(Xây dựng) - Bảo tồn những công trình kiến trúc cổ là duy trì giá trị lịch sử, văn hóa – nền móng cho sự phát triển của một thành phố. Một trong những khó khăn và thách thức trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị những di sản văn hóa này nằm ở việc nâng cao ý thức và trách nhiệm của cộng đồng dân cư.
“Di sản kiến trúc là một loại di sản văn hóa. Các công trình kiến trúc được coi là di sản kiến trúc khi nó mang những giá trị tiêu biểu đặc trưng về các khía cạnh lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đối với dân cư địa phương, quốc gia, hoặc cộng đồng quốc tế.” - theo Wikipedia. Kiến trúc cổ của một thành phố là di sản văn hóa, là nguồn tư liệu quý báu mà qua đó ta đọc được những biến cố, thăng trầm trong lịch sử cùng những nét văn hóa được biểu hiện, đúc kết và cô đọng.
Một biệt thự Pháp cổ xuống cấp, ngả màu theo thời gian (ảnh internet)
Trong lịch sử dân tộc, thời kỳ Pháp đô hộ là giai đoạn đánh dấu nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử Việt Nam. Thời Pháp thuộc qua đi để lại nhiều công trình kiến trúc, đã trở thành những di sản văn hóa tại Hà Nội.
Ngoài nhiều công trình biểu tượng như Nhà hát lớn, Nhà thờ lớn,… thì những khu phố Pháp tại Hà Nội chính là nơi chứa đựng dấu ấn lịch sử và lưu giữ những hồi ức không thể lãng quên trong lịch sử của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Dù đó có là những ký ức đau thương, nhưng những ngôi biệt thự cổ với nước sơn phủ vàng và khung cửa sổ xanh vẫn là minh chứng rõ rệt nhất cho sự tồn tại của một quá khứ oanh liệt, hào hùng.
Khu phố Tây thời thuộc Pháp là dấu ấn quan trọng đóng góp cho diện mạo thủ đô Hà Nội, không chỉ bởi phong cách kiến trúc mà còn bởi những giá trị văn hóa, lịch sử mà nó lưu giữ. Bảo tồn, tôn tạo và duy tu những ngôi biệt thự thời Pháp chính là bảo tồn chứng nhân lịch sử. Với mỗi người dân, việc gìn giữ và bảo tồn những di sản văn hóa này, ngoài sự tôn trọng đối với ý nghĩa và giá trị văn hóa của những kiến trúc ấy, cũng là cách thể hiện lòng trân trọng đối với quá khứ.
Hiện nay, vì một vài lý do mà nhiều công trình biệt thự Pháp cổ xây dựng trước năm 1954 đã bị biến dạng về kết cấu, xuống cấp trầm trọng và có nguy cơ sập đổ, một số còn nguyên trạng nhưng bị phá dỡ và xây mới. Trong công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản văn hóa, vai trò và trách nhiệm của cộng đồng địa phương chiếm một phần lớn lao.
Vì vậy, điều quan trọng trong chiến lược bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa nằm ở việc tuyên truyền rộng rãi, nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức sâu sắc của cộng đồng về giá trị to lớn và bề dày lịch sử của những công trình kiến trúc biệt thự thời Pháp thuộc. Việc có những nhận thức đúng đắn về bảo tồn văn hóa sẽ giúp giảm thiểu phần nào những hành động xâm hại đến di sản văn hóa như cơi nới hay phá dỡ biệt thự cổ. Có được sự hợp tác của cộng đồng, những di sản kiến trúc mới có thể được bảo tồn lâu dài.
Anh Thư
Theo