Không những hội tụ đủ 3 điều kiện đẩy giá bất động sản leo dốc giống thế giới, thị trường nhà đất Việt Nam được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng giá trong thời gian tới.
3 điểm chung giữ nhiệt cho bất động sản
The Economist vừa công bố thông tin về thị trường bất động sản (BĐS) toàn cầu khiến nhiều người bất ngờ. Thay vì kịch bản màu xám như một số dự đoán trước đó, giá nhà đất trong quý 2 năm 2020 đang có xu hướng tăng ở hầu hết các quốc gia.
Nguyên nhân đầu tiên được The Economist chỉ ra là lãi suất cho vay tại các nước thời gian qua giảm đã giúp người dân có thêm khả năng tiếp cận các khoản tài chính.
Tại Việt Nam, yếu tố trên cũng xuất hiện khá sớm trên thị trường. Hàng loạt các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay mua nhà với mức lãi được kéo về khoảng 6,49 - 8,8%/năm đối với các khoản vay từ 1 đến 3 năm. Một số ngân hàng cao hơn cũng chỉ mức lãi suất từ 7,7-10%/năm. Trung bình, so với năm 2019 mức lãi suất tại Việt Nam đã giảm khoảng 1,5 - 2%/năm. Đây được coi là mức thấp nhất trong nhiều năm.
Chính sách tài khóa là yếu tố thứ 2 được tờ tạp chí uy tín của thế giới lý giải cho việc giá nhà đất thế giới tăng bất chấp dịch bệnh. Điều này được hiểu đơn giản là những khoản hỗ trợ, phúc lợi của Nhà nước các nước với người dân trong thời gian dịch bệnh. Những chính sách riêng cho người mua nhà tại các nước cũng đã được triển khai như cho phép hoãn trả nợ gốc, giãn thời hạn thu hồi tài sản thế chấp. Riêng ở Anh, thống kê cho thấy, số lượng tài sản bị thu hồi thấp hơn tới 93% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đó cũng là những gì Việt Nam đã triển khai. Lần đầu tiên, nước ta có gói hỗ trợ chưa từng có cho hàng triệu người dân. Ngoài khoản tiền hỗ trực tiếp cho người lao động, rất nhiều người đã được hưởng chính sách khác như giãn thuế, cho vay không lãi suất trả lương cho lao động, giãn thời gian trả nợ ngân hàng,... Những chính sách ấy đã tiếp sức cho người dân, doanh nghiệp trong những lúc khó khăn và qua đó giữ ổn định thị trường bất động sản.
The Economist cũng nhắc tới yếu tố thứ 3 là cầu của người dùng. Nghiên cứu chỉ ra, chi phí dành cho nhà ở của các hộ gia đình ở nhiều nước đang tăng lên và nhiều người đang tìm kiếm những nơi ở tốt hơn.
Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định trong thời gian dài giúp tạo ra một tầng lớp trung lưu đông đảo. Đây chính là nhóm đối tượng có nhu cầu về nhà ở rất cao và có khả năng chi trả để mua nhà.
Bởi vậy, cùng với xu hướng leo dốc của thế giới, giá căn hộ chung cư quý 2 tại Hà Nội bất chấp đại dịch vẫn tăng khoảng 0,16% so với quý I, nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,01% (báo cáo quý 2 của Bộ Xây dựng). Tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư cũng tăng khoảng 0,25% so với quý I/2020, nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 0,15%.
Căn hộ khó giảm, thậm chí còn tiếp tục tăng giá?
Không chỉ hội đủ các lý do khiến giá bất động sản tăng giá như xu hướng thế giới, các chuyên gia còn cho rằng, bất động sản Việt Nam còn tăng mạnh hơn bởi cầu quá lớn trong khi cung suy giảm và chi phí đầu vào của ngành bất động sản ngày một tăng.
Riêng về cầu bất động sản, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng Giám đốc Đại Phúc Land chỉ ra, người Việt có văn hóa tích lũy tài sản từ bất động sản. Điều này xuất phát từ thói quen "an cư lạc nghiệp" của rất nhiều người Việt. Bởi thế, cầu với BĐS của người Việt là tổng hòa của nhiều yếu tố, từ việc dân số trẻ, nhu cầu lớn, tới điều kiện, thu nhập đang tăng lên hay tâm lý an cư của người dân. Điều này khác so với rất nhiều nước trên thế giới.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, giá nhà đất luôn luôn tăng giá trị trong mọi trường hợp, kể cả xảy ra khủng hoảng.
Đặc biệt của thị trường BĐS Việt là cầu tốt nhưng cung lại yếu. Ông Lê Ngọc Đắc, Giám đốc Sàn BĐS Đất Lành cho rằng, điều này đã xuất hiện từ năm 2019 khi cơ quan chức năng siết chặt việc cấp phép, các dự án tốn rất nhiều hồ sơ, thủ tục để được triển khai.
Một điểm khác tại Việt Nam khiến giá bất động sản được tin tưởng sẽ tăng cao thời gian tới theo ông Đắc là do chi phí đầu vào thời gian qua quá cao trong điều kiện quỹ đất để phát triển dự án ngày càng khan hiếm.
"Mặt bằng chung về giá đất theo thị trường, chắc chắn sẽ không giảm mà chỉ tăng, nên các chủ đầu tư phát triển dự án với các chi phí đầu vào bị đội lên, khi đó, giá bán tới người dùng cũng phải cao, xu hướng giảm là không thể", vị chuyên gia đánh giá.
Đó cũng là điều nghiên cứu thị trường của Công ty chứng khoán SSI chỉ ra trong báo cáo mới công bố. Đơn vị này bất động sản dân cư tại khu vực Hà Nội có thể tăng từ 2-3%, và TPHCM có thể tăng từ 7-10% trong năm 2020.
Không chỉ SSI, giới chuyên gia đều đồng tình, dù được xem như "của để dành" hay công cụ đầu tư, BĐS Việt gần như chắc chắc sẽ tăng giá thời gian tới bởi quá nhiều yếu tố thúc đẩy thị trường. Đặc biệt, trong điều kiện dịch bệnh đang được kiểm soát tốt như hiện tại, thị trường chắc chắc sẽ sớm thiết lập đỉnh giá mới./.
Theo Quỳnh Chi/VTC News