Thứ bảy 14/09/2024 04:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Bất động sản nghỉ dưỡng sau đại dịch: Đâu là “cứu cánh”?

15:46 | 12/05/2020

Việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 đang giúp thị trường bất động sản bớt ảm đạm. Trong đó, BĐS nghỉ dưỡng - phân khúc thiệt hại nhất vì Covid-19 đang rục rịch khởi động sau chuỗi ngày “ngủ đông”.

bat dong san nghi duong sau dai dich dau la cuu canh
Các chuyên gia cho rằng các khách sạn và khu nghỉ dưỡng nên cân nhắc việc điều chỉnh lại chính sách giá cũng như các ưu đãi để đón đầu và đáp ứng nhu cầu của nhóm khách nội địa.

Khách nội địa sẽ là “cứu cánh”?

Dịch bệnh được kiểm soát tốt, Việt Nam đã quyết định đưa nền kinh tế trở lại bình thường trong trạng thái mới.

Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng đua nhau mở cửa trở lại sau thời gian dài thực hiện cách ly xã hội. Các chuyên gia cho rằng, đây là khoảng thời gian lý tưởng để bất động sản nghỉ dưỡng trở lại đường đua.

Quả thực, như chiếc lò xo bị nén lại, nhu cầu du lịch cũng ngay lập tức mạnh mẽ trở lại sau khi nhiều ngày liền Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới. Nhiều bãi biển đông nghẹt người, công suất phòng nơi hoạt động tối đa trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua.

Xuân Mộc - một facebooker đăng dòng trạng thái “Chính thức được xách balo lên và đi sau kỳ nghỉ Tết Cô vy siêu dài”, kèm theo đó là bức ảnh đang tung tăng trên bãi biển. Không ít những người như Xuân Mộc, tín đồ “cuồng” du lịch nhưng lại vì Covid-19 buộc phải hoãn huỷ nhiều chuyến đi thú vị.

Còn nhớ, tại thời điểm dịch bệnh bùng phát, hầu hết các chuyên gia cũng như các tổ chức nghiên cứu bất động sản đều cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất. Tuy nhiên, họ cũng tin tưởng rằng chính ngành này sẽ là phân khúc đầu tiên vượt qua khó khăn nhanh. Đặc biệt khi nhu cầu trong nước sẽ mau chóng ổn định, phục hồi trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Châu Á Thái Bình Dương chia sẻ, “các chuyên gia trong ngành đều cho rằng Việt Nam đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch và bây giờ là lúc đất nước đi vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Chúng tôi tin rằng nhu cầu du lịch trong nước, sẽ là thị trường chính trong vài tháng tới”.

Chuyên gia Savills nhận định, Việt Nam sẽ trải qua quá trình tương tự như Trung Quốc sau khi đại dịch được kìm hãm, theo đó thị trường Trung Quốc chỉ mất khoảng 6 tuần để công suất trở lại mức 30% sau khi công suất bị giảm mạnh vào giai đoạn trước đó và điều này phụ thuộc hoàn toàn vào khách du lịch nội địa, đặc biệt là nhóm du khách trẻ.

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trường hợp khả quan nhất là du lịch Việt Nam trong năm 2020 sẽ đón 5,5 triệu lượt khách quốc tế, giảm -70% theo năm.

Năm 2019, khách nội địa chiếm 82,5% tổng lượng khách du lịch. Chính sự phụ thuộc Việt Nam vào thị trường khách nội địa và những thị trường quốc tế chính như Trung Quốc, Hàn Quốc... sẽ là lợi thế lớn khi những thị trường này có nhiều khả năng sẽ phục hồi và mở cửa du lịch sớm nhất.

Cân nhắc chính sách giảm giá để hút khách nội địa

Nói về sự phục hồi sau đại dịch, ông Mauro Gasparotti, Giám Đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương cho rằng: “Thị trường du lịch trong nước sẽ quay trở lại trong giai đoạn đầu tiên của sự phục hồi. Sau quyết định về cách ly xã hội, phần lớn các khách sạn và khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam đã đóng cửa nhưng hầu hết đang có kế hoạch mở cửa trở lại vào tháng 5 với các chương trình khuyến mãi để thu hút khách du lịch trong nước”.

Đồng thời, Việt Nam đã nổi tiếng toàn cầu về mức độ an toàn thông qua các biện pháp phòng chống Covid-19 thành công và đây được xem là đòn bẩy giúp thị trường khách quốc tế sớm trở lại.

Theo chuyên gia Savills, sự phục hồi ban đầu của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng được dự kiến sẽ theo mô hình chữ V, điều này vốn phổ biến trong ngành khách sạn và du lịch.

“Chúng tôi vẫn luôn có một cái nhìn tích cực về tương lai của ngành khách sạn ở Việt Nam và trên thực tế khi thấy đất nước cùng đoàn kết vượt qua đại dịch, quan điểm đó càng trở nên vững chắc hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam với hình ảnh là một điểm đến an toàn, chi phí du lịch phù hợp cùng vẻ đẹp thiên nhiên phong phú đều là những lợi thế lớn của Việt Nam sau đại dịch và càng khẳng định niềm tin của chúng tôi về sự phục hồi trong thời gian sớm nhất”, ông Mauro Gasparotti lạc quan nhận định.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia lại nhận định, tại thời điểm này còn quá sớm để khẳng định việc phục hồi của thị trường. Đồng thời, phục hồi hay sẽ trượt dài trong suy thoái sẽ nằm ở sự nỗ lực, cách thức vượt khủng hoảng của mỗi doanh nghiệp.

Chuyên gia Savills cũng cho rằng, chủ sở hữu và các nhà điều hành khách sạn sẽ đối mặt với giai đoạn cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới, đòi hỏi sự sáng tạo và đổi mới để quản lý và tạo ra nguồn doanh thu mới.

Theo đó, các dịch vụ lưu trú và nhà hàng cần phát triển các chiến lược tiếp thị và quảng bá sáng tạo và ý nghĩa hơn trong khi các tổ chức tài chính và chủ sở hữu bất động sản cần tích cực làm việc với chủ đầu tư để tìm ra giải pháp cùng có lợi nhằm góp phần xây dựng và hỗ trợ quá trình phục hồi.

Đại diện Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp là cần có ý tưởng riêng biệt về sản phẩm, dự án gắn chặt với đặc điểm tài nguyên du lịch, sáng tạo và mạnh dạn chuyển hướng, chủ động khai phá những điểm đến mới có những giá trị tài nguyên đặc sắc cho đến nay vẫn chưa khai thác.

Đối với những trung tâm du lịch lớn cần làm mới sản phẩm bằng những dự án tầm cỡ quốc tế, những khu phức hợp đa chức năng, tiện ích thông minh kết hợp tốt giữa thụ hưởng du lịch với nhiều dạng nhu cầu của cuộc sống.

Bất động sản du lịch Việt Nam cũng được nhận định vẫn còn dư địa để phát triển. Bên cạnh nghỉ dưỡng đơn thuần, còn nghỉ dưỡng chữa bệnh, điều dưỡng, thẩm mỹ… Việc thúc đẩy những hướng đi mới sẽ là cứu cánh thị trường, nhằm hút lại lượng lớn khách trong nước bấy lâu nay vẫn phải tìm kiếm các dịch vụ này ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, khi nhắm vào thị trường nội địa, tạo nền tảng để vực dậy sau đại dịch thì ngoài chất lượng phục vụ thì vấn đề giá cả cũng được nên được lưu tâm.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng cũng nên cân nhắc việc điều chỉnh lại chính sách giá cũng như các ưu đãi để đón đầu và đáp ứng nhu cầu của nhóm khách này.

Theo Nguyễn Mạnh/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load