Thứ năm 18/04/2024 17:12 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bảo tàng Hà Nội về Bộ VHTTDL: Liệu có đông khách hơn?

21:28 | 21/05/2020

Được đầu tư xây dựng lên tới hàng nghìn tỷ đồng nhưng đến thời điểm hiện tại, Bảo tàng Hà Nội gần như không hoạt động và trở thành “ngôi nhà hoang đồ sộ” lớn nhất Thủ đô. Những ngày qua, thông tin Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có công văn trả lời chất vấn của bà Dương Minh Ánh, đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội về việc quản lý, sử dụng công trình Bảo tàng Hà Nội và lý do điều chuyển đơn vị này về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang thu hút sự quan tâm dư luận...

bao tang ha noi ve bo vhttdl lieu co dong khach hon
Bảo tàng Hà Nội (Mễ Trì, Nam Từ Liêm). Ảnh: HẢI NGUYỄN

“Rỗng ruột”

Bảo tàng Hà Nội được đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng, khánh thành tháng 10.2010 nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Đây là công trình văn hóa nổi bật của thành phố với kiến trúc độc đáo, hiện đại, nằm gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Tuy nhiên, 10 năm qua, bảo tàng rất ít hoạt động và gần như chưa mang lại lợi ích tương ứng với số tiền bỏ ra xây dựng.

bao tang ha noi ve bo vhttdl lieu co dong khach hon
Bảo tàng Hà Nội (Mễ Trì, Nam Từ Liêm). Ảnh: HẢI NGUYỄN

Vào ngày thường, bảo tàng gần như không có khách ham quan. Khách vắng dẫn đến công việc của những người làm công tác bảo vệ ở đây cũng vô cùng nhàn nhã. Cũng vì thưa thớt khách tham quan nên bảo tàng đã dành một phần phòng trưng bày tại tầng 1 làm quán càphê. Bên cạnh đó, nhiều mô hình hay khu vực trưng bày của các đơn vị sưu tầm, triển lãm tư nhân cũng gần như bị bỏ không ở khu vực bên ngoài bảo tàng. Hay ở phía khu vực mô hình tượng trưng cho các làng nghề thủ công của Hà Nội cũng không được sử dụng.

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XIV có văn bản chất vấn Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, sử dụng công trình Bảo tàng Hà Nội và lý do điều chuyển Bảo tàng Hà Nội về Bộ VHTTDL.

Trả lời chất vấn trên, Thủ tướng Chính phủ cho biết, tại Điều 47 Luật Di sản Văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29.6.2002 quy định cụ thể về phân loại hệ thống bảo tàng công lập ở Việt Nam, trong đó có bảo tàng cấp tỉnh. Văn bản nêu rõ, Bảo tàng Hà Nội khánh thành từ năm 2010 nhưng phải bổ sung, điều chỉnh lớn, gần như cấu trúc lại hoàn toàn nội dung trưng bày, do việc mở rộng phạm vi hành chính của Thủ đô nên đến nay vẫn chưa hoàn thành trưng bày nội thất để có thể chính thức mở cửa đón khách tham quan. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ VHTTDL, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa (trong đó có hệ thống bảo tàng) chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả công trình Bảo tàng Hà Nội.

Nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, ông Trương Minh Tiến từng trả lời báo Lao Động về vấn đề này, rằng, Bảo tàng Hà Nội được triển khai xây dựng đề án vào năm 2005, lúc đó phần trưng bày hiện vật được thiết kế phù hợp với quá trình hình thành, lịch sử phát triển của Hà Nội trước đó. Đến năm 2008, Hà Nội được mở rộng diện tích. Yêu cầu đặt ra là phần trưng bày hiện vật phải phù hợp với quy hoạch, lịch sử - văn hóa của Hà Nội đã mở rộng.

Tuy vậy, việc này mất rất nhiều thời gian do đặc thù của ngành Bảo tàng, từ xây dựng đề án, nội dung, các thiết kế trưng bày hiện vật. Việc mua hiện vật phù hợp phải qua các hội đồng khoa học, thẩm định giá.

Đầu tư chưa hợp lý

Hiện, ở ta có hiện tượng, nhiều bảo tàng tại những thành phố lớn được đầu tư xây dựng nhưng hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Tức là dạng bảo tàng chỉ có tòa nhà, còn phía bên trong không trưng bày, hoặc có trưng bày nhưng không chuyên nghiệp, không đạt chuẩn của một trưng bày.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - tình trạng này nguyên nhân là do chưa đầu tư hợp lý và đúng đắn. Nhiều người quan niệm rằng quan trọng với bảo tàng là... tòa nhà, trưng bày là việc đơn giản. Nhiều dự án được giao cho ngành Xây dựng mà không phải những người làm bảo tàng trực tiếp chuẩn bị nội dung trưng bày. Cho nên việc chỉ đầu tư xây dựng tòa nhà bảo tàng mà không đầu tư hợp lý cho nội dung và thiết kế nội thất trưng bày chính là nguyên nhân dẫn đến việc công chúng thất vọng khi đi xem bảo tàng và không muốn quay trở lại.

Bảo tàng mất hoặc không xây dựng được thương hiệu, tự đánh mất vai trò và vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa của địa phương. Việc đầu tư không đồng bộ cũng là nguyên nhân khiến cho cán bộ bảo tàng gặp khó khăn vì không biết xoay sở thế nào để tổ chức hoạt động kinh phí không đủ để mời tư vấn, còn bản thân thì thiếu kinh nghiệm vì chưa thực hiện được các trưng bày lớn bao giờ.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Huy, về việc này, trách nhiệm một phần ở địa phương nhưng một phần quan trọng là ngành Văn hóa và ngành Tài chính, khi chưa có những văn bản pháp quy đầy đủ hướng dẫn việc đầu tư xây dựng mới một bảo tàng.

PGS-TS Nguyễn Văn Huy cũng cho biết thêm, trong một vài năm gần đây, có một số bảo tàng địa phương và bảo tàng, di tích tỉnh, thành phố đã quyết tâm đổi mới và họ đã đổi mới thành công. Đơn cử như Bảo tàng Đắk Lắk là bảo tàng tỉnh đầu tiên đã quyết tâm đầu tư mời chuyên gia Pháp tư vấn cả về kiến trúc tòa nhà lẫn nội dung trưng bày; Bảo tàng Quảng Ninh, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và Di tích dinh Độc Lập ở TP.Hồ Chí Minh cũng là nơi đã thực sự đổi mới, được du khách đánh giá cao.

Theo SONG MAI/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load