Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) về các nội dung liên quan đến định giá đất, bảo đảm phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đất đai so với hiện nay.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Xung quanh dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận tại hội trường ngày 21/6, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) về các nội dung liên quan đến định giá đất, bảo đảm phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đất đai so với hiện nay.
- Đại biểu đánh giá như thế nào về các nội dung được sửa đổi tại dự thảo Luật Đất đai lần này?
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thảo luận tại kỳ này là kỳ thứ 2, theo lộ trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV cuối năm nay sẽ được trình thông qua. Hiện dự thảo luật này cũng đã được lấy ý kiến rộng rãi toàn dân.
Qua các ý kiến cho thấy dự thảo luật có tính ưu việt so với luật hiện hành, nhiều điểm sáng phù hợp với thực tiễn và đời sống của người dân.
Theo đó, nhiều nội dung trong luật hiện hành đang bộc lộ bất cập đã được dự thảo luật sửa đổi như thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, cách tính giá đất phù hợp với giá thị trường, quy hoạch… nhằm bảo đảm mục tiêu tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
- Luật Đất đai là bộ luật lớn và liên quan đến rất nhiều luật khác. Vậy, cần cân nhắc và tính toán ra sao để tránh tối đa tình trạng chống chéo, mâu thuẫn giữa các luật, thưa đại biểu?
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Luật Đất đai là bộ luật quan trọng, có ảnh hưởng đến nền kinh tế, chi phối nhiều luật khác như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng…
Theo tôi, để hạn chế tối đa tình trạng chống chéo, mâu thuẫn giữa các bộ luật, cần nhìn nhận Luật Đất đai là căn cứ để các luật khác liên quan đến đất đai có thể dẫn chiếu.
Liên quan đến đất đai là liên quan đến người dân, dự thảo luật lần này cần tập trung giải quyết vướng mắc đối với người dân như quy hoạch sử dụng đất, định giá đất và tái định cư cho người dân sau thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, quy hoạch treo…
Thực trạng quy hoạch treo đối với dự án khu đô thị, dân cư, làm đường, lúc này người dân không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng cũng không được bố trí nhà ở, gây bức xúc đối với người dân.
Hay như đối với thu hồi đất cần tách bạch việc thu hồi vì mục đích gì để bảo đảm giá trị đền bù cũng như các phát triển hoạt động kinh tế khác theo các luật khác quy định như như thương mại, phát triển khu đô thị…
- Theo đại biểu, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này đã giải quyết được vấn đề gì để phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đất đai?
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Định giá đất theo giá thị trường là nội dung quan trọng trong dự thảo luật lần này.
Việc tính toán giá đất phù hợp với thị trường, ở từng thời điểm nhất định sẽ tránh thất thu thuế cho ngân sách mà vẫn tạo động lực phát triển khi cần thu hồi đất thực hiện các dự án. Thực tế, việc tính giá đất chiếm tới 50% vướng mắc của các dự án hiện nay.
Theo dự thảo luật, chúng ta định giá đất vào thời điểm này, song nếu thời gian sau thị trường thay đổi, giá đất cũng phải thay đổi. Đơn cử, định giá năm trước nhưng năm sau mới đền bù giải phóng mặt bằng thì giá đất đã khác, lúc này buộc phải điều chỉnh giá đất theo thị trường. Nói cách khác, thời điểm nào đền bù giải phóng mặt bằng thì thời điểm đó định giá đất, và giá đất sẽ được tính theo thời điểm đó.
Cùng với đó, nếu dự thảo luật quy định thỏa đáng với việc định giá đất theo thị trường cũng sẽ tránh khiếu kiện của người dân liên quan đến đền bù thu hồi đất, giải phóng mặt bằng… như hiện nay./.
Theo Uyên Hương-Diệp Anh (TTXVN/Vietnam+)
Link gốc: https://www.vietnamplus.vn/ben-le-ky-hop-quoc-hoi-dinh-gia-dat-dung-tranh-that-thu-thue/869407.vnp