Thứ ba 12/11/2024 05:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Biến “đất vàng” Hãng phim truyện Việt Nam thành “nhà hàng” sau khi cổ phần hóa?

08:27 | 04/05/2016

(Xây dựng) – Sau hơn 20 năm kinh doanh thua lỗ, ngày 14/4 vừa qua, Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) tổ chức phiên đấu giá lần đầu ra công chúng IPO. 65% cổ phần thuộc về Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso), và thế là Vivaso nghiễm nhiên trở thành “ông chủ mới” của mảnh đất VFS. Vivaso sẽ làm gì với “khu đất vàng” số 4 Thụy Khuê - trụ sở VFS? Vivaso sẽ đầu tư nâng cấp trụ sở phục vụ hoạt động nghệ thuật hay biến khu đất này thành nhà hàng kinh doanh?


Khu đất vàng của Hãng phim truyện Việt Nam đã có chủ mới.

Xoay quanh câu chuyện cổ phần hóa (CPH) Hãng phim truyện Việt Nam, rất nhiều người quan tâm giá trị “khu đất vàng” số 4 Thụy Khuê, trụ sở VFS. Tuy nhiên, 5.450m2 “đất vàng” của VFS đã không được định giá khi cổ phần hóa. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu có sự thất thoát hoặc bị bỏ phí tài sản và lợi thế đất đai như đã từng xảy ra với nhiều doanh nghiệp (DN) trước đây.

Báo điện tử Vietnamnet có bài phân tích: Kết quả IPO của VFS ngày 14/4/2016 cho thấy, VFS chỉ bán được 115 ngàn, trong tổng số 525 ngàn cổ phần đem ra chào bán, thu về gần 1,2 tỷ đồng. Theo phương án, sau CPH, Nhà nước nắm giữ 20%, cán bộ CNV 4,5% và 65% bán cho Tổng Công ty Vận tải thủy với giá chào bán thấp nhất: 10.200 đồng/cp.

Với 5 triệu cổ phiếu và giá bán xấp xỉ mệnh giá, VFS có giá trị chỉ khoảng 50 tỷ đồng. Trong khi, theo Quyết định 4126/QĐ-BVHTTDL ngày 26/11/2015 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, tổng giá trị thực tế của Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam tại thời điểm 30/09/2014 là hơn 91,7 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến thương hiệu và đất đai. Trong bản kết quả xác định giá trị DN, hãng phim có tuổi đời 56 năm không được định giá thương hiệu. Bên cạnh đó, hơn 1,4 hecta đất do VFS sử dụng trong vài chục năm qua không được tính vào giá trị DN khi CPH.

Trong đó, khu đất số 4 Thụy Khuê, với gần 5.450m2 thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội được xem là một mảnh đất vàng, với giá trị theo giá thị trường có thể lên tới cả ngàn tỷ đồng. VFS còn đang sử dụng khu đất hơn 900m2 tại ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, Quận Ba Đình, Hà Nội làm khu chứa đạo cụ, đoàn xe; khu đất gần 6.400m2 tại Đông Anh làm nơi để vật liệu nổ, đạo cụ, trường quay phim và hơn 1,2 ha tại Quận 1 làm chi nhánh tại TP HCM.

Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Vietnamnet về lý do Vivaco trở thành “ông chủ mới” của VFS, ông Nguyễn Danh Thắng, Phó TGĐ Tổng Công ty vận tải thủy cho biết: Công ty chúng tôi yêu điện ảnh nên chúng tôi mua lại Hãng phim truyện, cũng giống như các doanh nghiệp khác yêu bóng đá thì họ mua lại một đội bóng nào đó vì đam mê. Tôi cho rằng không nhất thiết nhà̀ đầu tư phải có chuyên môn về lĩnh vực của nơi họ mua.

Ông Thắng cho biết thêm, sau khi mua lại cổ phần VFS, Vivaco cũng đã có cam kết với Bộ VH-TTDL về việc dành 20% vốn điều lệ để hoạt động về điện ảnh. Điều này đã được Giám đốc VFS, Đạo diễn, NSND Vương Đức xác nhận trong phóng sự phát trên VTV1 ngày 3/5/2016.

Về phương án hoạt động sau CPH, Giám đốc VFS cho biết: ngoài hoạt động sản xuất phim truyện và nghệ thuật, công ty sẽ mở rộng các lĩnh vực kinh doanh khác như nhà hàng xuất khẩu nhiều mặt hàng. Công ty đặt mục tiêu năm 2016 đạt doanh thu 45 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo như ông Nguyễn Danh Thắng, Phó TGĐ Vivaco trả lời phóng viên Vietnamnet, ngoài điện ảnh, Vivaco không hề đặt kì vọng vào việc kinh doanh nhà hàng khi đầu tư vào VFS. “Nếu như việc kinh doanh này có được sự hợp pháp thì đương nhiên là một doanh nghiệp, chúng tôi sẽ tận thu. Tuy nhiên, về giá trị mảnh đất của VFS đang sử dụng mà dư luận gần đây có chú ý tới khi Vivaco mua cổ phần thì xin nói rằng đó là những mảnh đất đang được VFS sử dụng dưới dạng kí hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên môi trường nên sau khi công ty chúng tôi mua lại có muốn làm làm gì cũng phải dựa trên phê duyệt phương án sử dụng đất trong hợp đồng đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt thì mới được phép làm. Vấn đề cho thuê đất hay kinh doanh nhà hàng tại mảnh đất VFS, có làm được như vậy thì cũng phải dựa trên các phương án sử dụng đất đã được các cấp ngành phê duyệt thì Vivaco mới dám làm, nhất là khi số 4 Thụy Khuê không phải là mảnh đất có thể tùy tiện muốn làm gì thì làm khi nằm trong khu vực khá nhạy cảm” – ông Thắng khẳng định.

Hiện tại, trụ sở cũ kỹ của VFS đã có nhiều biểu hiện xuống cấp trầm trọng, nhiều phòng niêm phong, đồ vật phủ bụi như một địa điểm “hoang tàn”, xung quanh là nhà hàng ăn uống, quán nước vỉa hè, ban đêm, nơi này trở thành một địa chỉ ăn đêm quen thuộc. Những hình ảnh này khiến không ít nghệ sĩ, những người đã từng coi trụ sở VFS như ngôi nhà thứ 2 không khỏi đau xót.

Một số hình ảnh phóng viên Báo điện tử Vietnamnet ghi lại tại trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam khiến người xem không giấu được sự tiếc nuối.

Nếu không có tấm biển xanh nhỏ thì có lẽ không ai biết đây là cổng phụ của hãng phim khi đã bị các hàng quán xung quanh bao vây.

Hãng phim truyện Việt Nam còn sở hữu thêm một ngôi nhà ven hồ trước đây từng được cho thuê làm quán ăn. Sau này khi được trả lại và diễn ra rất nhiều tranh chấp liên quan đến hợp đồng cho thuê ngôi nhà đã trở thành nhà lưu niệm của hãng phim.

Tuy nhiên do không có người bảo vệ, bên trong những hiện vật như máy quay phim cổ, nhiều tranh ảnh, tài liệu đã bị đánh cắp khiến nó giống như một ngôi nhà hoang có vị trí đẹp nhất nhì thủ đô.

Lối vào hãng phim với chiếc cổng sắt đã cũ kĩ. Trong sân là nơi đỗ xe của đoàn làm phim cùng rất nhiều chiếc ô tô tư nhân được bao quanh bởi những ngôi nhà cấp 4 mái fibro xi măng cũ kĩ.

Có những phòng làm việc được niêm phong không hoạt động đã từ rất lâu.

Lối vào trường quay thường xuyên được chốt cửa vì ít được sử dụng.

Bên trong trường quay là một không gian rất rộng nhưng ẩm mốc và thiếu ánh sáng. Được xây theo dạng trường quay nên xung quanh có cầu thang, ở giữa là khu trường quay rộng.

Nếu không nói đây là trường quay thì có lẽ rất nhiều người sẽ nghĩ đây chính là nhà kho vì rất nhiều đồ đạc được đem cả vào đây để cất.

Những tấm mái đã xuống cấp và tường đã long lở.

Cùng chung số phận với trường quay là kho quần áo, phục trang của diễn viên. Dường như tất cả được xếp ngăn nắp và im lìm ở chỗ này từ rất lâu.

Đồ đạc ngổn ngang, ít khi được sử dụng vì mỗi năm VFS chỉ được đặt hàng khoảng 2-3 phim.

Lối cổng chính từ Thụy Khuê vào Hãng phim đã từ lâu cũng là lối vào của những quán ốc và quán nước vỉa hè.

Vào buổi tối, vỉa hè của hãng phim còn được biết đến như một địa điểm của quán ăn vặt ban đêm.

PV (Tổng hợp)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load