Thứ sáu 19/04/2024 14:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bình Dương cần nâng tầm các đô thị

16:13 | 20/04/2022

(Xây dựng) – Sau 25 năm phát triển, Bình Dương có tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 82%, gấp 2,5 lần so với trung bình của cả nước và đã vươn lên vị trí số 2 về thu hút đầu tư nước ngoài với trên 4.000 dự án cùng hơn 37 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư.

binh duong can nang tam cac do thi
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường ¼ thế kỷ: Thành tựu và Triển vọng”.

Bình Dương chỉ “xin cơ chế - không xin tiền”

Tham luận tại Hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường ¼ thế kỷ: Thành tựu và Triển vọng” do Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cơ - Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Sau khi tách tỉnh, Bình Dương đã có bước chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, cũng như quá trình đô thị hóa. Đến nay, Bình Dương có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 3 thành phố, 2 thị xã (dự kiến 2 thị xã sẽ nâng cấp lên thành phố trong năm 2022) và 4 huyện, 91 đơn vị hành chính cấp xã phường thị trấn.

Sau 25 năm phát triển, Bình Dương đã trở thành địa phương có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 82%, gấp 2,5 lần so với trung bình của cả nước và đã vươn lên vị trí số 2 về thu hút đầu tư nước ngoài với trên 4.000 dự án cùng hơn 37 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư.

“Một thành tựu rất quan trọng của Bình Dương trong việc thực hiện mục tiêu đô thị hóa gắn với hiện đại hóa là xây dựng thành phố thông minh trên nền tảng mô hình “3 nhà”, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp. Trong đó, nhà nước giữ vai trò lãnh đạo, doanh nghiệp và các trường đại học nhận trách nhiệm trên mỗi lĩnh vực. Bình Dương đã 4 lần liên tiếp được vinh danh là một trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới”, ông Cơ chia sẻ.

Cùng quan điểm này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng cho rằng, xuất phát điểm của Bình Dương khi bước vào đổi mới là rất thấp, điều kiện phát triển hết sức khó khăn. Điều đó buộc Bình Dương phải lựa chọn chiến lược phát triển mới bảo đảm khai thác tiềm năng, lợi thế vốn có nhưng lại chưa được “đánh thức” do không đủ nguồn lực và thiếu điều kiện kích phát tối thiểu, biến chúng thành lợi thế cạnh tranh hiện thực. Đó là mạnh dạn đề xuất Trung ương “xin cơ chế, không xin tiền” và phát triển khu công nghiệp gắn với phát triển đô thị hiện đại, thông minh.

“Việc nỗ lực phát triển đô thị thông minh sớm sẽ giúp Bình Dương giải quyết hiệu quả hàng loạt vấn đề mang tính thời đại có độ thách thức rất cao, đó là: giao thông, y tế, giáo dục, logistic... tất cả đều phải là “thông minh”, tức là trên nền tảng công nghệ cao, môi trường sinh thái tốt và kết nối toàn cầu. Trên thực tế, Bình Dương đang tự tin giải quyết các vấn đề “phát triển thông minh” tuy đang phải đương đầu với nhiều khó khăn và trở ngại không nhỏ”, Tiến sỹ Thiên nhấn mạnh.

Phát triển hệ thống đô thị vệ tinh thông minh và đáng sống

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, trong quá trình công nghiệp hóa, Bình Dương sớm nhận thấy tầm quan trọng của đô thị hóa là một động lực quan trọng của tăng trưởng. Do đó, tỉnh đã thực hiện chiến lược đô thị hóa phù hợp như: Xây dựng khu đô thị mới, hình thành khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị, phát triển đô thị thông minh; từng bước nghiên cứu, đầu tư mô hình khu công nghiệp - đô thị khoa học - công nghệ, vùng đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra những động lực phát triển mới cho tỉnh trong cả trung và dài hạn.

Ông Thắng đánh giá, những thành tựu phát triển Bình Dương đạt được 25 năm qua là điểm sáng, phản ánh sinh động những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới của đất nước, với những quyết sách hệ trọng như: chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa…

Những thành tựu đó phản ánh một mô hình phát triển hết sức sáng tạo trong tiến trình đổi mới của đất nước, đó là: “Trung ương mở đường, địa phương kiến tạo, doanh nghiệp đồng hành, người dân tham gia” trong quá trình phát triển.

“Mô hình phát triển của Bình Dương trong tiến trình đổi mới của đất nước chính là mô hình độc đáo, hội đủ cách tiếp cận: “Tư duy toàn cầu, tầm nhìn quốc gia, hành động địa phương”. Với cách làm sáng tạo, triệt để tận dụng “lợi thế đi sau”, Bình Dương đã chọn con đường “phát triển thông minh”, không ngừng tìm kiếm những cách làm mới để vươn lên, vượt lên và đạt được những kết quả nổi bật, từng bước ngang tầm với khu vực và thế giới”, ông Thắng phân tích.

Đứng trước thách thức mới, nhất là sau đại dịch Covid-19, ông Thắng đề nghị: Bình Dương cần tiếp tục khai thác lợi thế địa - kinh tế và tỷ lệ đô thị hóa cao để trong quy hoạch tỉnh (giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050) nâng tầm phát triển các đô thị vệ tinh thông minh, đáng sống, có quy mô vừa và nhỏ, có các dịch vụ y tế, giáo dục, môi trường sống… đạt tiêu chuẩn cao, kết nối đồng bộ với Thành phố Hồ Chí Minh cả về hạ tầng giao thông và hạ tầng số. Từ đó, góp phần “giải nén” dân cư cho Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống, làm việc.

binh duong can nang tam cac do thi
Khu công nghiệp VSIP – Mô hình khu công nghiệp thành công ở Bình Dương.

Bên cạnh đó, Bình Dương cần chuyển dịch sang quá trình hội nhập đa tuyến, tăng cường liên kết vùng chặt chẽ và đồng bộ hơn để khai thác tối đa các cơ hội do hội nhập quốc tế mang lại. Đồng thời, ưu tiên cho đầu tư hạ tầng số, xây dựng những đô thị đáng sống và thông minh, xây dựng vùng đổi mới sáng tạo…

Bình Dương sẽ tiếp tục là một hình mẫu địa phương trong nỗ lực vượt qua bẫy thu nhập trung bình, phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030, trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước; cùng với cả nước hiện thực hóa tầm nhìn và mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ.

Cao Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load