Khi dự thảo mới nhất về giá điện mặt trời sau ngày 30/6 chỉ còn 1 vùng, với mức giá giảm xuống còn 1.620 đồng/số, thì chủ đầu tư nhiều dự án điện mặt trời không khỏi lo ngại đứng trước khả năng thua lỗ, phá sản.
Nhà đầu tư lo sốt vó
Nhiều tháng nay, các lãnh đạo của Công ty TNHH GA Power Solar Park (Đức) - một DN 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - như ngồi trên đống lửa.
Công ty này đang đầu tư 2 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 60 MW ở Hà Tĩnh với số vốn 50 triệu USD. Theo kế hoạch ban đầu, nhà máy sẽ phát điện lên lưới để được hưởng mức giá ưu đãi là 2.100 đồng/số (tương đương 9,35 cent), nhưng vì một số lý do nên dự án chưa thể phát điện trước tháng 7/2019.
Chính vì thế, giá điện sau 30/6 như thế nào luôn được các lãnh đạo công ty này trông ngóng. Tuy nhiên, khi dự thảo mới nhất về giá điện mặt trời sau ngày 30/6 chỉ còn 1 vùng, với mức giá giảm xuống còn 1.620 đồng/số, thì họ không khỏi sửng sốt.
Một dự án điện mặt trời ở Hà Tĩnh vận hành trước tháng 7/2019 với mức giá ưu đãi. Ảnh: Lương Bằng
Trả lời PV. VietNamNet, ông Bùi Quang Cường, Giám đốc Công ty TNHH GA Power Solar Park, lo lắng: “Chúng tôi mà chưa triển khai thì chắc chắn sẽ không bao giờ làm nữa”, ông Cường sốt ruột.
“Tuy nhiên, hiện chúng tôi đã giải phóng mặt bằng, đã chuyển tiền đặt máy móc thiết bị, chả lẽ lại hủy hợp đồng,... Giờ nếu triển khai đảm bảo chắc chắn lỗ”.
“Với mức giá này, làm tiếp cũng lỗ, không làm tiếp thì cũng rất khó khăn. Nhiều thiết bị chúng tôi đã chuyển tiền, thiết bị đã cập cảng, và một số hợp đồng chuẩn bị chuyển tiền. Tình thế bây giờ rất gay go”, ông Bùi Quang Cường lo lắng.
Theo nhà đầu tư này, làm bất cứ dự án nào thì nhà đầu tư cũng mong có lãi, không có lãi không bao giờ làm. Nếu không hiệu quả, ngân hàng sau khi thẩm định dự án cũng không cho vay.
Ngoài ra, ông Cường cho rằng, nếu Chính phủ ban hành giá điện mặt trời với 1 vùng giá áp dụng cho cả nước, sẽ rất khó khăn trong việc thu hút đầu tư vào điện mặt trời ở các tỉnh Bắc Trung Bộ trở ra như Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Bởi bức xạ ở các tỉnh này không cao bằng các tỉnh phía Nam, nhất là các tỉnh Nam Trung Bộ như Ninh Thuận, Bình Thuận,...
Điều đó còn khiến các nhà đầu tư tiếp tục đổ xô đầu tư vào các vùng có bức xạ cao, gây ra tình trạng quá tải hệ thống truyền tải như đã và đang xảy ra ở Ninh Thuận và Bình Thuận. Việc quy định mức giá điện theo các vùng khác nhau sẽ giúp nhà đầu tư trải đều việc đầu tư ra các tỉnh, giúp giảm tình trạng quá tải đường dây.
Cùng chung sự lo lắng về giá điện 1 vùng, ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại và Du lịch Hoàng Sơn, chủ đầu tư dự án điện mặt trời ở Thanh Hóa, cho hay: "Công ty chúng tôi đã triển khai dự án, đã giải phóng mặt bằng, lắp đặt trang thiết bị. Dự án đã hoàn thành 70% khối lượng công việc. Với mức giá 1.620 đồng/số, chắc chắn chúng tôi sẽ lỗ".
Nhiều dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận, Bình Thuận đối mặt tình trạng không thể phát hết điện lên lưới. Ảnh: Lương Bằng
Ông Lê Văn Hoàng chia sẻ: Từ sau 30/6, do chưa có mức giá mới nên ngân hàng đã tạm dừng giải ngân. Với mức giá thấp như vậy, nhà đầu tư sẽ lỗ. Khi đó, ngân hàng cũng không thể giải ngân tiếp. Khi đó nhà đầu tư phá sản, mất hết tiền đã bỏ ra đầu tư. Các ngân hàng cũng sẽ gặp khó. Mặt khác, DN phá sản thì nhiều công nhân và doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng.
“Chúng tôi có 100 công nhân. Các nhà thầu san lấp, thiết kế, xây dựng cũng đều bị ảnh hưởng”, ông Lê Văn Hoàng lo ngại.
“Chúng tôi nói với nhau rằng giờ chỉ cần 1 chữ ký ban hành mức giá thấp như vậy thì rất nhiều doanh nghiệp ra đi. Như thế thì nguy hiểm quá, rất là căng”, ông Lê Văn Hoàng bày tỏ.
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam góp ý. "Việc áp dụng giá mua điện theo nhiều vùng sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý, các đơn vị vận hành hệ thống điện có nhiều lựa chọn trong việc tích hợp nguồn điện mặt trời với các loại hình nhà máy điện khác trong khu vực nhằm mang lại hiệu quả cao nhất". |
Mức giá điện nên chia theo nhiều vùng
Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại và Du lịch Hoàng Sơn, cũng mong muốn Chính phủ ban hành mức giá điện theo 3 vùng hoặc 4 vùng. Dù mức giá không bằng giá cũ là 2.100 đồng/số thì cũng không nên để giá thấp quá như vậy.
“Miền Trung năm nào cũng chịu bão lũ, thiên tai, có điện mặt trời phát triển được thì cần khuyến khích”, ông Lê Văn Hoàng chia sẻ và cho hay đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương bày tỏ quan ngại về mức giá điện 1 vùng trong dự thảo mới nhất.
Trong khi đó, một cán bộ ngành điện cũng cho rằng mức giá điện mặt trời chia thành nhiều vùng như những dự thảo trước đó hợp lý hơn là chỉ quy định 1 mức giá cho cả nước. Nếu chỉ có một mức giá, thì nhà đầu tư sẽ tập trung đầu tư vào các tỉnh có bức xạ cao, gây quá tải lưới điện như đã và đang xảy ra nghiêm trọng ở Ninh Thuận, Bình Thuận.
Đây cũng là điều Bộ Công Thương lo ngại khi đề xuất mức giá điện 1 vùng áp dụng cho cả nước. Trước đó, Bộ này đã đề xuất phương án chia giá điện mặt trời làm 4 vùng, rồi 2 vùng.
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây cũng cho rằng, cần thực hiện giá mua điện mặt trời nối lưới theo nhiều vùng (2-4 vùng) thay cho giá mua điện chung trong cả nước, tránh tình trạng mất cân đối, nơi thì tập trung nhiều dự án, nơi không có doanh nghiệp đầu tư, gây quá tải cục bộ, ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện của hệ thống.
Theo Lương Bằng/Vietnamnet.vn