Thứ sáu 29/03/2024 16:55 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bất cập thuế thu nhập: Thưởng Tết to cũng... lo

15:29 | 18/01/2020

Sau hơn 7 năm thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, đến nay chỉ số giá tiêu dùng tăng gần 20%, lương tối thiểu vùng tăng đến 70%, thu nhập bình quân tăng 40% nhưng mức giảm trừ thuế thu nhập vẫn giữ nguyên là 9 triệu đồng/tháng. Điều này cho thấy bất cập về chính sách thuế hiện nay đòi hỏi cần có những điều chỉnh kịp thời để công bằng và không tạo ra thiệt thòi cho người lao động.

bat cap thue thu nhap thuong tet to cung lo

Thưởng Tết to cũng... lo

Anh Hoàng Hải - một nhân viên Công ty bất động sản ở Hà Nội - sau một năm làm việc vất vả đã được nhận khoản thưởng 100 triệu đồng dịp Tết Canh Tý. Vui, vì với số tiền thưởng trên, gia đình anh hứa hẹn một “Tết đủ đầy”. Tuy nhiên anh Hải cũng chia sẻ: “Vui thì vui vậy thôi chứ tôi cũng xác định là sau Tết, khi nhận lương tháng thì bị trừ rất nặng, có khi chẳng được bao nhiêu. Vì thế, tôi cũng nói với vợ là kiểu gì cũng phải giữ lại một khoản đền bù vào phần thuế thu nhập bị khấu trừ sau này”.

Tất nhiên ai cũng hiểu, đóng thuế là nghĩa vụ, đặc biệt là thuế thu nhập. Thế nhưng khi bị trừ ở mức 35% với những khoản thưởng trên 80 triệu đồng thì đúng là rất… xót xa. Thậm chí có người lý luận rằng, tiền lương tháng đã phải đóng thuế thì lẽ ra khoản tiền thưởng thì phải được… miễn thuế.

Thực tế thì không phải như vậy, theo quy định về thuế hiện nay có 3 đối tượng phải chịu thuế thu nhập là cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên tính thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Đối tượng thứ hai là người ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng hoặc không ký hợp đồng thì bị khấu trừ 10%. Đối tượng thứ ba là người nước ngoài bị khấu trừ 20%.

Nghĩa là trong trường hợp của anh Hải thì phải chịu thuế lũy tiến từng phần. Phần thu nhập tính thuế là khoản tổng thu nhập trừ đi các khoản miễn thuế, giảm trừ. Ví dụ như sau khi trừ tất cả phần được miễn thuế, thu nhập anh Hải trước Tết là 80 triệu đồng thì phải chịu thuế suất 35% theo hiện hành, nghĩa là sẽ bị trừ gần 30 triệu đồng. Một con số quá lớn khiến ai cũng ngỡ ngàng.

Bất cập và lạc hậu

Luật thuế hiện hành quy định mức và biểu thuế 7 bậc, thuế suất từ 5% đến 35%. Nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân có đóng góp lớn cho ngân sách hằ̀ng năm. Theo con số do cơ quan thuế cung cấp, tổng thu ngân sách năm 2019 do cơ quan thuế quản lý đạt 1.276.219 tỉ đồng, bằng 109,3% so với dự toán, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng thuế thu nhu nhập cá nhân đạt trên 98.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 8% ngân sách, cao gấp đôi so với thu từ dầu thô. Điều đáng nói, trong vòng 10 năm trở lại đây, thu từ thuế thu nhập cá nhân tăng mạnh. Nếu năm 2010 được khoảng 26.000 tỉ thì hiện nay đã gần 100.000 tỉ, tức là đã tăng 4 lần.

Mặc dù, nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân quan trọng như vậy nhưng các chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải tính toán, sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để đảm bảo với thực tế, mức sống cũng như bảo đảm công bằng, quyền, đồng thời đảm bảo lợi ích chính đáng của đối tượng chịu thuế, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Bất cập rõ nhất là, mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân đã lỗi thời. Đầu tiên là kể từ tháng 7.2013, Luật Thuế thu nhập có hiệu lực thì chỉ số giá tiêu dùng bình quân mỗi năm tăng liên tục, thu nhập bình quân cũng tăng khoảng 40%, lương cơ bản tăng, lương tối thiểu tăng bình quân 7-8%/năm nhưng ngưỡng thu nhập chịu thuế vẫn giữ nguyên. Điều đó cũng có nghĩa là mức giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên dẫn đến tiền lương danh nghĩa của các đối tượng chịu thuế mặc dù tăng nhưng tiền lương thực tế của họ bị giảm sút nghiêm trọng.

Ngoài ra, bất cập nữa là quy định giảm trừ gia cảnh của chính sách thuế thu nhập cá nhân hiện hành mới chỉ áp dụng đối với cá nhân có thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công, còn cá nhân có các loại thu nhập khác không được áp dụng mức giảm trừ gia cảnh. Điều này làm nảy sinh sự bất bình đẳng khi có thu nhập chịu thuế được giảm trừ gia cảnh, có thu nhập chịu thuế không được giảm trừ gia cảnh.

Ngay cả con số gần 100.000 tỉ đồng mà ngân sách thu được từ thuế thu nhập trong năm 2019 tăng gấp 4 lần so với thời điểm 2010 trong khi mức thu nhập trung bình của xã hội tăng gấp 2 lần cho thấy gánh nặng thuế mà mỗi cá́ nhân phải chịu ngày càng tăng lên. Nó cũng phản ánh thực tế là đối tượng chịu thuế suất lớn (có thu nhập chịu thuế từ 10 triệu trở lên) đang trở thành số đông.

Với thực tế xã hội hiện nay nhu cầu cần lực lượng lao động chuyên môn cao thì có ý kiến cho rằng thuế suất cao (30% và 35%) sẽ không khuyến khích người có trình độ kỹ thuật cao, năng lực điều hành giỏi ra sức lao động. Mức thuế cao sẽ làm giảm tính cạnh tranh nội bộ quốc gia và quốc tế trong thu hút các nhà quản lý, nhà khoa học, nhân lực, lao động có tay nghề cao vào Việt Nam làm việc.

Một bất cập khác là sự chênh lệch giữa thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp ngày càng được ưu đãi về thuế và được giảm từ 25% thời điểm 2010 xuống còn 20% năm 2020 thì thuế thu nhập cá nhân vẫn giữ nguyên về bước thuế và thuế suất khiến tương quan này bị chênh lệch.

Đó là chưa kể mức chi tiêu ở các vùng khác nhau, chẳng hạn ở Hà Nội và TPHCM có mức chi tiêu cao hơn hẳn khu vực nông thôn nhưng mức giảm trừ gia cảnh như nhau khiến cho người có thu nhập tại các thành phố lớn bị sức ép từ giá cả cao hơn.

Đối với các khoản thưởng Tết được gọi là lương tháng thứ 13- khoản tiền thưởng mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động thì vẫn phải đóng thuế như thường.

Với những bất cập như trên đòi hỏi phải có những đổi mới về chính sách thuế, đặc biệt với thuế thu nhập cá nhân để đảm bảo công bằng với những cá nhân chịu thuế, thu hút được người tài nhân sự chất lượng cao bằng đòn bẩy kinh tế và với những người lao động nhận thưởng Tết sẽ có niềm vui trọn vẹn thay vì “sướng trước khổ sau” khi bị truy thu những khoản tiền lớn sau khi được nhận thưởng.

* Vì sao chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh?

Luật số 26/2012/QH13 ngày 22.11.2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) có hiệu lực từ 1.7.2013 quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.

Luật cũng quy định, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Tuy nhiên, tính từ thời điểm tháng 7.2013 đến hết năm 2019, mức tăng CPI chỉ là 18,77%, chưa đủ điều kiện để xem xét điều chỉnh giảm trừ gia cảnh.

Luật Thuế TNCN hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh với mỗi người có thu nhập đến mức phải nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng/người; người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng/người. Với mức tăng CPI hiện nay thì năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh sẽ phải thay đổi để phù hợp.

* Mức thuế áp đã lạc hậu

Theo các chuyên gia, thuế suất thuế TNCN chia làm 7 bậc, từ 5% đến 35% là rất dày và rất cao so với nhiều nước trong khu vực như: Singapore, Malaysia... Do đó, theo luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Basico, cần phải sửa lại các mức này, giảm thuế suất, gia tăng mức giảm trừ gia cảnh để nuôi dưỡng nguồn thu, tránh vắt kiệt sức của người nộp thì thuế TNCN mới công bằng và bền vững.

Trao đổi với PV báo Lao Động, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết: “Tôi cho rằng mức thuế đánh như hiện nay là không hợp lý, quá nhiều bậc, rắc rối và cao so với mặt bằng chung thu nhập của người dân. Tôi đề xuất chỉ nên giảm xuống 4 bậc thay vì 7 bậc như hiện nay, các mức thuế càng ít, càng đơn giản thì càng tốt.

Quan trọng là đối với những người có thu nhập từ 5- 10 triệu đồng/tháng chỉ nên áp dụng mức thuế hợp lý. Mức thuế suất áp dụng tối đa chỉ nên là 20% thay vì 35% như hiện nay. Trước đây thuế doanh nghiệp từng đóng 30-50% nhưng giờ cũng đã giảm xuống, như vậy thuế thu nhập cho cá nhân cũng chỉ nên tối đa ở mức 20% là hợp lý”.

* Bất hợp lý

Bàn về mức thuế thu nhập cá nhân đang áp dụng ở Việt Nam hiện nay, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng “Hiện mức thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm, mức thuế thu nhập cá nhân cũng nên giảm theo.

Mức thuế TNCN tính lũy tiến, thấp nhất là 5%, mức cao nhất là 35% đang được áp dụng hiện nay làm tỉ lệ thuế trên thu nhập là khá cao. Thuế thu nhập doanh nghiệp trước đây là 32% doanh thu, sau các lần điều chỉnh, đã giảm dần xuống lần lượt còn 28%, 25% và hiện nay là 20%. Trong khi đó thuế thu nhập cá nhân từ khi có biểu thuế hiện nay cao nhất vẫn là 35%”. L.H

Theo Minh Bằng - Hương Nguyễn/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
  • Nhà thầu phụ có được thuê lại nhân công của chủ đầu tư?

    (Xây dựng) - Bà Hoàng Thị Hóa (Quảng Bình) đang công tác tại đơn vị sự nghiệp, tự bảo đảm chi thường xuyên. Đơn vị có 250 viên chức và người lao động thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chính do UBND thành phố giao.

  • Bắc Ninh đứng thứ 2 cả nước về hút FDI trong quý I/2024

    (Xây dựng) – Với nhiều chính sách phù hợp trong thu hút đầu tư, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, cùng quan điểm chỉ đạo nhất quán trong điều hành, điều chỉnh chính sách thu hút FDI của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh thời gian qua đã giúp tỉnh này đứng thứ 2 cả nước, về hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong quý I/2024.

  • Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục hợp tác với 5 tỉnh Tây Nguyên để phát triển kinh tế - xã hội

    (Xây dựng) – Trong 2 ngày 3 - 4/4, tại khách sạn Rex, Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Tây Nguyên (Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông) sẽ tổ chức Hội nghị sơ kết thoả thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Đồng thời triển khai kế hoạch hợp tác năm 2024 và Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên.

  • Hà Tĩnh: Chỉ số sản xuất ngành Công nghiệp quý I/2024 ước tăng 4,27%

    (Xây dựng) - Quý I/2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nỗ lực ổn định hoạt động sản xuất; tích cực đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ… Chỉ số sản xuất ngành Công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh quý I tăng 4,27% so với cùng kỳ năm 2023

  • Tây Ninh: Nhiều điểm sáng trong quý I/2024

    (Xây dựng) - Kết thúc quý I/2024, tỉnh Tây Ninh đạt được kết quả nhiều khởi sắc so với cùng kỳ năm 2023, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục được phục hồi, GRDP tăng 8%, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ. Tây Ninh đặt kế hoạch đạt 50% giải ngân vốn đầu tư công của năm trong quý II/2024.

  • Đề nghị sử dụng chi thường xuyên để nâng cấp công trình dự án đã xây dựng

    (Xây dựng) - Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách Nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load