ chức đoàn thể như phụ nữ, thanh niên, câu lạc bộ nữ công nhân, tổ dân phố, khu dân cư… 

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập, hạn chế tỉnh Bình Dương cần sớm khắc phục như phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đợt lấy ý kiến nhân dân lần này thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, qua đó nâng cao trình độ dân trí và tham gia vào các hoạt động lớn của đất nước và sự hiểu biết pháp luật của nhân dân. 

Bên cạnh đó, việc tổng hợp thống kê ý kiến và xây dựng báo cáo phải đầy đủ, bám sát các dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hướng dẫn, chỉ đạo.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Bình Dương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, sâu sát việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân từ nay đến 30/9 nhằm tập hợp được nhiều nhất, cao nhất trí tuệ của nhân dân đối với bản Hiến pháp lần này. Do đó, cần tranh thủ ý kiến của các nhà khoa học, quản lý, lão thành, hưu trí, công nhân, nông dân để ghi nhận đầy đủ các ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân. Đối với những ý kiến trái chiều cũng phải ghi nhận và luận giải một cách khoa học, thuyết phục, tạo sự cởi mở trong quá trình lấy ý kiến.

Theo Chinhphu.vn

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load