Nghĩa vụ tài chính với nhà nước là chuyện đương nhiên doanh nghiệp (DN) bất động sản phải thực hiện. Tuy nhiên, đi qua đại dịch COVID-19, để có thể đứng dậy bước tiếp, DN rất cần cơ chế, có không gian… để thở.
Dự án "đất vàng" 3241 tại TP. Thanh Hoá đang gặp rất nhiều khó khăn do hạ tầng chưa hoàn thiện. Ảnh: Trần Lâm |
Cuộc đấu giá vô tiền khoáng hậu mặt bằng 3241 (KĐT Đông Hương, TP. Thanh Hoá) từ cuối năm 2019 đến giờ này vẫn “nóng” tính thời sự. Có thể nói, đây là cuộc đấu giá BĐS “xanh chín” nhất từ trước tới nay ở Thanh Hoá. Tổng giá trị dự án là 1.215 tỉ đồng cho 57.980m2 đất. Tính trung bình hơn 21 triệu đồng/m2, cao gần gấp 3 lần so đợt đấu giá đầu tiên, thu về cho ngân sách 548,6 tỉ đồng so giá ban đầu. Ngay sau cuộc đấu, các mặt bằng trên địa bàn và lân cận tăng giá chóng mặt, thiết lập mặt bằng giá mới.
Vậy nhưng, vừa lên phương án kinh doanh, ngay sau Tết Nguyên đán là đại dịch COVID-19. Tất cả như tê liệt. Trong thời gian cách ly, các sàn giao dịch BĐS trên địa bàn đóng cửa, giờ này vẫn chỉ một số mở cửa trở lại.
Covid khiến DN trở tay không kịp. Các phương án huy động vốn từ ngân hàng và từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, trong và sau đại dịch, rất nhiều ngành nghề cần vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh, trong khi BĐS lại không phải ngành được ưu tiên. Kênh thứ hai là huy động vốn thông qua hình thức góp vốn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng không như kỳ vọng. Trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp, khi chưa nhìn thấy hiệu quả, rất ít nhà đầu tư giám xuống tiền dù chỉ với ý định “lướt sóng” mặc cho DN đã có nhiều chính sách ưu đãi.
Đó là một ví dụ điển hình. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, đặc biệt ở khu vực TP. Thanh Hoá hiện có hàng chục dự án BĐS lớn trong tình trạng này. Tổng số tiền thuê đất, sử dụng đất phải nộp lên đến hàng nghìn tỉ đồng.
Đã là DN kinh doanh BĐS thì phải chấp nhận cơ chế thị trường, nghĩa vụ tài chính với ngân sách đương nhiên phải chấp hành. Khi tham gia đấu giá, DN nào cũng biết và chấp nhận điều đó. Tuy nhiên, trăm bề khó khăn là có thật. Lúc này, không DN nào có đủ tiềm lực “đem tiền nhà” cả trăm tỉ đi nộp nếu như không nối được kênh tín dụng với các ngân hàng. Mà để ngân hàng vui vẻ “mở hầu bao” cho vay thì thị trường phải sôi động trở lại, tính thanh khoản phải cao và lợi nhuận phải thấy được.
Nhưng trong lúc khó khăn này, giải quyết ra sao với số hàng trăm tỉ nợ tiền sử dụng đất là cả một vấn đề. Nhà nước có thể “xanh chín” với các DN. Nghĩa là cứ đúng việc của mình mà làm: Ban hành các chế tài xử lý, xử phạt, kiểm tra, thanh tra rồi rút giấy phép, thu hồi dự án hay cùng hỗ trợ DN vượt qua khó khăn?
“Khi tham gia đấu giá, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ, đủ tiềm lực và niềm tin chúng tôi mới quyết định đầu tư. Tuy nhiên, dịch Covid đã làm tê liệt tất cả. Chúng tôi vẫn tự tin, với sự kiểm soát dịch tốt của nhà nước, thị trường BĐS sẽ ấm trở lại, dự án “đất vàng” của chúng tôi chắc chắn sẽ là lựa chọn hàng đầu. Và khi đó, việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính sẽ không còn là chuyện lớn” – ông Hoàng Anh Tuấn, đại diện liên danh trúng đấu giá mặt bằng 3241 nói.
Rõ ràng, câu chuyện lớn bây giờ, DN không xin tiền mà xin cơ chế động viên, tiếp sức như giãn, gia hạn tiền sử dụng đất, đơn giản hoá các thủ tục kinh doanh để các DN trên địa bàn Thanh Hoá có không gian, thời gian để thở, lấy lại sức lực, tự tin cùng cộng đồng DN, cả hệ thống chính trị vượt qua khó khăn, khôi phục đà tăng trưởng. Đó là cơ chế “win – win”, còn không khi đó, “xanh chín” vẫn chưa muộn.
Theo TRẦN LÂM/Laodong.vn
Link gốc: https://laodong.vn/bat-dong-san/bat-dong-san-thanh-hoa-co-nen-xanh--chin-voi-doanh-nghiep-810437.ldo