Thứ tư 24/04/2024 21:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế

16:24 | 29/10/2020

(Xây dựng) – Mới đây, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên – Môi trường) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã công bố dự án mới mang tên “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam”.

bao ton da dang sinh hoc gan voi phat trien kinh te
Quang cảnh Hội thảo.

Dự án này sẽ được triển khai trong thời gian 5 năm tại Hà Nội và 3 Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Cù Lao Chàm – Hội An và Tây Nghệ An nhằm thúc đẩy hoạt động quản lý tài nguyên thiên nhiên tích hợp các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học trong quy hoạch của tỉnh và quản lý các khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam.

Việt Nam được xếp thứ 16 trong số các nước có đa dạng sinh học cao nhất thế giới và là một trong mười trung tâm giàu đa dạng sinh học nhất của hành tinh. Với nỗ lực duy trì nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú này và giúp đảo ngược xu hướng suy thoái do mất đa dạng sinh học, trong vài thập kỷ qua, Chính phủ Việt Nam đã thiết lập một mạng lưới các khu bảo tồn trên phạm vi toàn quốc, cho đến nay đã có 164 khu bảo tồn trên cạn, các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, và năm khu bảo tồn biển.

Các Khu dự trữ sinh quyển hứa hẹn sẽ mở rộng cách tiếp cận hiện có đối với việc quản lý Khu bảo tồn để bảo tồn đa dạng sinh học và chia sẻ lợi ích bằng cách tính đến bối cảnh kinh tế xã hội rộng lớn hơn mà các Khu bảo tồn nằm trong đó. Trong khuôn khổ Chương trình Con người và Sinh quyển, UNESCO hỗ trợ thiết lập các Khu dự trữ sinh quyển trên phạm vi toàn cầu.

Tại Việt Nam, sau khi Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên được công nhận là Rừng ngập mặn Cần Giờ vào năm 2000, danh hiệu mới nhất là Khu dự trữ sinh quyển Langbiang ở tỉnh Lâm Đồng vào năm 2015. Hiện mạng lưới 9 Khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam có diện tích hơn 4,1 triệu ha đất và nước, chiếm khoảng 12,1% diện tích cả nước, là nơi sinh sống của hơn 2,3 triệu người.

Bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhận định, hầu hết các khu bảo tồn, dự trữ sinh quyển nằm ở các khu vực có tỷ lệ nghèo đói cao. Do vậy, việc đạt được mục tiêu vừa bảo tồn vừa phát triển kinh tế gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, các rào cản khác gồm: Thiếu khuôn khổ chung để thực hiện các giải pháp tích hợp trong phát triển bền vững; việc tổ chức và điều phối sự tham gia của các bên liên quan tại các Khu dự trữ sinh quyển còn chưa hiệu quả; năng lực về lập kế hoạch, quy hoạch trên cơ sở tiếp cận cảnh quan chưa hiệu quả.

Dự án khởi động trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang có kế hoạch sửa đổi một số Luật và chính sách lớn liên quan như Luật Đa dạng sinh học; Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học giai đoạn sau năm 2020 và việc thực hiện Luật Quy hoạch mới ở cấp tỉnh. Điều này mang lại những tiềm năng cho việc lồng ghép, hợp pháp hóa và thể chế hóa nhằm giải quyết những thách thức phát triển khu dự trữ sinh quyển trong thời gian tới.

Thanh Thủy

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load