Trong thời gian qua, Bình Định đã và đang đẩy mạnh các hoạt động nhằm phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các địa phương của Nhật Bản, qua đó thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản đến Bình Định.
Cảng biển là thế mạnh của Bình Định.
Phát huy tiềm năng trong thu hút đầu tư
Có thể nói, Bình Định là trung tâm phía Nam của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Bình Định chiếm một vị trí quan trọng trên trục hành lang kinh tế Đông Tây, là đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng đối với thị trường khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên. Đồng thời là cầu nối với thị trường Lào, Campuchia và Nhật Bản.
Bình Định hội tụ nhiều tiềm năng và điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Thế mạnh đặc biệt nhất của Bình Định là kinh tế biển, du lịch biển đảo và các ngành nghề có liên quan như cảng và hậu cần cảng, công nghiệp chế biến… Trong đó cảng quốc tế Quy Nhơn là một trong 3 cảng biển lớn của Việt Nam, sau TP.HCM và Hải Phòng. Đồng thời là cửa ngõ ra biển gần nhất và thuận lợi nhất của các tỉnh trong khu vực với nhiều ưu thế đó là vùng neo đậu kín gió, kho bãi rộng, đảm bảo tàu trọng tải 50 nghìn tấn ra vào an toàn.
Ông Nguyễn Văn Thiện - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết: Bình Định đã và đang khơi dậy những tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, Bình Định đang từng bước xây dựng trở thành hạt nhân tăng trưởng, trung tâm đô thị - công nghiệp - dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Bình Định đang vững bước trên con đường CNH, HĐH và đang có mặt trong nhóm những tỉnh, thành phố trong nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
Đầu tư hạ tầng hoàn thiện sẵn sàng phục vụ
Trên cơ sở những thế mạnh, những tiềm năng đã được phát huy, Bình Định đã tập trung đầu tư xây dựng và phát triển nhiều công trình hạ tầng quan trọng như cảng biển quốc tế Quy Nhơn, KKT Nhơn Hội, sân bay Phù Cát... để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, Khu kinh tế Nhơn Hội là một trong những điểm nhấn quan trọng trong thu hút đầu tư với cơ sở hạ tầng được đầu tư tương đối hoàn chỉnh.
Ông Lê Hữu Lộc - Chủ tịch UBND tỉnh giới thiệu tiềm năng và các lĩnh vực Bình Định đang thu hút đầu tư đến các DN tại Nhật Bản.
Trong chiến lược phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, Bình Định xác định các DN Nhật Bản là đối tượng chính mà tỉnh đang nhắm đến trong việc mời gọi đầu tư. Một số lĩnh vực mà họ có thế mạnh như hạ tầng giao thông (cảng biển và đường bộ), công nghiệp phụ trợ, bất động sản, du lịch, chế biến nông lâm sản. Chính vì vậy, Bình Định đã chủ trương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản. Từ cuối năm 2012 đến nay, Bình Định đã tổ chức thành công nhiều chương trình xúc tiến đầu tư tại quốc gia này.
Một số lĩnh vực Bình Định mời gọi đầu tư là các lĩnh vực mà DN Nhật Bản có thế mạnh như Công nghiệp điện - điện tử, động cơ, năng lượng; Hạ tầng khu, cụm công nghiệp; Công nghiệp phụ trợ; thương mại - dịch vụ; Sản xuất nhựa - gốm sứ - thủy tinh; Vật liệu xây dựng cao cấp, vật liệu trang trí nội, ngoại thất; Sản xuất các loại khí công nghiệp; Công nghiệp cơ khí chế tạo phụ tùng phục vụ công nông nghiệp. Hợp tác đầu tư - kinh doanh trong lĩnh vực chế biến đá granite.
Ông Lê Hữu Lộc - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Sau khi nghiên cứu nhiều vùng miền, quốc gia trên thế giới, chúng tôi nhận ra rằng, tiềm năng và lợi thế của Bình Định, con người và văn hóa của chúng tôi có sự tương đồng với văn hóa và phù hợp với nhu cầu đầu tư, kinh doanh của các DN Nhật Bản. Do vậy, Bình Định tiếp tục chọn Nhật Bản là địa chỉ để mời gọi đầu tư.
Tính đến nay Bình Định có gần 50 dự án do các DN nước ngoài đầu tư đến từ các nước có tiềm lực kinh tế như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Đức, Úc, Singapore, Malaysia, Hong Kong, Thái Lan, Pháp… và đặc biệt có 4 DN đến từ đất nước Nhật Bản đang triển khai dự án rất có hiệu quả tại tỉnh của chúng tôi. Ông Lộc cho biết thêm.
Ngọc Long
Theo