Di tích lịch sử văn hóa - di tích cách mạng là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, gắn liền với nền văn hóa chung của nhân loại. Việc giữ gìn, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản văn hóa là trách nhiệm của cộng đồng nhằm góp phần tôn vinh khí phách, bản lĩnh và tài sản tinh thần vô giá của dân tộc, qua đó củng cố nội lực, nâng cao sức mạnh thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bất cập trong việc quản lý di sản
Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh là một thành phố trẻ, hình thành mới hơn 300 năm từng được mệnh danh là hòn ngọc Viễn Đông với bao danh lam, thắng tích mang đậm dấu ấn lịch sử của truyền thống 4.000 năm dựng nước và giữ nước. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 146 danh lam thắng cảnh và các di tích cách mạng sống mãi cùng năm tháng như Địa đạo Củ Chi, Ngã Ba Giòng, Láng Le - Bàu Cò, Địa đạo Phú Thọ Hòa, Rừng Sác Cần Giờ v.v… cùng rất nhiều di tích về kiến trúc nghệ thuật, văn hóa… đã tạo nên bức tranh đa màu đa sắc của vùng đất phương Nam chân thực và giàu tình cảm. Tuy nhiên, trải dài theo thời gian trong môi trường nắng gió và sự tác động của hoạt động đô thị hóa, của việc sửa chữa không đúng quy cách về bảo tồn…, mà nhiều di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, hoặc đang bị biến dạng dần.
Giới thiệu Địa đạo Củ Chi với du khách nước ngoài.
Ông Lê Tôn Thanh, Phó Giám đốc thường trực Sở Văn hóa Thể thao và du lịch TPHCM cho biết hiện nay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hầu hết các khu di tích cấu thành từ những vật liệu không vĩnh cửu, dễ bị tổn hại theo thời gian và sự tác động từ môi trường thiên nhiên cũng như từ sự ít chăm lo giữ gìn, bảo vệ của cộng đồng cư dân nơi có di tích tọa lạc, nên đã và đang bị xuống cấp trầm trọng. Nguồn kinh phí để trùng tu còn hạn chế và đôi khi chậm được giải quyết gây khó khăn trong việc trùng tu, tôn tạo di tích. Trong một số trường hợp, do thợ thi công non tay nghề đã làm sai lệch tính nguyên gốc, nguyên bản của di tích, hoặc có khi do những người chủ trì dự án trùng tu áp đặt những yếu tố mới vào di tích cũng gây nhiều bất cập trong việc tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Việc xâm phạm những khu di tích để làm nhà ở hoặc nơi kinh doanh từ nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa như khu di tích chùa Gò hiện vẫn còn 132 hộ cư ngụ tại đây. Vì vậy, làm thế nào để phát huy hiệu quả cao nhất của di tích là giải pháp cần được bàn tới theo một lộ trình hợp lý, với sự phối hợp chặt chẽ, đồng thuận và tâm huyết giữa các cơ quan chức năng.
Khách tham quan di tích Rừng Sác - Cần Giờ
Để các di tích mang lại lợi ích cụ thể
Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích luôn đặt ra trong hoạt động quản lý nhằm đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội nên cần khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động bảo tồn di tích, phục hồi các giá trị văn hoá truyền thống, đồng thời đưa công tác quản lý di tích gắn liền với hoạt động phát triển du lịch. Đặc biệt, do nguồn kinh phí hàng năm từ ngân sách nhà nước chưa đầy đủ và kịp thời, nên việc huy động nguồn lực từ việc xã hội hóa hoạt động di tích là yêu cầu cần thiết và cấp bách. Ngoài ra cũng cần mở rộng mối quan hệ quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ và khai thác di sản văn hóa vật thể (kể cả phi vật thể) để tranh thủ sự trợ giúp của các bảo tàng, các di tích ở nước ngoài cũng như sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
Cụm tượng đài khu di tích Ngã Ba Giòng
Để ngày càng có đông đảo quần chúng nhân dân biết đến giá trị cao quý và chung tay tôn tạo di tích thì bên cạnh việc nâng cấp, cần mở những đợt tuyên truyền sâu rộng thông qua các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình nhằm đưa hoạt động tham quan, tìm hiểu di tích góp phần quan trọng vào công tác giáo dục truyền thống.
Theo SGGP
Theo