Ngày 3/4, hàng chục nghìn người đã tuần hành tại nhiều thành phố ở Tây Ban Nha phản đối các biện pháp kinh tế khắc khổ của chính phủ.
Tuần hành phản đối các chính sách kinh tế khắc khổ của chính phủ tại Madrid vào tháng Ba. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Những người biểu tình, từ hơn 100 tổ chức, trong đó có hai nghiệp đoàn lớn nhất Tây Ban Nha là CCOO và UGT, cùng nhóm đại diện người lao động ngành giáo dục và y tế, đã tuần hành tại thủ đô Madrid và 53 thành phố khác.
Chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy đã nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách bằng cách tăng thuế, cắt giảm lương và hạn chế chi cho các ngành giáo dục và y tế, bất chấp sự phản đối gay gắt từ người dân.
Chính phủ cho rằng các biện pháp cải cách khắc nghiệt này đã đem lại kết quả bước đầu khi kinh tế Tây Ban Nha tăng nhẹ vào giữa năm 2013, sau thời kỳ suy thoái kéo dài.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn chậm chạp, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao tới 26% khi nước này phải khắc phục hậu quả của tình trạng bong bóng bất động sản kéo dài suốt thập kỷ qua.
Mặc dù môi trường kinh tế khó khăn, Tây Ban Nha vẫn cam kết với Liên minh châu Âu (EU) sẽ hạ mức thâm hụt ngân sách xuống còn 5,8% GDP trong năm nay, 4,2% năm kế tiếp và 2,2% trong năm 2016.
Mức thâm hụt ngân sách của Tây Ban Nha đã giảm còn 6,62% GDP trong năm ngoái so với 6,84% năm 2012, tuy nhiên không đạt chỉ tiêu là 6,5% như dự kiến.
Cuộc biểu tình ngày 3/4 ở Tây Ban Nha diễn ra ngay trước một hoạt động biểu tình quy mô lớn do Liên hiệp công đoàn lao động châu Âu phát động, dự kiến diễn ra tại Brussels (Bỉ), nhằm yêu cầu chấm dứt thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" ở các nước EU.
Các nhà tổ chức hy vọng hoạt động này sẽ thu hút ít nhất 50.000 người từ hơn 20 nước châu Âu tham gia.
Theo Vietnam+
Theo