Thứ tư 15/01/2025 02:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội:

Biệt thự cổ bị xâm hại

09:57 | 20/12/2011

Trong thời gian này, gia đình cố Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến liên tục gửi đơn thư đi nhiều nơi khiếu nại khu nhà số 11A Tôn Đản đang bị xâm hại. Đây là địa chỉ mà nhiều cơ quan chức năng đang lập đề án Khu di tích tưởng niệm Bộ trưởng Lê Văn Hiến.

  
Lối vào cầu thang chung của nhà số 11A Tôn Đản trở thành nơi bán hàng.

Xâm lấn diện tích chung

Bà Lê Eelena (cháu ngoại Bộ trưởng Lê Văn Hiến), trú tại 11A Tôn Đản gửi đơn khiếu nại về việc ông Trần Vinh Quang - Giảng viên Khoa sau đại học, Học viện Tài chính có hành vi xâm lấn diện tích chung, phá dỡ tường chịu lực và xây dựng công trình vệ sinh trái phép. Cụ thể như: Gia đình ông Quang lấn chiếm cầu thang chung của ngôi nhà rồi đưa vợ chồng ông Nguyễn Văn Kỳ vào bán hàng, sinh hoạt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của các hộ gia đình tại đây. Bên cạnh đó, mặc dù là cầu thang chung nhưng UBND Q.Hoàn Kiếm vẫn cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho ông Trần Duy Tuấn (không có hộ khẩu tại 11A Tôn Đản). Lợi dụng điều này, họ bán hàng tại diện tích chung mà không hề có sự đồng ý của số đông những hộ dân cư trú tại số nhà này.

Tiếp đó, gia đình ông Quang phá toàn bộ tường chịu lực ở tầng 2, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu của ngôi biệt thự cổ này và xây dựng nhà vệ sinh không phép, có đường ống dẫn chất thải ra lối hành lang chung. Sau khi không bị chính quyền địa phương xử lý triệt để, ông Quang làm tiếp một khu vệ sinh tại tầng 3.

Qua tìm hiểu được biết, về việc kinh doanh tại cầu thang chung, ngày 30/11, Phòng Kinh tế đã có văn bản số 123/KT yêu cầu ông Trần Duy Tuấn chấm dứt hoạt động kinh doanh trên lối đi chung. Công văn này nêu rõ trong thời hạn 7 ngày từ khi nhận được văn bản, nếu ông Tuấn không chấp hành yêu cầu trên, Phòng sẽ ra quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên đến nay, việc kinh doanh trên lối đi chung vẫn ngang nhiên tồn tại.

Xử lý lừng chừng

Ông Vũ Trung Kiên - Phó trưởng Phòng Kinh tế, UBND Q.Hoàn Kiếm cho biết: Theo quy định của pháp luật, giấy phép kinh doanh trên của ông Trần Duy Tuấn đã không còn giá trị pháp lý cho nên không cần phải có quyết định thu hồi. Sau ngày 20/12, Phòng sẽ cử tổ công tác đi kiểm tra việc kinh doanh trái phép. Nếu tình hình vẫn tiếp diễn, sẽ ra thông báo yêu cầu chấm dứt kinh doanh. Nếu ông Trần Duy Tuấn vẫn không chấp hành, phòng Kinh tế sẽ kết hợp với lực lượng chức năng của quận, phường cưỡng chế thu hồi các sản phẩm mà ông Tuấn bày bán trái phép.

 Trong một diễn biến khác, tại công văn số 1067/UBND-VP, ngày 12/12, ông Nguyễn Quốc Hoa - Phó chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm chỉ đạo Phòng Kinh tế quận xử lý dứt điểm vụ việc này. 

Về tình trạng cải tạo nhà của gia đình ông Quang, tại văn bản số 49/KL-UBND của UBND P.Tràng Tiền có nêu: Gia đình ông Quang có tháo dỡ một bức tường và cải tạo nhà vệ sinh. Tuy nhiên văn bản này lại chỉ nêu chung chung là: Khu vệ sinh nằm trong diện tích sở hữu của gia đình ông Quang và bức tường bị tháo dỡ không phải là tường chịu lực.

Đánh giá về kết luận này, bà Le Eelena cho rằng việc cải tạo trong khu biệt thự cần phải được cấp phép. Hai công trình vệ sinh không phép đã bị UBND phường kết luận “chung chung” với khu vệ sinh cũ. Các hộ dân đã đưa ông Nguyễn Minh Thanh - Phó chủ tịch UBND phường đến tận công trình trái phép nhưng ông này không lập biên bản vi phạm. Ngoài ra, cơ quan chức năng phải thẩm định lại bức tường bị phá có phải tường chịu lực hay không để bảo đảm an toàn sinh mạng cho các hộ dân liên quan. Hơn nữa, chính quyền địa phương phải cưỡng chế các công trình trái phép cũng như việc kinh doanh lấn chiếm lối đi chung.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý sử dụng nhà biệt thự

Tự ý phá dỡ hoặc cải tạo làm thay đổi quy hoạch (mật độ xây dựng, số tầng và độ cao), kiểu dáng kiến trúc, hình ảnh nguyên trạng đối với biệt thự nhóm 1; Tự ý phá dỡ hoặc cải tạo làm thay đổi quy hoạch (mật độ xây dựng, số tầng và độ cao), kiểu dáng kiến trúc bên ngoài đối với biệt thự nhóm 2; Cơi nới, chiếm dụng diện tích, không gian hoặc làm hư hỏng tài sản thuộc phần sở hữu chung hoặc phần sử dụng chung trong nhà biệt thự dưới mọi hình thức; tự ý đục phá, cải tạo, tháo dỡ hoặc làm thay đổi phần kết cấu chịu lực, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị sử dụng chung, kiến trúc bên ngoài của nhà biệt thự; thay đổi kết cấu, thiết kế của phần sở hữu riêng hoặc phần sử dụng riêng nhà biệt thự; Phân chia, chuyển đổi phần sở hữu chung hoặc phần sử dụng chung trong nhà biệt thự trái quy định; Sử dụng hoặc cho người khác sử dụng phần sở hữu riêng hoặc phần sử dụng riêng trái với mục đích quy định.

(Theo Thông tư  38/2009/TT-Bộ Xây dựng ban hành ngày 8/12/2009)

Thanh Giang

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load