(Xây dựng) - Sự tham gia của những tập đoàn kinh tế tư nhân với những dự án ngàn tỷ trong lĩnh vực BĐS đã giúp Quảng Ninh tiến những bước dài trong cuộc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế đầy thách thức.
Là vựa than lớn nhất Đông Nam Á với sản lượng than chiếm hơn 90% sản lượng cả nước, không bất ngờ khi Quảng Ninh luôn đạt tăng trưởng kinh tế trên 10%/năm trong suốt 2 thập kỷ trở lại đây, trong đó ngành Công nghiệp - Xây dựng từng chiếm tỷ trọng áp đảo với gần 60% cơ cấu kinh tế toàn tỉnh trong năm 2011.
Dù vậy, lợi thế về công nghiệp, khoáng sản cũng đặt Quảng Ninh trước nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động mạnh, khối ASEAN đưa ra chính sách giảm thuế ưu đãi đặc biệt và môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ hoạt động khai khoáng.
Từ 2011, Quảng Ninh bắt buộc phải tái cơ cấu nền kinh tế từ "nâu" sang "xanh", nhằm gia tăng nhóm ngành Dịch vụ - Du lịch, phát triển Công nghiệp - Xây dựng một cách hài hòa, bền vững theo xu thế phát triển chung của hệ thống kinh tế toàn cầu. Công cuộc chuyển đổi này đối với Quảng Ninh là cả một chặng đường dài.
Thiếu hạ tầng du lịch cao cấp
Một trong những trở ngại lớn trong chặng đường chuyển đổi, tái cơ cấu nền kinh tế của Quảng Ninh chính là hạ tầng du lịch, đặc biệt là hạ tầng du lịch cao cấp. Thị trường du lịch Quảng Ninh từng tồn tại một nghịch lý đáng buồn: Sở hữu một thắng cảnh thuộc hàng tuyệt tác với 2 lần được UNESCO vinh danh, đón hàng triệu lượt khách du lịch tăng trưởng đều đặn mỗi năm, nhưng trước 2013, toàn tỉnh không có một khách sạn 5 sao nào. Riêng khu vực Vân Đồn, Cô Tô, Uông Bí, Quảng Yên, thậm chí đến nay khách sạn 3 - 4 sao cũng hoàn toàn vắng bóng. Các khách sạn mini tập trung chủ yếu ở khu vực Bãi Cháy, bán phòng mấy tháng hè, còn mùa đông hầu như không có khách. Du lịch mang tính thời vụ làm nảy sinh tư duy "bóc ngắn cắn dài" trong khi phòng ốc xuống cấp, thiếu tiện nghi, khác hẳn với khách sạn ở Nha Trang hay Đà Nẵng.
Tính đến 2016, toàn tỉnh có 37 khách sạn từ 3 - 5 sao, với hơn 4.800 phòng. Con số này hoàn toàn lép vế nếu so sánh với Đà Nẵng, hiện đang sở hữu 127 cơ sở lưu trú từ 3 - 5 sao với hơn 13.200 phòng.
Với 8,3 triệu lượt khách du lịch trong năm 2016 (trong đó số khách quốc tế gần gấp đôi lượt khách tới Đà Nẵng), Quảng Ninh đứng trước tình trạng khan hiếm các cơ sở lưu trú du lịch cao cấp, và tình trạng này sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn trước mục tiêu đón 16 triệu khách vào năm 2020.
“Sếu đầu đàn”
Ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh từng chia sẻ: "Ngành du lịch sẽ không thể phát triển nếu chỉ có những con sếu đầu đàn, mà cần phải có cả đàn sếu để bay lên cùng hướng".
Và để đàn sếu có thể bay lên, không thể thiếu những nhà đầu tư chiến lược có tên tuổi và thương hiệu đã được khẳng định với nguồn lực tài chính mạnh mẽ. Trong số những DN được Quảng Ninh chọn mặt gửi vàng làm nhà đầu tư chiến lược, có Tập đoàn FLC. Chỉ trong hai năm gần đây, "ông lớn" địa ốc này đã liên tiếp rót vốn hàng loạt dự án có giá trị hàng ngàn tỷ.
Đầu tiên là FLC Halong Bay Golf Club & Luxury Resort tổng vốn 3.400 tỷ đồng. Lần đầu tiên Quảng Ninh có một quần thể nghỉ dưỡng trên đồi với thế đất "tọa sơn nghinh hải" và tầm nhìn ngoạn mục bao quát vịnh, một sân golf 18 hố dạng links có thể so sánh với các sân golf quốc tế tại Monaco, một khách sạn 5 sao 600 phòng và một khu villa siêu sang theo phong cách Địa Trung Hải... Đây là một trong những dự án tiên phong mở đầu cho xu hướng nghỉ dưỡng đồi núi đang hình thành và lan tỏa mạnh mẽ tại Bắc Trung bộ.
Tiếp đó là dự án Tháp đôi FLC Hạ Long Twins Tower cao 50 tầng, tổng vốn 2.400 tỷ, với định hướng mang tới cho Quảng Ninh một biểu tượng mới về mặt kiến trúc với gần 1.000 căn hộ, trung tâm thương mại và hội nghị.
Cũng theo thông tin mới nhất, Tập đoàn FLC đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư dự án Tổ hợp dịch vụ du lịch giải trí cao cấp tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, tổng vốn 2 tỷ USD. Dự án này được triển khai sẽ là bước ngoặt cho đặc khu kinh tế Vân Đồn - địa điểm trong tương lai sẽ trở thành trung tâm dịch vụ du lịch cao cấp, có casino làm trụ cột để thúc đẩy các loại hình du lịch khác phát triển.
Những dự án của Tập đoàn FLC đang nung nấu triển khai tại Quảng Ninh đều có một điểm chung là tính độc đáo chưa từng có, hoàn thiện cho vẻ đẹp và nâng tầm diện mạo du lịch - nghỉ dưỡng của địa phương. “Hạ Long như một mỹ nhân, vận trên mình không ít trang sức quý giá, nhưng tinh xảo thì chưa nhiều. Đến với Hạ Long, Tập đoàn FLC tâm niệm sẽ mang theo những gì tinh túy nhất, để khái niệm “nghỉ dưỡng cao cấp” hiện hình rõ nét xứng tầm với nơi tiên cảnh này, đánh thức những vùng đất còn đang say ngủ giữa lòng kỳ quan của tạo hóa”, một lãnh đạo của Tập đoàn FLC từng bình luận.
Sức mạnh lan tỏa
Những dự án của Tập đoàn FLC đã góp phần giúp bức tranh hạ tầng du lịch của Quảng Ninh tái định hình một cách mạnh mẽ. Chỉ trong năm 2014 - 2015, đất mỏ đã thu hút hơn 100 dự án BĐS với tổng vốn đầu tư ước đạt hơn 100 nghìn tỷ đồng.
Tiếp nối thành công này, Quảng Ninh đang kêu gọi đầu tư 14 dự án BĐS du lịch sinh thái quy mô lớn giai đoạn 2016 - 2020 cùng nhiều dự án khác nhằm phát triển 4 trung tâm du lịch trọng điểm: Hạ Long; Móng Cái - Trà Cổ; Vân Đồn - Cô Tô; Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên. "Việc nhiều nhà đầu tư chiến lược hàng đầu tới Hạ Long nói riêng hay các địa bàn khác tại Quảng Ninh sẽ tạo sức mạnh lan tỏa, dẫn dắt, tạo cơ hội rộng mở hơn cho các nhà đầu tư khác, đẩy mạnh khai thác các tiềm năng thành lợi thế khác biệt để ngành dịch vụ du lịch Quảng Ninh có bước phát triển đột phá", ông Nguyễn Đức Long nhận định.
Với những bứt phá mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển xanh, bền vững, chỉ trong thời gian không xa, vùng đất mỏ chắc chắn sẽ hiện lên với một diện mạo hoàn toàn khác biệt.
Thanh Hoa
Theo