(Xây dựng) - Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá các dân tộc trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả rất đáng ghi nhận. Đặc biệt, di sản văn hoá ở Quảng Ninh đã trở thành động lực, thành tài nguyên để khai thác phục vụ du lịch.
Thi đấu đẩy gậy nữ tại Lễ hội văn hoá dân tộc Dao huyện Tiên Yên. Ảnh: Phạm Học
Tính đến tháng 6-2017, trên địa bàn tỉnh có 609 di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh, trong đó có 4 khu di tích quốc gia đặc biệt, 54 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 79 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 472 di tích kiểm kê, phân loại, trong đó không ít di tích nằm ở các huyện miền núi, biên giới và có nhiều đồng bào dân tộc. Quảng Ninh cũng là một điểm sáng trong công tác trùng tu, tu bổ di tích, nhất là việc huy động nguồn vốn xã hội hoá; không chỉ với di tích còn với cả phế tích. Tiêu biểu nhất phục hồi đình và lễ hội đình Lục Nà của đồng bào Tày (xã Lục Hồn, Bình Liêu), đình Đồng Đình (xã Phong Dụ, Tiên Yên)...
Di sản văn hoá phi vật thể các dân tộc Quảng Ninh cũng được Sở VH-TT và các địa phương phối hợp với Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng như: “Hát Soóng cọ” của người Sán Chỉ, “Hát Then - đàn Tính” của người Tày ở Bình Liêu, “Hát dân ca” và “Lễ cấp sắc” của người Dao ở Hoành Bồ , “Lễ Đại Phan” của người Sán Dìu, “Lễ hội cầu mùa” của người Sán Chỉ, “Lễ hội đình Làng Dạ” huyện Ba Chẽ, “Lễ hội đình Tràng Y” huyện Đầm Hà v.v.. Theo thống kê của Sở VH-TT, đến hết tháng 6-2017, tỉnh Quảng Ninh có 363 di sản văn hoá phi vật thể, trong đó có 76 lễ hội dân gian truyền thống, 4 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, trong đó có hát Then - nghi lễ của người Tày huyện Bình Liêu. Có những lễ hội truyền thống đã được phục dựng như: Lễ hội Lồng tồng ở Thanh Lâm (Ba Chẽ), lại có lễ hội hiện đại ở các huyện có nhiều đồng bào dân tộc đã được tổ chức như: Lễ hội Hoa sở (Bình Liêu), lễ hội Trà hoa vàng (Ba Chẽ), lễ hội văn hoá các dân tộc vùng Đông Bắc (tại Tiên Yên) v.v..
Cùng chung tay với Sở VH-TT, những năm qua, Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh đã vào cuộc tích cực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc. Các hội viên đã sưu tầm, khảo cứu và xuất bản công trình “Một số vấn đề về người Dao Quảng Ninh”, “Phong tục và nghi lễ vòng đời của người Sán Dìu Quảng Ninh”. Hội cũng xin lập Đề án bảo quản, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá Đài Liệt sĩ Pò Hèn gắn với sưu tầm, bảo tồn văn hoá người Dao xã Hải Sơn (TP Móng Cái), phục vụ cho xây dựng nông thôn mới, xoá đói, giảm nghèo, phát triển du lịch và văn hoá tâm linh ở địa phương; sưu tầm, nghiên cứu văn hoá người Hoa ở Quảng Ninh (tập trung vào các địa phương như: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên và Vân Đồn) để làm rõ quá trình hình thành, phát triển và tồn tại của Văn hoá người Hoa ở Quảng Ninh là một bộ phận của văn hoá các dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, Hội đang đề xuất và phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để lập Dự án sưu tầm, bảo tồn trò chơi dân gian các dân tộc Quảng Ninh, đưa các loại hình di sản văn hoá dân gian ở địa phương vào trường học; mở các lớp học ngoại khoá cho học sinh, sinh viên về hát then cổ, sử dụng nhạc cụ dân tộc ở Quảng Ninh; sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn hát giao duyên, hát đối của người Dao, người Tày, người Sán Chỉ, Sán Dìu...
Then nghi lễ của người Tày Quảng Ninh đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Cùng với Sở VH-TT, Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh, một trong những địa phương thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá các dân tộc là Tiên Yên. Huyện đã thực hiện nhiều đợt sưu tầm hiện vật, cổ vật, sưu tầm dân ca, dân vũ của các dân tộc thiểu số, thành lập các câu lạc bộ văn nghệ dân gian, đưa dân ca, dân vũ của các dân tộc vào trường học; hỗ trợ về nhạc cụ, trang phục biểu diễn, đồng thời mời nghệ nhân mở lớp bồi dưỡng để nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB, các đội văn nghệ; vận động bà con giữ gìn phong tục tập quán tốt đẹp, trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số, như: Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu v.v..
Bảo tồn các giá trị văn hoá phải gắn với phát triển, phát huy giá trị trong đời sống hiện đại, nhất là đối với di sản văn hoá phi vật thể. Quảng Ninh với 22 dân tộc, với gần 200 loại hình văn hoá đặc sắc, là tài nguyên nhân văn có thể khai thác để phục vụ du lịch. Hơn nữa, những tài nguyên này lại nằm sâu trong dân, đa phần ở nông thôn, miền núi dân tộc nên còn khá nguyên vẹn trước “cơn lốc” đô thị hoá. Ở Quảng Ninh, những loại hình dân ca có thể khai thác như: Hát sli, hát lượn, hát then của người Tày; hát gọi bạn, hát đối giao duyên, hát ru, hát cấp sắc của người Dao, hát Soóng cọ của người Sán Chỉ, hát Soọng cô của người Sán Dìu, hát San cưa của người Hoa, hát nhà tơ, hát đúm và hát chèo của người Kinh v.v.. Về dân vũ, cũng có các điệu múa đẹp như: Nhảy rồng, nhảy gà, nhảy bằn cổ của người Dao, nhảy Tắc sềnh của người Sán Chỉ, nhảy pát tang dọn đường, nhảy mời sỉnh lảu Then của người Tày; nhảy than, nhảy kiếm của người Sán Dìu; múa kéo chài, múa chèo thuyền trên biển của người Kinh. Trong những năm qua, 2 đoàn nghệ thuật truyền thống của tỉnh (Đoàn Chèo và Đoàn Cải lương) đã khai thác một số loại hình dân ca, dân vũ để biểu diễn phục vụ khách du lịch. Sau đó, Sở VH-TT đã thực hiện đề án “Xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc trở thành sản phẩm du lịch” và đã đạt được kết quả bước đầu.
Như vậy, biến di sản văn hoá thành nguồn động lực vững chắc, tiềm năng phát triển kinh tế là cách bảo tồn và phát huy tốt nhất. Tuy nhiên, để làm tốt hơn điều này, theo ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh, cần có sự sưu tầm và nghiên cứu một cách có hệ thống hơn. Hiện nay di sản văn hoá các dân tộc Quảng Ninh đã được nghiên cứu, một số đã được xuất bản nhưng còn phân tán trong các công trình riêng lẻ. Việc này cần sự chung tay vào cuộc của ngành văn hoá, các hội văn nghệ dân gian, lực lượng biên phòng, Ban Xây dựng Nông thôn mới, các địa phương và toàn xã hội.
PV
Theo