Sáng nay (11/6), Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và các đồng chí trong Thường trực Thành ủy đã gặp mặt đại biểu văn nghệ sỹ, trí thức Thủ đô để nghe đóng góp ý kiến, đề xuất trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020.
Tâm huyết, trí tuệ, xác đáng, đó là cảm nhận chung về những ý kiến và tinh thần tại hội nghị. Thế nên dù đã quá trưa, nhưng vẫn còn nhiều đại biểu đăng ký tham gia phát biểu với mong muốn chung xây dựng Thủ đô phát triển ngày càng toàn diện, cả về kinh tế và văn hóa.
Mục tiêu cao, quyết tâm cao
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Đại hội XVI Đảng bộ TP Hà Nội đã đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển Thủ đô 5 năm 2015 – 2020. Đó là xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Thanh Hải
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu chuyển dịch theo hướng: dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, có nhiều sản phẩm với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao.
Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng và quản lý đô thị; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hiện đại, môi trường bền vững.
Văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; quốc phòng - an ninh được củng cố vững chắc…
Để hoàn thành các mục tiêu quan trọng của cả nhiệm kỳ, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao nhất, sự cố gắng, nỗ lực và đoàn kết nhất trí của Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô; sự phối hợp chặt chẽ, giúp đỡ hiệu quả của T.Ư; sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt sự đóng góp tâm huyết, trí tuệ của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ Thủ đô.
Với tinh thần thực sự cầu thị, lãnh đạo TP Hà Nội mong muốn được lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp của đại biểu trí thức, văn nghệ sĩ, nhất là những kế sách, những giải pháp sáng tạo, phù hợp để Hà Nội thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trong sự nghiệp xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng là niềm tự hào, là trái tim của cả nước.
Tiếp đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đánh giá về những kết quả đạt được cùng một số hạn chế của Thủ đô giai đoạn 2011 – 2015; đồng thời thông tin đến các đại biểu về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020.
Theo đó, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ 5 năm tới, TP đề ra các giải pháp chủ yếu là tăng cường tuyên truyền trong cán bộ, Nhân dân, DN; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các DN; nâng cao năng lực quản lý quy hoạch, đô thị, nông thôn; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hiệu lực quản lý Nhà nước…
“Áy náy” về xây dựng, quản lý đô thị
Không chỉ đơn thuần là buổi gặp mặt, nói như nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Lê Tiến Thọ, đây như “hội nghị Diên Hồng” cho giới văn nghệ sỹ, trí thức có những ý kiến, đóng góp thẳng thắn để phát triển Thủ đô. Theo Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu, đây là dịp rất quan trọng, thể hiện sự trọng thị, quan tâm đặc biệt của lãnh đạo TP Hà Nội với đội ngũ nghệ sỹ, trí thức.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung với các đại biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Thanh Hải
“TP Hà Nội vô cùng sáng suốt khi đặt trí tuệ, tri thức lên đầu trong giai đoạn phát triển nhanh như hiện nay. Tôi hy vọng tinh thần, tư tưởng ấy sẽ tiếp tục được cụ thể hóa hơn nữa. Trước mắt cần rà soát, đánh giá xem những con người thực sự có tài, có tâm, những công trình khoa học nào thực sự khả thi để thực hiện”, Giáo sư Vũ Khiêu phát biểu.
Đề cập thẳng đến công tác quản lý đô thị đang có nhiều vấn đề khi có quá nhiều siêu dự án nguy cơ phá vỡ quy hoạch, Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Tấn Vạn đề nghị TP Hà Nội phải quản lý chặt chẽ hơn lĩnh vực này, nếu không sẽ làm đảo lộn hạ tầng xã hội. Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng cần có những chính sách giữ cho được đô thị xanh, nhất là hiện nay, công viên đã ít nhưng cũng bị bê tông hóa, dịch vụ hóa. Đồng tình ý kiến này, họa sỹ Trần Khánh Chương đặt câu hỏi liệu “TP Hà Nội đã sáng, xanh, sạch đẹp” chưa. Theo họa sỹ Trần Khánh, vừa qua Hà Nội đã đầu tư tốt cho công nghệ cắt tỉa cây, giúp cho cảnh quan thêm quang đãng, đẹp hơn và đây cũng là cách làm cần phát huy.
Cũng về nội dung này, KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ: Ngay cả những người làm nghề cũng rất áy náy khi thấy vẫn còn những tồn tại về quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị. Vì vậy, cần sớm lựa chọn giải pháp gì hiệu quả, tránh để kéo dài tình trạng này. Muốn vậy, trước mắt phải đánh giá đúng tình hình, “đừng đem tầm nhìn 5 – 10 năm trước để đánh giá thực trạng hiện nay đang thay đổi rất nhiều”. Ông Đào Ngọc Nghiêm cũng đề xuất trong xây dựng nông thôn mới, phải đẩy mạnh toàn diện hơn nữa, có những tiêu chí riêng của Hà Nội, bởi với quy hoạch và tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, một số huyện như Chương Mỹ, Hoài Đức, Gia Lâm sẽ phát triển thành đô thị rất nhanh trong thời gian tới.
Văn hóa phải làm nguồn lực
Một vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm và tham gia nhiều ý kiến là xây dựng văn hóa Thủ đô, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Theo nhà thơ Bằng Việt, dù kinh tế phát triển đến đâu, hội nhập đến đâu cũng phải giữ được bản sắc văn hóa, phải lấy yếu tố con người làm trung tâ, động lực phát triển. Hà Nội thuận lợi khi có đông đảo đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức, nên vấn đề ở đây phối hợp thế nào để khơi thông được nguồn lực ấy.
GS.TS Nguyễn Chí Mỳ đề nghị TP Hà Nội có thể đứng trong “top” 10 về kinh tế, nhưng phải đi đầu về văn hóa, “để văn hóa soi đường cho mà đi”. Đồng tình quan điểm trên, GS.TS Đặng Huy Huỳnh, nhà thơ Hữu Thỉnh, NSND Tiến Thọ đều nhấn mạnh phải dùng văn hóa của Hà Nội để làm động lực phát triển kinh tế. Muốn vậy, TP cần đầu tư nhiều hơn cho văn nghệ sỹ, trí thức và việc xây dựng người Hà Nội văn minh thanh lịch cũng cần bắt đầu, chú trọng vào thế hệ trẻ.
Thông tin về nội dung này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, ngành giáo dục Thủ đô cũng đã đưa vào giảng dạy chính thức bộ sách người Hà Nội văn minh thanh lịch.
Phát biểu kết luận buổi gặp mặt, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá những ý kiến trên đều là những ý kiến tâm huyết, xác đáng và “lãnh đạo TP muốn nghe nhiều hơn, thấy rõ được trách nhiệm của mình”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải “tiếc” vì không đủ thời gian để lắng nghe tất cả các ý kiến và mong muốn các đại biểu sẽ tiếp tục tham gia, gợi mở những đề xuất bằng văn bản cho Thường trực Thành ủy.
“TP sẽ có cơ chế là bất cứ lúc nào muốn ý kiến, các bác sẽ gửi thư cho lãnh đạo TP và chúng tôi tiếp thu, đồng thời Thành ủy ra văn bản chỉ đạo các cơ quan thực hiện ngay” – Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nói.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng thẳng thắn chia sẻ: “Những ý kiến xác đáng được nêu tại đây đúng là nỗi sở của tôi khi về Hà Nội, làm sao vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị văn hóa Hà Nội”. Nếu các văn nghệ sỹ, trí thức không cùng chung tay và sự đồng lòng của Nhân dân, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, chỉ có mỗi đội ngũ lãnh đạo sẽ không thể “kéo” được.
Đồng tình cao với các ý kiến về quản lý đô thị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, Hà Nội đang phải chịu sức ép rất lớn khi dân số tăng nhanh, mỗi năm thêm 180 nghìn người. Những năm qua, TP cũng đã rất nỗ lực để giải quyết vấn đề này, rõ nhất là cải thiện nhu cầu nhà ở cho người dân, nhưng so với yêu cầu đặt ra vẫn còn nhiều việc phải làm.
Hay như việc đảm bảo môi trường, tăng diện tích cây xanh, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định quan điểm tất cả nhưng vị trí nào có thể giữ lại làm công trình công cộng, TP sẽ quyết tâm giữ và sẽ đầu tư thêm nhiều công viên quy mô để nâng cao chất lượng dân sinh.
Đối với đề nghị làm “sống lại” những dòng sông, TP cũng đang chủ động triển khai với kinh phí dự tính khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Khó khăn như vậy, nhưng Hà Nội sẽ cố gắng thực hiện, để khắc phục tình trạng ngập lụt và cải thiện môi trường xanh, sạch, đẹp.
Theo Quốc Toản/Kinhtedothi.vn
Theo