(Xây dựng) – Khu phố cổ Hà Nội là một quần thể kiến trúc độc đáo, là tổng thể hòa quyện giữa kiến trúc nhà ở, miếu mạo đình đền, phố nghề. Đình Kim Ngân nằm trong tổng thể di tích ấy và là nơi thu hút rất nhiều du khách đến tham quan. Việc bảo tồn và khai thác không gian tâm linh của Đình vẫn còn gặp nhiều thách thức.
Đình Kim Ngân vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc cổ độc đáo và thu hút nhiều lượt du khách đến tham quan.
Nằm nép mình êm đềm trên con phố cổ Hàng Bạc, Đình Kim Ngân mang một chức năng đặc biệt gắn liền với làng nghề của người dân trên con phố này.Là công trình kiến trúc tín ngưỡng cổ được xây dựng từ thời Hậu Lê, Đình Kim Ngân có quy mô khá lớn so với các công trình khác nằm trong khu Phố cổ Hà Nội (575m2). Ban đầu, nơi đây được xem là nơi trao đổi buôn bán bạc nén, dần trở thành nơi hội họp truyền dạy nghề của các thợ trong phố.
Đi qua cổng chính, không gian bên trong của Đình Kim Ngân vô cùng bình yên.
Công trình mang một kiến trúc cổ với nhiều họa tiết chạm khắc rất đẹp, độc đáogồm: nghi môn, sân, tiền tế hậu cung kiến trúc theo kiểu chữ “công”, đại đình 3 gian, hậu cung 3 gian được nâng lên trên cao và là hậu cung kép, có sàn thờ và hệ thống vách ngăn riêng biệt, nối giữa hậu cung và tiền tế là ống muống theo kiểu kiến trúc 2 tầng mái, mái trên liên kết với tiền tế, mái dưới tạo không gian hở của hai bên.
Đình Kim Ngân được xây theo kiến trúc truyền thống kiểu chữ “Công”. Đại đình rộng 3 gian, hậu cung 3 gian được giật cấp nâng cao và là hậu cung kép, có sàn thờ và hệ thống vách ngăn riêng biệt.
Đình Kim Ngân do người dân Châu Khê sinh sống tại phố Hàng Bạc khởi dựng để thờ ông Tổ Bách Nghệ - ông Tổ sinh ra toàn nghề chứ không phải thờ người đã mang nghề nghiệp đến cho dân làng Châu Khê.
Nghề vàng bạc của dân làng Châu Khê do cụ Lưu Xuân Tín làm Thượng thư triều Lê Thánh Tông được nhà vua cho phép mở lò đúc bạc nén cho triều đình, ông mang người làng ra Thăng Long mở phường đúc bạc. Thông qua kiến trúc của ngôi đình, khách tham quan có thể hiểu về một làng nghề truyền thống có từ lâu đời của người dân trên phố Hàng Bạc.
Trước năm 2009, Đình từng bị xuống cấp và thu hẹp bởi sự lộn xộn của khu phố, nhưng đến năm 2004, Đình đã được thành phố tái tạo và tu bổ. Nhiều năm qua,TP Hà Nội đã luôn quan tâm tu sửa và xác định việc bảo tồn, tôn tạo và phát triển theo hướng Thương mại-Du lịch-Dịch vụ. Năm 2012, Đình Kim Ngân đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia của Việt Nam.
Những năm gần đây, khu phố cổ đã trở thành một không gian di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo với nhiều hoạt động tín ngưỡng, tâm linh, lễ hội, ẩm thực sôi động thu hút khách du lịch đến tham quan. Đền Kim Ngân đã trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa chung của người dân Thủ đô với các loại hình nghệ thuật như hát ca trù vào các tối thứ 4, 6 và Chủ nhật hàng tuần, là nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật cũng như đồ thủ công mỹ nghệ của phố nghề.
Ngôi đình vẫn lưu giữ bia đá, đồ thờ tự, tượng pháp.
Trong bối cảnh biến đổi của đời sống xã hội thì việc chuyển biến thích ứng theo sự phát triển Thủ đô của khu phố cổ cũng là một thách thức lớn. Hiện nay việc xây dựng quy hoạch các tuyến phố chưa được đồng bộ về mặt kiến trúc, vật liệu xây dựng chưa đồng nhất, biển quảng cáo, biển số nhà, các nhà cao tầng xâm lấn cảnh quan xung quanh Đình… Đó chính là những hạn chế để phát triển, bảo tồn và khai thác không gian tâm linh Đình Kim Ngân.
Những ngôi nhà cao tầng bên cạnh khiến cho đình Kim Ngân trở nên nhỏ bé.
Ngoài ra, việc khai thác không gian tâm linh phục vụ du lịch của Đình Kim Ngân chưa thực sự phong phúbởi các hoạt động như hát ca trù chỉ diễn ra vào buổi tối của 3 ngày trong tuần. Ban ngày Đình Kim Ngân chưa có nhiều các hoạt động nghệ thuật đặc sắc như hoạt động trình diễn nghề, cần trưng bày nhiều hơn nữa các sản phẩm đặc sắc để giới thiệu sản phẩm của phố nghề đến với khách tham quan. Các chương trình nghệ thuật ả đào, ca trù cũng có thể được biểu diễn đan xen vào ban ngày, tạo nên sức hút hơn nữa với du khách.
Hạ Ly
Theo