Theo đại diện các nhà đầu tư BOT, chính những bất cập trong chính sách về BOT và đặt trạm thu phí hiện tại thì không ai muốn đầu tư đường BOT, chưa kể đến nhà đầu tư nước ngoài sẽ không dám bỏ vốn vào các dự án đường của nước ta.
Vị trí một trạm thu phí BOT của nhà đầu tư. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Khẳng định quan điểm phát triển đầu tư BOT của Nhà nước là rất đúng đắn, ông Nguyễn Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tasco cho rằng, tất cả các quốc gia trên thế giới đều dùng đến giải pháp này. Đường làm được đến đâu, kinh tế sẽ phát triển.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận, doanh nghiệp hoàn thiện đường nhưng thu phí cũng rất khó khăn vì thế phải làm rõ về mặt pháp luật.
Theo vị Chủ tịch Tasco, lúc đăng ký dự án, nhà đầu tư báo cáo lên cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và đã được Chính phủ, cơ quan địa phương đồng ý. Trước khi cấp chứng nhận đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến thêm một lần nữa về dự án BOT và đã nhận được sự đồng thuận. Thêm nữa, khi quyết định vị trí trạm thu phí, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục xin ý kiến của tỉnh để xem họ có đồng ý hay không, sau đó mới triển khai.
“Việc cơ quan Nhà nước can thiệp vào hợp đồng của nhà đầu tư là chưa đúng. Đó là lý do, 30 năm đổi mới, chưa một nhà đầu tư nước ngoài nào dám bỏ vốn vào các dự án đường của nước ta. Đến bây giờ, nếu giải quyết không có tình và có lý thì hậu quả rất lớn,” ông Dũng bày tỏ quan điểm.
Thừa nhận Nhà nước có ngân sách hạn chế, không đủ khả năng đầu tư, nhưng với chính sách và tình trạng xã hội hiện tại, ông Dũng khẳng định, không ai muốn đầu tư đường BOT. Nhà nước phải có biện pháp triệt để để thu hút đầu tư BOT.
“Càng vay ODA, vốn nước ngoài thì càng phải thu phí, để lấy tiền đoạn đường này, đầu tư phát triển đoạn đường khác. Việt Nam đang vay vốn để đầu tư BOT, nhưng không thu phí thì lấy tiền đâu trả nợ? Một điều cần nói rõ, thu phí là Nhà nước thu, không phải nhà đầu tư. Quan tâm đến người dân là đúng, nhưng cần phải có chế tài, chính sách như quy định bán kính cụ thể được miễn và giảm cho dân, mức giảm là bao nhiêu và Nhà nước phải có chính sách bù đắp cho nhà đầu tư. Chứ đổ hết lỗi cho nhà đầu tư BOT là không phải," ông Dũng đưa ra ý kiến.
Tỏ ra khá gay gắt khi khẳng định nhà đầu tư không có lỗi gì trong việc thực hiện trách nhiệm hợp đồng BOT, còn quyền lợi đến nay chắc chắn đang bị ảnh hưởng, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông Cienco 4 (Cienco 4) đặt ra câu hỏi cơ quan nào chịu trách nhiệm về việc này khi phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân?
“Lợi nhuận đầu tư của nhà đầu tư được ghi rõ trong hợp đồng là 10-11% trên giá trị quyết toán. Con số quyết toán cuối cùng mới đưa ra được thời gian thu phí bao nhiêu năm. Tiền đó nhà đầu tư dự án phải trả thuế, lãi ngân hàng... thì thử hỏi lợi nhuận ‘khủng’ ở chỗ nào? Nhà đầu tư mà giảm giá vé, kéo dài thời gian thì rất thiệt hại và nhiều rủi ro trong trường hợp không kịp thời trả lãi cho ngân hàng, thời gian bảo trì tăng lên... Như vậy, tổng hòa chi phí của dự án BOT lại tăng lên,” ông Huỳnh phân tích thêm.
Nhìn nhận thực tế người dân “quây” trạm BOT, gây ùn tắc giao thông thời gian đây, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đánh giá đây là hành động tự phát của người dân sống xung quanh trạm thu phí BOT, không phải do đội ngũ ôtô vận tải.
“Người dân bức xúc như vậy thể hiện sự bất cập về việc đặt trạm thu phí không hợp lý. Người dân sống quanh trạm BOT, hàng ngày đi qua nhiều lần, mỗi lần qua lại thu phí thì không thể chấp nhận,” ông Thanh lý giải.
Do đó, ông Thanh đề nghị không đặt trạm BOT ở đầu đường hoặc cuối đường, gần các thành phố, thị xã, thị trấn bởi người dân qua lại nhiều đồng thời khi lập vị trí trạm phải lấy ý kiến và giải thích rõ mọi người sẽ đồng tình.
Giảm phí theo khoảng cách và mức độ
Thừa nhận hình thức thu phí (thu phí kín ở trên các tuyến cao tốc và thu phí hở ở các dự án BOT) và cách đặt trạm BOT không thể công bằng một cách tuyệt đối, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP), Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, nhà đầu tư và người dân cần có sự chia sẻ với những khó khăn của đất nước.
Theo ông Huy, ngay từ lúc làm, Bộ Tài chính cũng dự liệu một số bất cập và đưa ra một số biện pháp như dùng vé tháng nhưng giải quyết vấn đề cần có thời gian, không thể giảm phí ngay mà phải có quy trình.
Đề cập đến việc chậm vào cuộc của các cơ quan chức năng đối với tình trạng người dân phản ứng tại trạm thu phí, ông Huy cho biết: “Bộ Giao thông Vận tải không được bỏ rơi và không thể bỏ rơi nhà đầu tư tuy nhiên cũng rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Nước xa không cứu được lửa gần. Bộ ở tận Hà Nội, còn địa phương ở đó mới là quan trọng.”
Về giải pháp lâu dài để giải quyết tình trạng bức xúc tại tram thu phí hiện nay, ông Huy tiết lộ, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cùng các bộ ngành liên quan, nhà đầu tư, ngân hàng xây dựng một chính sách chung, theo hướng sẽ miễn giảm cho người dân xung quanh trạm thu phí theo khoảng cách và mức độ.
Đơn cử như, cách trạm thu phí bao nhiêu km sẽ được miễn hoàn toàn, cách bao nhiêu km sẽ được miễn 70%, 50% hay 20% trạm thu phí.
Theo ý kiến một số nhà đầu tư, với bán kính 5-10km quanh trạm thì tuỳ vào khả năng ngân sách có thể miễn giảm cho dân. Phần này, nhà nước phải bỏ tiền ra, chứ không có việc kệ nhà đầu tư “tự bơi.”
“Lợi ích BOT mang lại cho xã hội là rất lớn. Nhưng nếu với cách thức, chế độ chính sách thay đổi liên tục thế này thì nhà đầu tư cảm thấy... sợ. Vì vậy, Nhà nước cần phải có giải pháp phù hợp trên tiêu chí giảm phí dịch vụ cho dân ở tất cả các trạm,” ông Lương Văn Sơn, Giám đốc Ban chiến lược đầu tư, Tổng công ty Sông Đà nói.
Về vấn đề này Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội cho rằng, một số trạm đặt chưa đúng.
Cụ thể, trong văn bản đề xuất dự án cũng nêu rõ, nhà đầu tư phải đánh giá tác động môi trường, tác động an toàn an ninh... lấy ý kiến lãnh đạo địa phương nhưng lại chưa lấy ý kiến người dân.
"Người dân sẵn sàng dỡ nhà để cho xe đi, tức là họ không nề hà gì. Nhưng để đến việc bức xúc như hiện nay, trách nhiệm cũng thuộc về nhà đầu tư, thậm chí cả chính quyết địa phương, cơ quan quản lý cao nhất là Chính phủ," ông Nhưỡng nói.
Theo VIỆT HÙNG (VIETNAM+)