(Xây dựng) - Lần đầu tiên đến thăm Bảo tàng Đồng Quê tại xã Ngọc Thịnh, huyện Ngọc Thủy, tỉnh Nam Định, chúng tôi rất ấn tượng bởi được trở về quá khứ bằng những hình ảnh xa xưa của làng quê Bắc bộ thân thương. Ở đó người xem được trải nghiệm các nghề truyền thống nơi thôn dã như nghề dệt chiếu cói, làm men rượu, chưng cất rượu theo phương pháp cổ truyền. Du khác cũng được thưởng thức cơm quê với những món ăn dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn như bánh đa, bánh đúc, bánh khúc, bánh gai, canh cua - cà muối, cá kho nồi đất; được uống nước vối, chè xanh, nhâm nhi rượu nếp quê...
Khu tái hiện gieo cấy lúa ngày xưa
Bảo tàng Đồng Quê được xây trên diện tích hơn 6.000m2, tái hiện các mô hình nhà ở của cư dân vùng đồng bằng Bắc bộ gắn với quá trình phát triển nông thôn Việt Nam xưa kia. Đó là mẫu nhà tranh vách đất lợp rạ của bần cố nông, tường trình đất những năm 30, 50 của thế kỷ trước, đồng thời cũng là nơi để các dụng cụ lao động như cày, bừa, cuốc, thuổng, có cối xay, cối giã gạo, bếp tro… Ngôi nhà thứ hai là tái hiện loại nhà trung nông, tường xây luồn gianh lợp cói, đồng thời sẽ là nơi dệt chiếu, trưng bày cảnh sinh hoạt của nông dân tầng lớp trung nông. Ngôi nhà thứ ba là loại nhà địa chủ, nhà ngói gỗ lim, trưng bày các vật dụng sinh hoạt của gia đình địa chủ. Ngôi nhà thứ tư là loại nhà gác tường vào những năm 60 của thế kỷ trước, mang đặc trưng của vùng Giao Thủy, Nam Định.
Khu trưng bày các nông cụ
Cối xay, cối giã gạo và các dụng cụ nhà nông
Riêng tòa nhà làm nơi trưng bày các hiện vật, thư viện và hội họp được xây dựng theo kiến trúc hiện đại… trưng bày các hiện vật liên quan đến truyền thống bộ đội Công binh, Hải quân… Tầng hai của tòa nhà trưng bày các hiện vật liên quan đến văn hóa đồng quê lúa nước sông Hồng, bao gồm các công cụ nhà nông khoảng 100 năm trở lại đây cùng với bộ sưu tập đồ đồng, nồi đồng, mâm đồng, đèn cổ và nhiều đồ gốm cổ, sứ cổ, tiền cổ… Tầng ba của tòa nhà là thư viện với hàng nghìn đầu sách và nhiều báo, tạp chí.
Gian trưng bày dựng cụ xay, giã nhà nông
Nhà địa chủ
Nhà trung nông
Một điều đặc biệt là trên diện tích khu vườn quanh các căn nhà cổ, được trồng hàng trăm loại cây, có nhiều loại đang có nguy cơ biến mất như cây Cậy (ngày xưa nông dân trồng lấy nhựa để làm quạt quạt lúa, quạt mát, làm diều), cây Chay, cây Sắn Thuyền, cây Dành Dành, cây Vối…
Trong khu vườn, có xây dựng một hầm chữ A tái hiện cảnh người dân quê Bắc bộ dùng làm nơi tránh bom Mỹ năm xưa. Bảo tàng hiện duy trì một số nghề truyền thống với nhà dệt chiếu, làm men rượu theo phương pháp cổ truyền và khu ẩm thực với các món ăn dân dã vùng quê. Ngoài ra, còn có hồ ao, vó bè, vó kéo tay, có mảnh ruộng lúa nước nho nhỏ, gợi nhớ một cuộc sống thanh bình nơi miền quê thôn dã.
Điều đặc biệt nữa là Bảo tàng Đồng Quê do một cô giáo quê tại xã Giao Thịnh, hiện đã nghỉ hưu, cùng chồng là bộ đội cũng đã nghỉ hưu, dày công tạo dựng.
Nằm giữa biển lúa mênh mông xanh mướt, Bảo tàng Đồng Quê như điểm nhấn trong bức tranh yên bình của tỉnh Nam Định.
Linh Khang
Theo