Từ đầu thế kỷ 20, sông Sài Gòn chảy qua địa phận TPHCM đã bắt đầu thay đổi diện mạo với lần lượt từng cây cầu lịch sử được xây dựng để phục vụ phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu đi lại của người dân. Đầu tiên là cầu đường sắt Bình Lợi năm 1902, sau đó là các cây cầu Phú Long, cầu Bình Lợi, Bình Triệu 1-2, Sài Gòn 1-2... và mới nhất là cầu Thủ Thiêm 2. Dự kiến, sông Sài Gòn sẽ còn được tô điểm thêm hai cây cầu nữa.
Cầu Phú Long với điểm đầu nằm trên đường Hà Huy Giáp, quận 12, TPHCM và điểm cuối giao với quốc lộ 13 tại huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Cầu Phú Long có tổng chiều dài hơn 1.500m, trong đó phần cầu dài 595m, còn lại là đường dẫn hai đầu cầu.
Cầu Phú Long sau khi hoàn thành đã góp phần giảm tải giao thông cho tuyến cầu Bình Triệu, quốc lộ 13 và cửa ngõ Đông Bắc TPHCM với các tỉnh Bình Dương và Bình Phước, đồng thời góp phần phát triển kinh tế xã hội trong khu vực.
Hướng nhìn về chân cầu phía Quốc lộ 13, tỉnh Bình Dương.
Cầu Bình Phước 1 bắc qua sông Sài Gòn, nằm trên quốc lộ 1, giáp ranh giữa Quận 12 và Thành phố Thủ Đức. Cầu có chiều dài 483m, rộng gần 8m, dầm cầu làm bằng thép. Công trình này thuộc Dự án đường xuyên Á, thông xe vào tháng 4/2003, thiết kế cho 4 làn ô tô và 2 làn xe thô sơ với tải trọng 30 tấn.
Sau sự cố va chạm khiến dầm biên nhịp chính ở hạ lưu Cầu Bình Phước 1 cong vênh và biến dạng, UBND TP.HCM vừa chấp thuận chủ trương mời đơn vị kiểm định giám định chất lượng công trình này, theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (GTVT). Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm được giao chủ trì, tổ chức kiểm định công trình.
Cầu Bình Triệu 1 và 2 cũng bắc qua sông Sài Gòn hướng từ bến xe miền Đông cũ đi ra các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và lên Tây Nguyên. Từ khi thông xe, cầu Bình Triệu 2 đã góp phần giải toả ùn tắc giao thông cho khu vực cửa ngõ phía Đông TPHCM.
Tuy vậy, với sự phát triển kinh tế xã hội, lượng phương tiện gia tăng, trong khi quốc lộ 13, đường Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh chưa được mở rộng, khiến khu vực này luôn là điểm nóng về ùn tắc giao thông.
Hơn 20 năm trước, dự án cầu đường Bình Triệu 2 được hình thành và đầu tư theo hình thức BOT, gồm có công trình xây dựng cầu Bình Triệu 2, mở rộng quốc lộ 13; mở rộng đường Ung Văn Khiêm; xây dựng nút giao thông Nguyễn Xí - Đinh Bộ Lĩnh và nút giao thông ngã năm Đài liệt sĩ... Trong đó, cầu Bình Triệu cũ hoàn thành sửa chữa nâng cấp vào năm 2010. Đến năm 2018, UBND TPHCM tiếp tục ký kết hợp đồng BOT với Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) làm chủ đầu tư dự án cầu đường Bình Triệu 2 (phần 2 - giai đoạn 2).
Cầu Bình Lợi nằm trên tuyến Tân Sơn Nhất - Bình Lợi là cửa ngõ quan trọng của sân bay Tân Sơn Nhất. Từ khi có tuyến đường này giao thông khu vực phía Đông cửa ngõ Tân Sơn Nhất đã được giải toả rất tốt.
Cầu đường bộ và cầu đường sắt Bình Lợi nằm song song nhau. Phía bên phải, TPHCM vẫn còn lưu giữ một nhịp của cầu đường sắt cũ để bảo tồn.
Cầu sắt Bình Lợi được xây dựng từ năm 1900 và đưa vào khai thác từ năm 1902. Đây là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn, nối quận Bình Thạnh và Thủ Đức. Công trình có 6 nhịp với kết cấu vòm thép, dài 275m.
Cầu Sài Gòn là cây cầu cửa ngõ phía Đông TP.HCM. Đây là cây cầu ghi lại dấu ấn những cánh quân giải phóng tiến vào Sài Gòn những ngày tháng 4 lịch sử năm 1975.
Năm 2013 cầu Sài Gòn 2 được khánh thành, mở ra hướng phát triển về phía Đông của thành phố, giảm áp lực giao thông lên cầu Sài Gòn 1 (cầu cũ). Bên cạnh đó, một cây cầu khác hẹp hơn cũng được bắc qua sông ngay bên cạnh cầu Sài Gòn để phục vụ tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Góc phải là cầu Thủ Thiêm 2 giai đoạn chưa hợp long, bên trái là cầu Thủ Thiêm 1. Công trình cầu Thủ Thiêm 2 có điểm đầu tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn (quận 1), vượt sông Sài Gòn và kết nối vào Đại lộ Vòng cung (tuyến R1) của Khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Công trình dài hơn 1,4 km, trong đó phần cầu dài 886 m với quy mô 6 làn xe. Cầu thiết kế dây văng, có trụ tháp chính hình rồng cao 113 m, nghiêng về phía Thủ Thiêm.
Cầu Thủ Thiêm nối hai bờ sông Sài Gòn, nối liền TP Thủ Đức và Quận Bình Thạnh. Cầu Thủ Thiêm dài 1.250 m, phần cầu chính gồm 5 nhịp với 6 làn xe. Phần cầu dẫn phía Bình Thạnh gồm 4 nhánh, mỗi nhánh 2 làn xe. Cầu dẫn phía TP Thủ Đức dài 160 m, rộng tương đương 6 làn xe. Nút giao phía quận Bình Thạnh gồm một hầm chui trực thông dài 460 m trên đường Nguyễn Hữu Cảnh rộng 4 làn xe. Đường dẫn phía TP Thủ Đức dài 280 m, mặt cắt ngang 47 m. Đường gom có tổng chiều dài 1.460 m, phía quận Bình Thạnh rộng 10,5 m, phía TP Thủ Đức rộng 9,5 m.
Động thổ vào năm 2015, công trình cầu Thủ Thiêm 2 có vốn đầu tư 3.082 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh là nhà đầu tư.
Sáng 28/4/2022, cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn chính thức khánh thành. Đây là cây cầu quan trọng, kỳ vọng thay đổi diện mạo đô thị phía Đông, đặc biệt là khu đô thị Thủ Thiêm.
Cầu Thủ Thiêm 2 được đánh giá có vai trò quan trọng với giao thông TPHCM. Ngoài việc kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm TPHCM, dự án còn giúp giảm ùn tắc khu vực nút giao đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Cảnh và Lê Thánh Tôn. Đồng thời với thiết kế chiếu sáng mỹ thuật, công trình còn là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn và biểu tượng cổng chào từ trung tâm TPHCM qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Hai công trình được phê duyệt: Cầu Thủ Thiêm 4 nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm qua quận 7, tổng vốn 5.300 tỷ đồng. Đây là một trong 55 dự án trọng điểm được Sở Giao thông Vận tải mới đây đề xuất UBND thành phố làm các công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2021. Công trình theo thiết kế có điểm đầu từ đoạn trước giao lộ cầu Tân Thuận 2 - Nguyễn Văn Linh, đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh, rẽ trái ở ngã tư Huỳnh Tấn Phát nối vào đường Lưu Trọng Lư (quận 7). Cầu tiếp tục vắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt sông Sài Gòn nối Khu đô thị Thủ Thiêm tại giao lộ trục Bắc Nam và tuyến R4 (đường Vùng châu thổ). Cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn nằm giữa cầu Thủ Thiêm 2 và hầm vượt sông Sài Gòn, kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với quận 1. Dự kiến chân cầu phía quận 1 nằm tại khu vực Công viên cảng Bạch Đằng, gần phố đi bộ Nguyễn Huệ. Phía Khu đô thị mới Thủ Thiêm, chân cầu nằm tại công viên bờ sông và ngoài ranh khu A - phía nam Quảng trường trung tâm tại khu đô thị này. Theo phương án thiết kế, cầu có hình chiếc lá nhỏ làm mái che, nhằm thu hút người dân do tiếp cận được cảnh quan sông Sài Gòn. Cầu đi bộ cũng kết nối công viên phía đối diện đường Tôn Đức Thắng và bãi đậu xe máy ở hai đầu để người dân dễ tiếp cận. Khi dự án hoàn thành, đơn vị thiết kế đề xuất vào ban ngày cầu có thể tổ chức các lễ hội âm nhạc, nghệ thuật công cộng, yoga... và ban đêm cho hoạt động rạp chiếu bóng ngoài trời, trình chiếu nhạc nước chiếu sáng 3D... |
Cầu Phú Mỹ nhìn từ khu đô thị Thủ Thiêm. Cầu Phú Mỹ được xây dựng và hoàn thành vào năm 2009 theo hình thức BOT. Đây là cây cầu quan trọng kết nối khu vực phía Nam (quận 7) của thành phố, trong đó có khu đô thị Phú Mỹ Hưng với quận 2 cũ, nay là TP Thủ Đức.
Là cầu dây văng lớn nhất bắc qua sông Sài Gòn, nhìn từ trên cao, cầu Phú Mỹ ẩn chìm trong làn sương mờ ban mai nhìn khá thơ mộng.
Theo dự kiến, các cây cầu vượt sông Sài Gòn sẽ còn có thêm hai "người em" nữa, đặc biệt trong số đó là cầu bộ hành.
Theo Phạm Nguyễn/Tienphong.vn
Link gốc: https://tienphong.vn/bay-tren-nhung-cay-cau-vuot-song-sai-gon-post1481328.tpo