Thứ sáu 29/03/2024 22:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Biến áp lực thành động lực

17:22 | 28/04/2022

(Xây dựng) – Thiếu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, đặc biệt là than; cạnh tranh gia tăng trong bối cảnh nguồn cung tăng cao đã buộc các DN sản xuất xi măng đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tiên phong đi đầu thúc đẩy kinh tế tuần hoàn của ngành Xây dựng.

bien ap luc thanh dong luc
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cùng đoàn công tác kiểm tra hệ thống quan trắc online 24/7 và thăm phòng điều hành trung tâm VICEM Bút Sơn.

Khan hiếm than cho sản xuất xi măng

Hiện cả nước có 90 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất 106,6 triệu tấn/năm, nhưng thực tế có thể sản xuất 122 triệu tấn/năm do các DN áp dụng khoa học công nghệ, cải tạo và tăng năng suất lò nung. Trong năm nay, dự kiến thêm 3 dây chuyền sản xuất xi măng mới đi vào hoạt động, gồm dự án xi măng Xuân Thành 3, dự án xi măng Long Thành và dự án xi măng Đại Dương 1, với công suất khoảng 8,8 triệu tấn/năm. Thị trường xi măng cung vượt cầu cao, năm nay lại thêm các dây chuyền mới đi vào hoạt động sẽ đẩy áp lực cạnh tranh gia tăng khốc liệt.

Một khó khăn ngoại cảnh mà các DN sản xuất xi măng trong toàn ngành đang phải đối mặt, đó là giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng cao và nguồn cung than khan hiếm, đặc biệt là giá than dầu, do ảnh hưởng chung của thị trường thế giới.

Một lãnh đạo công ty xi măng cho biết: Than là nhiên liệu quan trọng cho sản xuất xi măng, chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành. Giá tăng, nguồn cung than khan hiếm, có thời điểm DN không có than để mua, ảnh hưởng đến sản xuất. Với quy mô công suất hơn 100 triệu tấn/năm thì riêng ngành Xi măng tiêu thụ than lên đến trên chục triệu tấn.

Mặc dù tiêu thụ xi măng tăng, do hưởng lợi từ đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng, nhưng áp lực giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng khiến biên độ lợi nhuận của DN không như kỳ vọng.

bien ap luc thanh dong luc
VICEM Bút Sơn đẩy mạnh xử lý rác đốt thay than.

Biến cạnh tranh thành động lực

Cũng cần nhìn nhận khách quan, trong 90 dây chuyền sản xuất xi măng thì gần 1 nửa là dây chuyền công suất nhỏ hơn 0,91 triệu tấn xi măng/năm; thiết bị cũ, xuống cấp, mức tiêu hao nhiên liệu lớn, tạo ra sản phẩm có giá thành cao, sức cạnh tranh thấp. Lượng than tiêu thụ giảm khi nhà máy có dây chuyền công nghệ hiện đại công suất đủ lớn, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Một cách nữa để giảm lượng than tiêu thụ là phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành Xi măng, trong đó có đốt rác thải làm nhiên liệu thay thế than.

Cạnh tranh, nhìn theo khía cạnh tích cực, chính là động lực đòi hỏi các DN xi măng phải đổi mới sáng tạo để tăng năng suất, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu và sử dụng các nguyên nhiên liệu thay thế. Trong bối cảnh than khan hiếm và giá cao như hiện nay thì đốt rác làm nhiên liệu thay thế đã giúp DN sản xuất xi măng giảm chi phí biến đổi, giảm áp lực và tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Đồng xử lý rác trong dây chuyền xi măng có nhiều lợi thế khi xử lý triệt để các loại chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại, xử lý khối lượng lớn do tận dụng được lò đốt ở nhiệt độ cao sẵn có trong dây chuyền sản xuất, không đòi hỏi cao về phân loại rác, tỷ lệ thu hồi nhiệt cao, không phát thải thứ cấp và hệ thống giám sát khí thải liên tục 24/7, nhờ đó không cần các bãi chôn lấp, góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan. Mặc dù tiềm năng và hiệu quả nhưng đến nay, cả nước chỉ có 3 đơn vị được cấp phép xử lý chất thải, chất thải nguy hại là Công ty xi măng Insee (Kiên Giang), Công ty TNHH Sản xuất xi măng Thành Công (Hải Dương) và Công ty Xi măng Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Tiết kiệm tài nguyên là hướng đi tất yếu

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, quý I/2022, sản lượng xi măng tiêu thụ nội địa đạt 13,5 triệu tấn; trong đó, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) tiêu thụ 4,66 triệu tấn, chiếm 34,5%. Chỉ riêng trong tháng 3, tiêu thụ tăng lên gần 6 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2021, và tăng 3,5 triệu tấn so với tháng 2/2022.

Theo các chuyên gia, giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng cao, các nguyên liệu như đá vôi, sét là nguyên liệu không tái tạo cũng ngày càng cạn kiệt, buộc các DN sản xuất xi măng phải tìm hướng đi mới, sản xuất tiết kiệm tài nguyên không tái tạo. Khát vọng kinh tế tuần hoàn, trước mắt tập trung đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; biến xi măng thành ngành kinh tế tổng hợp để giải quyết các vấn đề môi trường cho đất nước đang được VICEM và các đơn vị thành viên triển khai thực hiện quyết liệt.

Năm 2020, VICEM đã xử lý bùn thải tại 5 dây chuyền thuộc 4 đơn vị sản xuất xi măng (NMXM Hoàng Thạch, Bút Sơn, Hạ Long, Hà Tiên 1) với tổng khối lượng 15.000 tấn bùn thải; năm 2021 là hơn 70.000 tấn bùn thải, giúp thay thế 3 - 5% nguyên liệu sét; kế hoạch năm 2022 toàn VICEM xử lý là 86.000 tấn bùn thải.

Rác thải công nghiệp thông thường được VICEN xử lý tại 7 dây chuyền thuộc 5 đơn vị sản xuất, với tổng khối lượng rác gần 120.000 tấn (năm 2020); hơn 200.000 tấn (năm 2021); kế hoạch năm 2022 toàn VICEM xử lý khoảng 276.000 tấn rác thải làm nhiên liệu thay thế. Hiệu quả kinh tế khi thử nghiệm xử lý rác thải ở những dây chuyền xử lý thủ công tiết giảm được chi phí sản xuất từ 3.000 - 5.000 đ/tấn clinker, những dây chuyền xử lý bán tự động tiết giảm chi phí sản xuất từ 8.000 - 15.000 đ/tấn clinker. Từ cuối năm 2021, VICEM Bút Sơn đã được Bộ TN&MT cho phép thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại. Đến nay, sau gần 5 tháng vận hành thử nghiệm, đơn vị xử lý thành công hơn 4.172 tấn chất thải nguy hại; với mức hỗ trợ chi phí xử lý là 400.000 đ/tấn.

VICEM đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng cường sử dụng tro, xỉ, thạch cao nhân tạo. Năm 2021, tổng lượng tro, xỉ các loại sử dụng toàn VICEM đạt gần 2,6 triệu tấn; kế hoạch năm 2022 sử dụng trên 3 triệu tấn, tương đương với tỷ lệ sử dụng là 11,5%. VICEM nghiên cứu, sử dụng thạch cao nhân tạo thay thế thạch cao tự nhiên. Năm 2020 lượng thạch cao nhân tạo sử dụng là 25.000 tấn, năm 2021 thực hiện là 122.000 tấn tăng gần 100.000 tấn so với năm 2020, riêng tại VICEM Sông Thao đã sử dụng thạch cao nhân tạo thay thế 100% thạch cao tự nhiên.

Mới đây, tại buổi làm việc với Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) tại VICEM Bút Sơn về kinh tế tuần hoàn trong ngành Xi măng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước là đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nhằm phát triển xanh, bền vững; VICEM tích cực triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn. Tuy giai đoạn đầu nhưng đạt kết quả khả quan. DN đã thí điểm tham gia đồng xử lý chất thải, rác thải, tận dụng tro xỉ làm phối liệu, sử dụng tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; tiết giảm chi phí biến đổi, chi phí sản xuất nên đạt được hiệu quả trực tiếp từ việc xử lý này.

Bộ trưởng đề nghị đơn vị hoàn thiện nâng cấp quy trình công nghệ xử lý, đặc biệt là công nghệ xử lý chất thải, tiến tới tự động hoá. Bổ sung thiết bị, đa dạng hoá xử lý các loại chất thải khác. Nâng cao tỷ lệ thay thế nguyên nhiên liệu tự nhiên trong sản xuất xi măng; rà soát công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện môi trường, phát thải các bon thấp. Đồng thời, VICEM cần tổng kết đánh giá ưu và nhược điểm của mô hình này, đồng thời có kiến nghị đề xuất với Bộ Xây dựng, để Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ. Mô hình đồng xử lý cần được nhân rộng. Trong đó, VICEM đi đầu chủ lực, và ngành công nghiệp xi măng phát triển xanh, bền vững.

Vũ Huyền

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load