Thứ sáu 26/04/2024 02:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bí ẩn ngọn đèn cháy sáng nghìn năm trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng

11:22 | 11/02/2022

Cùng với đội quân hơn 8.000 binh sĩ đất nung, những cạm bẫy chết người, lăng mộ Tần Thủy Hoàng càng trở nên kỳ bí với những ngọn đèn nghìn năm vẫn sáng rực.

Tần Thủy Hoàng là vị vua thứ 36 của nước Tần, đồng thời là hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa sau khi thu phục 6 nước chư hầu, chấm dứt thời kỳ Chiến Quốc. Trong thời gian trị vì, Tần Thủy Hoàng đã cho xây dựng nhiều công trình lớn, trong đó có Vạn lý Trường thành và lăng mộ được ví như cung điện dưới lòng đất.

Để chuẩn bị trước cho cái chết, hoàng đế Tần Thủy Hoàng đã bắt đầu cho xây dựng lăng mộ vào năm 246 trước Công nguyên. Sau 38 năm xây dựng cùng với hơn 700.000 công nhân và thợ thủ công lành nghề, khu lăng mộ này mới được hoàn thành.

Nằm ở phía Bắc núi Ly Sơn thuộc thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, lăng mộ Tần Thủy Hoàng là một trong những lăng mộ với quy mô lớn nhất thế giới với kết cấu đặc biệt. Trải qua hơn 2.000 năm, lăng mộ của vị hoàng đế này vẫn luôn là điểm lôi cuốn sự tò mò của con người, thu hút giới khảo cổ nghiên cứu những điều mà đến nay chưa thể giải mã. Trong số này, giai thoại tâm linh được lưu truyền nhiều nhất phải kể đến câu chuyện về những ngọn đèn "không bao giờ tắt" trong lăng mộ. Những "ngọn đèn vĩnh cửu" này được coi là ngọn lửa canh gác cho giấc ngủ ngàn thu của Tần đế.

NHỮNG NGỌN ĐÈN VĨNH CỬU

bi an ngon den chay sang nghin nam trong lang mo tan thuy hoang
Những ngọn đèn vĩnh cửu thường xuất hiện trong các ngôi mộ cổ (Ảnh: Inf).

Những ngọn đèn vĩnh cửu tưởng chừng rất phản khoa học này thực chất không chỉ được tìm thấy ở mộ Tần Thủy Hoàng. Trong một số lăng mộ cổ khác ở Trung Quốc hay thậm chí nước ngoài như Ai Cập, Hy Lạp, người ta cũng từng ghi nhận sự tồn tại của "ngọn đèn vĩnh cửu".

Ban đầu, chúng cũng được cho là những tình tiết không có thật, do người đời đồn thổi và chỉ có trong truyền thuyết. Tuy nhiên, càng về sau, không ít chứng minh thực tế cho thấy, sự tồn tại của ánh sáng vĩnh cửu này là có thật. Việc xuất hiện trong những ngôi mộ cổ khiến chúng nhuốm màu sắc tâm linh, huyền bí.

Một nhà sử học Hy Lạp từng ghi chép về ngọn đèn thần luôn sáng trên cửa đền thờ thần Mặt Trời tại Ai Cập. Ngọn đèn này không dùng bất cứ nhiên liệu gì nhưng vẫn chiếu sáng trong vài thế kỷ. Theo miêu tả của Saint Augustin, nhà thần học người La Mã, tại ngôi đền Isis của Ai Cập cũng có một ngọn đèn tương tự, thắp sáng vĩnh cửu bất kể tác động của thời gian, mưa gió.

Vào năm 527 sau Công nguyên, một đội quân La Mã đã vô tình đột nhập vào một ngôi mộ cổ và tìm thấy một ngọn đèn đang cháy trong lăng mộ. Theo sử sách, chiếc đèn này được thắp sáng vào năm 27 sau Công nguyên, nghĩa là nó đã cháy sáng suốt 500 năm. Ngôi mộ cổ nhanh chóng bị đội quân này phá hủy vì quá khiếp sợ.

Vào năm 1400, người ta cũng phát hiện bên trong lăng mộ của Pallas, con trai Vua Evandra thời La Mã cổ đại, tồn tại một ngọn đèn cháy sáng trong hơn 2.000 năm. Gió và nước không thể dập tắt ánh sáng vĩnh cửu của nó. Cách duy nhất để dập tắt ngọn đèn được cho là phải rút bỏ sạch chất lỏng đặc biệt có bên trong chiếc đèn.

Tới năm 1534, đội quân của Vua Henry VIII xông vào giáo đường Anh, giải tán các đoàn thể tôn giáo và khai quật rất nhiều ngôi mộ. Khi đào xới lăng mộ cha Hoàng đế La Mã Constantin tại Yorkshire, họ phát hiện ra một ngọn đèn đang cháy sáng. Cha của vị vua này mất vào năm 300, cũng có nghĩa, ngọn đèn được tìm thấy đã có tuổi thọ đến 1.200 năm.

Cũng vào thế kỷ 16, Giáo hoàng Paul III đã tìm thấy một ngọn đèn cháy trong một ngôi mộ ở La Mã cổ đại. Theo ghi chép, chủ nhân của ngôi mộ đã qua đời vào năm 44 trước Công nguyên, nhưng ngọn đèn vẫn cháy sau năm 1584.

Đó chỉ là một vài trong số rất nhiều những ngọn đèn nghìn năm không tắt được phát hiện. Các ghi chép cho thấy, khắp các nơi trên thế giới đều có hiện tượng kỳ bí này, điển hình là tại những quốc gia, khu vực có các nền văn minh cổ xưa như Ấn Độ, Trung Quốc, Ai Cập,... Những ngọn đèn "bất tử" này cũng được phát hiện ở các nước như Italy, Anh, Ireland và Pháp.

ĐI TÌM LỜI GIẢI

bi an ngon den chay sang nghin nam trong lang mo tan thuy hoang
Lăng mộ Tần Thủy Hoàng ẩn chứa nhiều điều kỳ bí (Ảnh: China Daily).

Những ngọn đèn nghìn năm vẫn cháy sáng bên trong những di tích cổ đại khiến cho giới khoa học không khỏi đau đầu. Đến tận ngày nay, hậu thế vẫn chưa có lời lý giải thỏa đáng về những ngọn đèn vĩnh cửu này.

Tương truyền rằng, ngọn đèn này có tên gọi là "Trường Minh Đăng" vì ánh sáng có thể tồn tại suốt một thời gian dài. Loại đèn này từng được sử dụng trong các ngôi mộ cổ của các bậc đế vương và giới quý tộc ở cả phương Đông và phương Tây.

Trong một số lăng mộ thuộc các nền văn minh Ai Cập, Hy Lạp và La Mã cổ đại, loại đèn này cũng được sử dụng từ hàng nghìn năm về trước với niềm tin rằng ánh sáng của đèn có thể xua đuổi bóng tối và soi đường cho linh hồn người quá cố về miền cực lạc. Những người được tận mắt chứng kiến sự trường tồn của các ngọn đèn vĩnh cửu này thường là những kẻ trộm mộ liều lĩnh, không e sợ lời nguyền.

Các ghi chép về ngọn đèn vĩnh cửu trong mộ cổ khá nhiều nhưng không ai lý giải được nguyên tắc hoạt động thực sự của chúng.

Theo sử sách ghi lại, bình đựng của chiếc đèn luôn sáng có hai lớp, lớp trong chứa dầu, bấc được đặt trong dầu hỏa, và lớp ngoài của dụng cụ chứa đầy nước để làm mát bình. Lượng dầu thắp tiêu hao nhanh không phải bị đốt cháy nhiều mà chủ yếu do gặp nhiệt mà bay hơi. Việc làm mát bình giúp duy trì ngọn lửa lâu hơn bình thường. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là lý thuyết và khó có thể giải thích cho sự trường tồn hàng nghìn năm của ngọn lửa.

Trong khi đó, vào năm 1669, nhà hóa học người Đức Brand (Đức) nhận định, những ngọn đèn vĩnh cửu có thể trường tồn lâu như thế là nhờ phốt pho. Nhiều ý kiến lại cho rằng chúng cháy lâu là do không cần không khí, ngược lại, nếu tiếp xúc với không khí chúng sẽ tắt. Tuy nhiên, lửa cháy không cần oxy là việc hết sức khó hiểu.

Với ngọn đèn vĩnh cửu trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng, theo sử ký ghi chép, khi còn sống, trong một lần đi du ngoạn ở biển Hoa Đông, Tần Thủy Hoàng đã săn được một con cá lớn và đã dùng mỡ của nó để làm dầu đèn. Mỡ cá làm dầu đèn sau khi được đốt cháy sẽ rơi xuống bình chứa phía dưới, từ đó có thể tái sử dụng nhiều lần. Các thế hệ sau này suy đoán đây có thể là dầu mỡ cá voi hoặc cá thu với thành phần hóa học phức tạp hơn, để ngoài không khí dễ bị oxy hóa và phân hủy, cháy chậm có thể cháy được trong một thời gian dài.

Mặc dù vậy, giả thuyết này cũng có phần phi lý. Theo hóa học thông thường, quá trình cháy cần có 3 yêu cầu cơ bản gồm oxy, chất cháy và nhiệt độ đạt nhiệt độ bắt lửa tối thiểu của chất cháy. Những yếu tố này gần như không tưởng trong những ngôi mộ cổ kín bưng, ẩm ướt.

Để làm sáng tỏ bí ẩn về ngọn đèn bất tử của ngôi mộ cổ hàng nghìn năm tuổi, Simon Affik, một nhà hóa học người Mỹ, đã dành 31 năm nghiên cứu với hơn 700 lần thử nghiệm để đưa ra lời giải thích. Ông đã thử nghiệm với đủ mọi nhiên liệu khác nhau, thậm chí có cả những loại chưa ai từng thử qua, với những tỷ lệ khác nhau.

Nhờ đó, ông đã tìm ra một nhiên liệu đặc biệt mà người xưa dùng để làm đèn soi đường. Khi cạn kiệt oxy, đèn sẽ tự tắt và ngược lại. Ông phát hiện ra rằng chất cháy của các ngọn đèn vĩnh cửu trong các mộ cổ là hỗn hợp của phốt pho và các chất dễ cháy khác. Loại chất này có tính chất rất dễ bắt lửa, có thể tự phát cháy và khó bay hơi.

Trong các mộ cổ tồn tại rất nhiều phốt pho trắng. Phốt pho trắng là một chất hóa học có điểm bắt lửa rất thấp. Khi độ ẩm không khí cao và nhiệt độ môi trường lên đến 30⁰C - 40⁰C thì phốt pho trắng sẽ cháy. Đây được gọi là "quá trình cháy tự phát". Hiện tượng này có sự tương đồng với hiện tượng "ma trơi" ở nghĩa địa khi phốt pho cháy trong không khí tạo ra ánh sáng xanh xung quanh các ngôi mộ. Do trong xương người có chứa lượng lớn phốt pho lớn nên sau một thời gian chôn cất lâu dài, phốt pho trong xương người sẽ chuyển hóa thành phốt pho có điểm bắt lửa vào mùa hè khi nhiệt độ ban đêm cao và không khí khô.

Vì vậy, với các ngọn đèn vĩnh cửu trong mộ cổ, khi đèn bị tắt, chỉ cần gặp một lượng không khí nhất định, đèn sẽ tự cháy và sáng trở lại. Điều này lý giải cho việc hàng nghìn năm sau, khi kẻ trộm mộ mở lăng mộ, oxy sẽ theo đó vào trong, sau khi tiếp xúc với khí cháy, những ngọn đèn trong lăng mộ sẽ tự cháy dưới tác dụng của oxy. Nói cách khác, ánh sáng vĩnh hằng trong ngôi mộ cổ không tồn tại qua hàng nghìn năm, bị dập tắt khi lượng dưỡng khí trong mộ cạn kiệt, nhưng lại được thắp sáng khi mở cửa mộ. Đó có thể là lý do khiến người ta nghĩ rằng ngọn lửa cháy sáng liên tục hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm.

Nghiên cứu của ông Simon đã nhận được nhiều sự đồng tình của giới khảo cổ khắp thế giới. Mặc dù vậy, những ngọn đèn vĩnh cửu trong lăng mộ Tần đế sẽ còn là bí ẩn chừng nào lăng mộ chưa được khai quật.

Do hạn chế của công nghệ khảo cổ và bảo vệ di tích văn hóa, kể từ lần đầu phát hiện lăng mộ Tần Thủy Hoàng vào năm 1974, cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể giải mã được hàng loạt bí ẩn về nơi này. Bảo vật mà người ta biết đến nhiều nhất ở lăng mộ vẫn là những hầm đội quân binh mã bằng đất nung.

Trung Quốc hiện chưa có kế hoạch khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Giới khảo cổ lo ngại, chỉ cần để các hiện vật lộ diện trước ánh sáng mặt trời và không khí cũng đủ để hủy hoại hoàn toàn. Họ cho rằng, việc liều lĩnh khai quật nơi an nghỉ của Tần Thủy Hoàng có thể phá vỡ sự cân bằng của cấu trúc ngầm. Do vậy, các nhà nghiên cứu Trung Quốc dự kiến sẽ sử dụng một loại công nghệ mới ở khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng để khám phá nơi này.

Theo Minh Phương (Tổng hợp)/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load