Thứ tư 09/10/2024 19:00 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Bấp bênh lạm phát

09:06 | 27/09/2010

Cao, quá cao, quá bất ngờ là phát biểu của không ít chuyên gia kinh tế ngay sau khi Tổng cục Thống kê vào cuối tuần trước chính thức công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 đã tăng tới 1,31% so với tháng 8/2010. “Tôi quả thực rất bất ngờ trước con số này”, ông Vũ Đình Ánh - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nói.

Bất ngờ là dễ hiểu, bởi ngay sau khi TP.HCM và Hà Nội công bố CPI tháng 9 đều ở mức tăng kỷ lục kể từ đầu năm, tương ứng tăng 0,97% và 0,96%, ông Ánh và nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng chỉ dự báo, CPI tháng 9 tăng khoảng 0,5%.

1,31% là con số rất cao, nhất là được đặt trong bối cảnh, trung bình trong 6 tháng gần đây, tốc độ tăng CPI chỉ là 0,3%. Đặc biệt, tháng 7/2010, CPI chỉ tăng rất thấp - 0,06%.

Lý giải cho mức tăng bất ngờ này, ông Lê Đình Ân - nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia trước tiên nhắc tới những nguyên nhân tích tụ trong nhiều tháng qua, như việc tăng lương tối thiểu vào tháng 5, giá xăng tăng, cũng như nguyên nhân nhập khẩu lạm phát… “Một nguyên nhân rất quan trọng khác là giá vàng thời gian vừa rồi tăng mạnh và đồng USD cũng đã được điều chỉnh tăng giá so với đồng Việt Nam”, ông Ân nói và lý giải, việc đồng Việt Nam mất giá đã tác động trực tiếp đến việc tăng giá các hàng hóa nhập khẩu và các mặt hàng phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 9/2010, giá vàng đã tăng 3,58% so với tháng trước và tăng 34,35% so với cùng kỳ. Còn nếu so với tháng 12/2009, giá vàng đang tăng 5,19%. Trung bình 9 tháng đầu năm nay, giá vàng tăng 37,39% so với 9 tháng đầu năm ngoái.

Trong khi đó, đồng USD trong tháng 9 cũng tăng 1,61% so với tháng trước, tăng 7,35% so với cùng kỳ và tăng 2,91% so với tháng 12 năm ngoái. Trung bình, 9 tháng đầu năm nay, giá USD tăng 7,08% so với 9 tháng đầu năm ngoái.

Còn nếu tính tới các yếu tố tác động trực tiếp tới CPI trong tháng 9, không thể không nhắc tới việc nhóm hàng giáo dục đã tăng đột biết - lên tới 12,02%. Hoàn toàn dễ hiểu bởi tháng 9, mùa khai trường, nhu cầu tiêu dùng nhóm hàng này tăng cao. Lại cộng thêm chuyện nhiều địa phương tăng học phí lên gấp nhiều lần so với trước, CPI nhóm giáo dục đã tăng đột biến.

Việc giá lương thực tăng 2,32% trong tháng 9 có thể nói cũng góp phần rất lớn đẩy CPI của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống lên cao. Là nhóm hàng chiếm tỷ lệ lớn trong rổ hàng hóa tính CPI, lương thực tăng giá mạnh cũng ảnh hưởng đến CPI chung của cả nước.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong lúc này là liệu Việt Nam có thể đạt mục tiêu lạm phát trong năm nay? Khả năng kiềm chế lạm phát ở mức 7% là rất khó, bởi với CPI tháng 9 tăng 1,31%, lạm phát hiện đang ở mức 6,46%.

Số liệu mà Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, so với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng 9/2010 đã tăng 8,92%. Nếu tính trung bình, CPI của 9 tháng đầu năm nay đã tăng 8,64% so với trung bình của 9 tháng đầu năm ngoái. Còn nếu so với tháng 12/2009, mức so sánh được lấy để tính lạm phát, mức tăng này là 6,46%. Như vậy, dư địa để kiềm chế lạm phát ở mức 7-8% cho tới thời điểm này đã bị thu hẹp đáng kể, đòi hỏi các biện pháp kiểm soát giá cả cần tiếp tục được thực hiện.

Trên thực tế, đây cũng là điều được dự báo trước. Bởi trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4, thay vì kiềm chế lạm phát ở mức 7% như nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã nhắc tới mục tiêu “dưới 8%”. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 mới đây, khi báo cáo Chính phủ khả năng hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2010, thì lạm phát nằm trong nhóm các chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Tuy vậy, bộ này vẫn dự báo, lạm phát năm 2010 sẽ ở mức dưới 8%.

Nhưng ấy là những dự báo được đưa ra sau 6 tháng CPI có tốc độ tăng rất thấp. Với CPI tháng 9 tăng cao, trong khi khả năng CPI vẫn tiếp tục đứng ở mức cao trong những tháng cuối năm, nhiều chuyên gia kinh tế đã nhắc tới khả năng rất bấp bênh của việc hoàn thành mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 7 - 8% trong năm nay.

Theo lý giải của ông Lê Đình Ân, các yếu tố tiềm ẩn gây tác động đến CPI vẫn còn, như Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; giải ngân vốn xây dựng cơ bản đẩy nhanh trong những tháng cuối năm; giá vàng vẫn dự báo sẽ tiếp tục tăng; còn tỷ giá USD/VND vẫn khá căng thẳng… Đó là chưa kể, thông thường, cuối năm, do nhu cầu đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng, CPI bao giờ cũng có xu hướng tăng cao.

Tuy bấp bênh với khả năng kiềm chế lạm phát ở mức 7 - 8%, song các chuyên gia đều nhất trí rằng, lạm phát sẽ ở mức một con số. “Nhưng tất nhiên là phải với điều kiện không có thêm biện pháp nào góp phần đổ dầu vào lửa”, ông Ánh nhấn mạnh.

Tố Vương

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load