(Xây dựng) – UBND tỉnh Bình Dương vừa ra Chỉ thị triển khai thực hiện Quyết định 950/QĐ-TTg ngày 01/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
Hướng đến mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng, tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước và các dịch vụ đô thị.
Để tiếp tục phát huy Đề án thành phố thông minh, tỉnh Bình Dương triển khai hệ thống hạ tầng đô thị thông minh. UBND các huyện, thị, thành phố và chủ đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện rà soát thực trạng hạ tầng kỹ thuật đang được giao đầu tư. Trong đó cần định hướng, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đầu tư về hạ tầng, ưu tiên tập trung cho các dự án phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật dùng chung, định hướng đầu tư xây dựng và phát triển các trung tâm quản lý, điều hành thông minh cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Lĩnh vực giao thông tiếp tục nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển giao thông công cộng, bố trí trạm dừng, điểm tiếp nhận khách thông minh. Bố trí hệ thống camera giao thông thông minh tại 1 số tuyến đường, vị trí quan trọng của đô thị và dự án.
Bên cạnh đó, lĩnh vực cấp điện, chiếu sáng cũng được nghiên cứu ứng dụng hệ thống chiếu sáng thông minh, sử dụng đèn Led tiết kiệm điện, ưu tiên khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời trên mái nhà, nghiên cứu phát triển hệ thống ghi nhận chỉ số đồng hồ trạm điện từ xa, thanh toán tiền điện thông qua ngân hàng.
Cấp nước, thoát nước được đầu tư đồng bộ hệ thống, định hướng nâng cao chất lượng nước cấp, tiến tới cấp nước an toàn cho đô thị. Thu gom xử lý chất thải rắn cũng được ưu tiên đầu tư bằng phương pháp thu rác tại nguồn, nâng cao tỷ lệ thu gom chất thải rắn, nâng cao công nghệ xử lý rác, tái sinh, tái chế rác thải, ứng dụng công nghệ sử dụng rác thải làm nguyên liệu sản xuất điện, năng lượng phục vụ hoạt động sản xuất, sinh hoạt.
Thực hiện Đề án ưu tiên thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng, quản lý phát triển hạ tầng đô thị với định hướng, thu hút đầu tư cải tạo chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện hữu để ứng dụng công nghệ đô thị thông minh, ứng dụng hệ thống quản lý địa lý (GIS) phục vụ công tác tổ chức, quản lý đô thị.
Đầu tư xây dựng các trung tâm quản lý, điều hành, xử lý tập trung dữ liệu đô thị, đa nhiệm, định hướng thu hút đầu tư các khu đô thị mới có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ ứng dụng công nghệ đô thị thông minh. Đầu tư nâng cấp phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông các đô thị, nâng cao mức độ phổ cập sử dụng kết nối các thiết bị đầu cuối thông minh.
Tổ chức thực hiện, UBND tỉnh phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông, các huyện và các đơn vị có liên quan để đề xuất phương án tham mưu tỉnh trong việc vận hành, cập nhật thông tin định kỳ hàng quý kịp thời nhằm từng bước hoàn thiện số liệu.
Hà Đào
Theo