Thứ sáu 29/03/2024 21:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Biến động giá vật liệu tác động mạnh đến tiến độ các dự án giao thông trọng điểm

16:32 | 09/06/2022

(Xây dựng) - Đây là một trong những nội dung được đề cập tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, ngày 9/6. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn.

bien dong gia vat lieu tac dong manh den tien do cac du an giao thong trong diem
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn ngày 9/6.

Giải pháp bình ổn giá vật liệu?

Đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nêu vấn đề: Vừa qua khi xây dựng một số đoạn cao tốc đường bộ đã xuất hiện tình trạng khan hiếm cục bộ một số loại nguyên vật liệu. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết phương án xử lý vấn đề này, nhằm đảm bảo triển khai các dự án đúng tiến độ, chất lượng?

Tương tự, đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội phản ánh: Việc biến động giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng trong thời gian qua, gây khó khăn cho chủ đầu tư và nhà thầu, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công dự án đường cao tốc Bắc- Nam phía Đông. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ các giải pháp xử lý, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận: Thời gian qua, giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng có biến động lớn, gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc quản lý giá thành, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, đồng thời gây khó khăn cho nhà thầu trong việc triển khai thi công, đặc biệt đối với các gói thầu, dự án lớn như các dự án cao tốc. Một số nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng, chờ giá xuống, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với các địa phương kịp thời công bố giá vật liệu, có can thiệp điều chỉnh sớm giá vật liệu xây dựng theo biến động thị trường.

Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để giải quyết triệt để khó khăn về vật liệu và công tác giải phóng mặt bằng; tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng để giải quyết các khó khăn về biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng…

Bộ Giao thông Vận tải chủ động mời các cơ quan thanh tra, kiểm toán, công an tham gia triển khai dự án ngay từ giai đoạn đầu để kịp thời phát hiện, khắc phục các tồn tại hạn chế và phòng ngừa thất thoát, lãng phí, tiêu cực. “Việc tham gia của các Bộ, ngành sẽ làm tốt được vấn đề công khai, minh bạch, không ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà thầu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định.

Tất cả những dự án lớn đều phải điều chỉnh giá

bien dong gia vat lieu tac dong manh den tien do cac du an giao thong trong diem
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: Thực tế hoàn toàn không có chuyện nhà thầu thi công công trình cho Nhà nước nhưng khi giá vật liệu tăng dẫn đến đến thua lỗ. Bởi các hợp đồng xây lắp đều có cơ chế điều chỉnh giá. Việc điều chỉnh giá hợp đồng chậm có phải là do thủ tục, quy trình? Chủ tịch đề nghị Bộ Giao thông Vận tải làm rõ vấn đề này?

Trước vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Những gói thầu lớn đều thực hiện hợp đồng điều chỉnh giá. Trước biến động giá vật liệu, tất cả những dự án lớn đều phải điều chỉnh giá.

Vấn đề đặt ra là điều chỉnh có kịp thời hay không? Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương khi xảy ra biến động giá cả như thế nào? Bởi các nhà thầu có tâm lý sợ trong thời điểm mua xăng dầu, mua vật liệu, giá vận chuyển giá cao, nhưng khi nghiệm thu thanh toán giá thấp. Trong khi đó, việc ký hợp đồng căn cứ vào thông báo giá của địa phương.

Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Sự phối hợp của các bộ, ngành và thông báo giá của địa phương rất quan trọng. Nếu thông báo giá sát và kịp thời thì việc thanh quyết toán cho nhà thầu sẽ tốt”

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với các bộ, ngành tìm giải pháp và mong đại biểu Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ xem xét có cơ chế đảm bảo công bằng với nhà thầu, điều chỉnh giá kịp thời.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, đối với các gói thầu nhỏ gói thầu trọn gói, gói thầu cố định giá đang gặp nhiều khó khăn do biến động giá vật liệu. Trước vấn đề này, Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với một số Bộ, ngành nghiên cứu tìm giải pháp theo hướng xây dựng Nghị định hoặc Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn.

Bộ trưởng cam kết: Sẵn sàng tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, đồng thời hy vọng có sự phối hợp giữa các địa phương và các Bộ, ngành trong việc tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế giải quyết vấn đề này, khắc phục những khó khăn bất khả kháng trong tình trạng hiện nay.

Bộ Giao thông Vận tải giám sát chặt chẽ tiến độ dự án đường cao tốc

Theo phản ánh của đại biểu Vũ Xuân Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, các gói thầu dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông không chỉ chịu tác động của biến động giá (hiện tại giá các gói thầu so với giá lúc trúng thầu cao tốc Bắc - Nam tăng từ 20% đến 30%) mà còn phải đối diện với tình trạng nguồn vật liệu rất thiếu hụt. Trong 6 dự án cao tốc, hiện vẫn còn thiếu hụt đến 12,5 triệu mét khối vật liệu. Các địa phương tuy đã có quy hoạch nguồn cung cấp vật liệu cho các dự án này nhưng do nguồn cung cấp vật liệu thị trường thời gian qua khan nên có tình trạng “găm” hàng, ép giá, làm ảnh hưởng đến các dự án.

Đại biểu Vũ Xuân Hùng đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có những giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ các vương mắc trên, đảm đảm triển khai toàn bộ dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông theo tiến độ yêu cầu?

Trong khi đó, đại biểu Âu Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang thì đặt câu hỏi: Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng các nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng, chờ điều chỉnh giá, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm quốc gia?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Đối với cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1, hiện Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai 10 dự án, trong đó có 4 dự án sẽ hoàn thành trong năm 2022. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo sẽ rút ngắn thời gian thi công các dự án 3 tháng, tuy nhiên thực tế có một số dự án rút ngắn được 3 tháng nhưng có một số dự án do vướng mắc nên chưa điều chỉnh được.

Bộ trưởng cũng khẳng định: Bộ Giao thông Vận tải đang giám sát chặt chẽ tiến độ. Đơn cử, dự án Phan Thiết - Vĩnh Hảo đạt được tỷ lệ khoảng gần 40%; phấn đấu đến ngày 30/6 đạt được tỷ lệ khoảng 50,8%, sau 30/6 thi công các lớp đá, thảm nhựa. Nhà nhà thầu cũng như Ban Quản lý dự án cam kết sẽ đảm bảo được tiến độ.

Đối với đoạn tuyến Dầu Giây - Phan Thiết, hiện đã thi công đạt được tỷ lệ 45%. Nhà thầu đang cố gắng tập trung hoàn chỉnh phần nền đất trong tháng 6, để tháng 7 - 8 tập trung thảm nhựa…

Bộ trưởng thừa nhận có tình trạng trong điều kiện vật giá tăng, một số nhà thầu làm việc có trách nhiệm theo hợp đồng, có một số nhà thầu trông chờ vật giá xuống mới triển khai thực hiện.

Bộ trưởng cũng khẳng định: Với những dự án trọng điểm quốc gia và những dự án đầu tư công đang triển khai, quan điểm của Bộ rất nghiêm khắc, đòi hòi chủ đầu tư, nhà thầu nêu cao tinh thần trách nhiệm với ngân sách nhà nước và với địa phương, với dự án trọng điểm.

Để hỗ trợ gỡ vướng cho các nhà thầu, Bộ Giao thông Vận tải giao Ban Quản lý dự án phối hợp với nhà thầu kiểm soát các công trình, nghiệm thu cơ sở để xác định thời điểm thi công, làm cơ sở để thanh quyết toán, điều chỉnh giá theo theo thời điểm.

Bộ cũng yêu cầu các nhà thầu đã ký hợp đồng phải thực hiện nghiêm, có khó khăn thì cần phối hợp giải quyết, không vì lý do vật giá mà chậm triển khai làm ảnh hưởng đến tiến độ. Bộ đã nghiêm túc chấn chỉnh nhiều dự án trọng điểm quốc gia và thu được kết quả khả quan.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát về chất lượng, kiểm tra vấn đề chống lãng phí từ khâu lập chủ trương đầu tư, lập dự án đầu tư, đưa ra nhiều phương án để so sánh, để lựa chọn.

Bộ đồng thời kiểm tra quá trình thiết kế, giải pháp kỹ thuật của từng cây cầu; xem xét kỹ lưỡng quá trình thi công cho phù hợp với điều kiện thực tế để đảm bảo tiến độ, chất lượng nhưng chi phí rẻ nhất…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: Việc giám sát tiến độ, chất lượng dự án là công tác thường xuyên của Bộ Giao thông Vận tải và các chủ đầu tư. Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn kiểm tra, thanh tra xem từng giải pháp có hợp lý hay không, có tình trạng thất thoát, lãng phí không?

Bộ trưởng khẳng định: Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1 có nhiều khó khăn nhưng đến thời điểm hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ, ngành đã tham mưu cho Chính phủ các giải pháp và cơ bản đảm bảo đúng tiến độ theo nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Quý Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load