Những bộ sưu tập cá nhân của các "đại gia cổ vật" đã tạo nên diện mạo cho Bảo tàng Hà Nội trong ngày khai mạc.
Hiện vật trưng bày được bảo vệ cẩn thận
Kim tự tháp ngược
Bảo tàng Hà Nội được xây dựng từ năm 2008, có tổng diện tích gần 54.000m2, cao 30,7m. Công trình gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm; diện tích xây dựng xấp xỉ 12.000m2, diện tích sàn hơn 30.000m2 (kể cả tầng hầm và tầng mái).
Bảo tàng có kết cấu hình kim tự tháp ngược, trong đó tầng bốn có diện tích lớn nhất, các tầng dưới nhỏ dần. Bảo tàng có đầy đủ các công trình liên hoàn điện, nước, cảnh quan như cây xanh, hệ thống cấp điện, chiếu sáng, cấp thoát nước ngoài nhà... và nằm liền kề với Trung tâm Hội nghị quốc gia tại đường Phạm Hùng (Từ Liêm, Hà Nội) tạo thành một quần thể kiến trúc liên hoàn và có tính hỗ trợ nhau. Thiết kế công trình là Liên danh GMP International GmbH-Inros Lackner AG (CHLB Đức), đơn vị đã thực hiện thiết kế Trung tâm Hội nghị quốc gia.
Những bộ sưu tập tư nhân có một không hai
Chương trình đại lễ 7.10 8 giờ: Khai mạc hội thảo quốc tế Phát triển bền vững thủ đô Văn hiến, Anh hùng, Thành phố vì hòa bình tại TT Hội nghị quốc tế (11 Lê Hồng Phong) 9 giờ: Tổng kết và trao giải Cuộc thi quốc tế tìm hiểu Hà Nội điểm hẹn của bạn tại Nhà hát Lớn Hà Nội 20 giờ: Biểu diễn âm nhạc dân tộc tại Nhà hát Lớn Hà Nội. M.N |
Tầng 3 của bảo tàng có lẽ là khu vực đáng chú ý nhất tại thời điểm mở cửa, các hiện vật ở đây chủ yếu được đi “mượn” từ các bộ sưu tập tư nhân của hai nhà sưu tập Vũ Tấn và Nguyễn Đình Sử. Nằm ở vị trí khiêm tốn hơn là khu trưng bày cổ vật VN thuộc sở hữu của Bảo tàng Hà Nội và khu trưng bày của CLB Cổ vật Thăng Long.
Mặc dù cũng được đặt trên tầng 3 cùng với các nhà sưu tập khác nhưng gian trưng bày hiện vật của nhà sưu tập tư nhân Trần Đình Sử lại được quây kín thành một khu riêng, với hai cửa ra vào cùng lực lượng vệ sĩ riêng. Không chỉ có số lượng hiện vật nhiều nhất, bộ sưu tập của ông Sử còn cực kỳ phong phú và nhiều hiện vật trong đó được đánh giá là “vô giá”. Ngoài một loạt trống đồng cổ, ông Sử còn sở hữu trong tay một loạt các đồ đất thời Lý, đồ đồng Lý-Mạc, đồ đồng Đông Sơn, gốm sứ Bát Tràng và bộ sưu tập tiền cổ với nhiều đồng tiền cực kỳ quý hiếm có tuổi đời cả nghìn năm trải từ các triều đại Đinh - Lê - Lý - Trần như Thánh Võ Nguyên Bảo, Đại Việt Thông Bảo, Thiên Căn Càn Vương.
Cũng tại khu vực này, trên diện tích 1.000m2, khách tham quan cũng sẽ được ngắm nhìn hơn 500 cổ vật của nhà sưu tập Vũ Tấn (sinh 1952) với 3 chủ đề chính: cổ vật VN các miền, cổ vật châu Âu tại VN và gốm cổ Bát Tràng. Đây là những cổ vật có kiểu dáng phong phú, màu men đa dạng của gốm ba miền từ thế kỷ 19-20, gốm Bát Tràng thế kỷ 17 -20 và cổ vật châu Âu thế kỷ 19-20 thường được sử dụng trong các kiến trúc kiểu châu Âu ở Hà Nội.
Trong khi đó, Hội Cổ vật Thăng Long mang đến triển lãm này các cổ vật đa dạng thuộc thời kỳ tiền Thăng Long (thế kỷ 1-9), Lý - Trần và cả các cổ vật Trung Hoa gắn với lối chơi trong một số gia đình người Hà Nội xưa và nay.
Hàng ngàn bức ảnh quý
Theo ông Nguyễn Tiến Đà, Phó giám đốc Bảo tàng Hà Nội, bảo tàng sẽ mở cửa miễn phí trong 3 tháng từ 6.10.2010 - 6.1.2011, thời gian từ 8 giờ 30 - 17 giờ 30 hằng ngày (trừ thứ hai). Đại diện Bảo tàng Hà Nội cũng cho biết do thời gian hoàn thành gấp, nhiều hiện vật quan trọng của Bảo tàng Hà Nội vẫn chưa được trưng bày và trong thời gian tới công tác trưng bày sẽ tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung. |
Triển lãm ảnh Hà Nội xưa với những hình ảnh về Thăng Long - Hà Nội từ những năm đầu thế kỷ 20 trở về trước chủ yếu cũng thuộc bộ sưu tập của một nhà nghiên cứu lịch sử nghiệp dư là ông Nguyễn Khắc Cần. Ông Cần cho biết đã giao cho Bảo tàng Hà Nội khoảng hơn 1.000 bức ảnh đã được ông dày công sưu tập trong gần 50 năm qua. Tuy nhiên do hạn chế về không gian mà bảo tàng mới chỉ có thể trưng bày khoảng một nửa số ảnh này. Với triển lãm này, người xem sẽ được thấy lại kinh đô cổ kính Thăng Long với những thành quách, đền đài đình miếu trong đó có nhiều công trình còn lưu dấu đến ngày nay như: Cửa Bắc, Đoan Môn, Hậu Lâu, điện Kính Thiên, đền Quán Thánh, ô Quan Chưởng.
Bên cạnh đó là những hình ảnh cực kỳ quý hiếm về hoạt động của các triều đại như cảnh thiết triều của vua Lê, phủ Chúa Trịnh, đám tang của vua nhà Nguyễn... Bên cạnh đó là hình ảnh về đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của Thăng Long do các thương nhân, sĩ quan Pháp, các nhà truyền giáo ghi, chụp lại từ hàng trăm năm nay.
Ngoài ra cũng có thể kể đến những hình ảnh về Hà Nội những ngày toàn quốc kháng chiến cực kỳ quý hiếm do gia đình ông Trần Văn Vẽ đem tới triển lãm này. Mặc dù chỉ có tuổi đời hơn 70 năm nhưng hơn 150 bức ảnh về Hà Nội được chụp trong giai đoạn 1940 - 1950 của anh em hai tác giả Trần Đình Nhung (1905 - 1952) và Trần Văn Vẽ (1930 - 1988) cho ta thấy diện mạo của Hà Nội trong những năm chiến tranh điêu tàn nhưng quật cường trong cuộc chiến chống lại thực dân Pháp từ hơn nửa thế kỷ qua.
Mặc dù được thực hiện trong một thời gian ngắn, thậm chí nhiều phần trưng bày chỉ kịp hoàn thiện vào đêm trước mở cửa, nhưng các các hiện vật vẫn khá đầy đủ, phần nào tạo ra được một không gian giới thiệu được một phần những dấu ấn lịch sử nghìn năm qua của Thăng Long - Hà Nội.
Nguyên Phong (TN)
Theo baoxaydung.com.vn