Tỷ lệ phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đạt cao nhất trong 4 khóa bầu cử Quốc hội gần đây. Chỉ riêng ở Trung ương, tỷ lệ ứng viên nữ tăng cao gần gấp đôi so với khóa XIV.
Tỷ lệ phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đạt cao nhất trong 4 khóa bầu cử Quốc hội gần đây. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+) |
Trong danh sách 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV mà Hội đồng bầu cử quốc gia đã công bố, tỷ lệ nữ ứng viên chiếm tới 45,28% (393/868 người). Đây là tỷ lệ cao nhất 4 khóa bầu cử gần đây. Do đó, nhiều người kỳ vọng rằng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV sẽ sớm tiệm cận với mục tiêu của Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).
Tỷ lệ nữ ứng viên Quốc hội cao nhất
Trong 5 khóa Quốc hội gần nhất, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là nữ luôn dao động trong khoảng từ 25% trở lên. Tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, trong số 203 ứng viên ở trung ương thì có 45 người là nữ, chiếm tỷ lệ 22,17%. Ở địa phương có 348/665 là nữ, chiếm 52,33%.
Tỷ lệ phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đạt cao nhất trong 4 khóa bầu cử Quốc hội gần đây, riêng ở trung ương, tỷ lệ này đạt gần gấp đôi so với khóa XIV.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân đã cao hơn các khóa trước nhưng chưa đạt tỷ lệ như mong muốn. Để tỷ lệ nữ ứng viên đại biểu Quốc hội đạt 35% và cao hơn các nhiệm kỳ trước là một thách thức lớn, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ và nỗ lực của chính các nữ ứng cử viên.
Luật bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 yêu cầu có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ. Mục tiêu này thực tế là cần thiết bởi cử tri vẫn còn định kiến với ứng cử viên nữ khi bầu hoặc giới thiệu ứng cử viên.
Trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2021, Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính Công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 đã phân tích về lựa chọn của cử tri khi bầu ứng cử viên cho các vị trí dân cử ở cấp quốc gia và cấp tỉnh. Kết quả phân tích câu hỏi bầu cử giả định cho thấy tỷ lệ cử tri bầu chọn nam ứng cử viên vào vị trí đại biểu Quốc hội cao hơn tỷ lệ cử tri bầu chọn nữ ứng cử viên vào vị trí này khoảng 2%. Ngoài ra, cử tri có xu hướng chọn ứng cử viên nam đã lập gia đình hơn, trong khi cũng là ứng cử viên đã lập gia đình nhưng là nữ lại ít có khả năng được bầu chọn hơn.
Tỷ lệ nam nữ cân bằng tại các điểm bầu cử sẽ đảm bảo phụ nữ được lựa chọn để bầu trong cơ quan dân cử. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Báo cáo PAPI 2020 cũng chỉ ra rằng những lĩnh vực phụ nữ quan tâm khác với nam giới. Phụ nữ quan tâm nhiều hơn đến công tác xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Phụ nữ ít tham gia vào quá trình ra quyết định ở địa phương, ít tiếp cận với Internet và các dịch vụ chính phủ điện tử hơn. Những khác biệt này nêu bật sự cần thiết phải có đại diện công bằng trong các cơ quan dân cử.
Định kiến về giới dần thay đổi
Mục tiêu đạt 35% số đại biểu Quốc hội là nữ phần nào giúp giảm bớt định kiến xã hội đối với ứng cử viên nữ có đủ năng lực, qua đó có thể thấy ý nghĩa của việc đặt mục tiêu bình đẳng giới trong chính sách, pháp luật về bầu cử của Việt Nam. Trong thực tế, những định kiến về giới trong bầu cử đang dần thay đổi thời gian gần đây.
Bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW) chia sẻ: "Cách đây khoảng 10 năm, khi được hỏi đối với đại biểu có cùng trình độ giữa nam và nữ sẽ chọn ai thì đa số cử tri sẽ chọn nam vì nữ còn bận việc nhà và không thể đóng góp được như nam."
“Thế nhưng kết quả khảo sát năm 2020 đối với cử tri trẻ cho thấy không cần biết người ứng cử là nam hay là nữ mà họ sẽ nhìn về cách mà các ứng cử viên đưa ra kế hoạch hành động hoặc cách mà ứng viên đã lãnh đạo như thế nào. Họ bầu dựa trên kết quả này chứ không bầu trên yếu tố giới tính của ứng cử viên. Đây chính là cơ hội để đảm bảo nam và nữ tham gia cân bằng về số lượng, tỷ lệ và chất lượng,” bà Ngô Thị Thu Hà nói.
Trong những ngày tới, 184 đơn vị bầu cử trong cả nước sẽ tiến hành bầu ra 500 đại biểu Quốc hội khóa XV. Các chuyên gia cho rằng tỷ lệ nam nữ cân bằng tại các điểm bầu cử sẽ đảm bảo phụ nữ được lựa chọn để bầu trong cơ quan dân cử.
Cử tri trẻ đọc tiểu sử các ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. (Ảnh: Nguyễn Chiến/TTXVN) |
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết không khí dân chủ, dân trí của cử tri và nhân dân ngày được mở rộng; những gửi gắm, mong muốn của lãnh đạo địa phương, của cử tri ngày càng cụ thể hơn, kỳ vọng cao hơn. Các nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội cần biết rõ thế mạnh của mình để phát huy; xây dựng chương trình hành động ngắn gọn, thuyết phục đồng thời trình bày tự tin, chân thành, hấp dẫn, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, vì lợi ích của nhân dân để cử tri có nhiều thiện cảm, ấn tượng và tin tưởng bỏ phiếu cho mình.
Chiếm hơn một nửa dân số, phụ nữ có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Tạo điều kiện cho phụ nữ tham chính không những đảm bảo trao quyền cho phụ nữ, lồng ghép các nội dung về giới trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách mà còn thúc đẩy sự phát triển công bằng, bền vững./.
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 “tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%”.
Bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW) chia sẻ về vấn đề giới trong bầu cử.
Theo Hồng Kiều (Vietnam+)