(Xây dựng) - Bão số 10 đổ bộ trực tiếp vào khu vực Nam Hà Tĩnh, Bắc Quảng Bình, gây gió mạnh cấp 12 giật cấp 15. Đây là cơn bão mạnh nhất từ hơn 30 năm qua với cấp độ rất cao, tốc độ di chuyển rất nhanh, biên độ càn quét rất rộng và mức độ tàn phá hết sức khủng khiếp.
Cột tháp Đài truyền hình thị xã Kỳ Anh cao 100 mét bị bão số 10 quật đổ.
Tuy thời gian “ghé thăm” Hà Tĩnh không được lâu nhưng những gì mà vị “khách không mời” này để lại hết sức “ấn tượng”, khiến nhà cửa tan hoang, người dân điêu đứng, “khổ chủ” tốn kém hơn 6.000 tỷ đồng.
Tuyến đê ở xã Thạch Châu (Thạch Hà) bị cuốn trôi hàng chục mét.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, trong quá trình khắc phục hậu quả cơn bão số 10 có 2 người chết, 80 người bị thương nhẹ. Gió lốc giật mạnh đã làm 93.251 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái.
Bão đã làm ngập và hư hỏng 332ha lúa; gần 3200ha rau màu và cây ăn quả; 1.337ha nuôi trồng thủy sản; 308 phương tiện tàu thuyền; 18.303ha cây lâm nghiệp đỗ gãy; 66.885 con gia súc gia cầm bị chết.
Bão cũng làm 21km đê điều và 27km đường giao thông bị sạt lở, 10,5km kênh mương và 315 cầu cống bị hư hỏng; 231 điểm trường với 831 phòng học và 54 cơ sở y tế bị ảnh hưởng.
Hệ thống cộ điện gãy đổ ngổn ngang khiến mất điện suốt nhiều ngày liền.
Gió bão giật mạnh cấp 15 đã xô đổ 2 cột phát sóng truyền hình, 16 cột ăng ten và 52 cột treo cáp bị đỗ. Bão đã làm 2.395 cột điện bị gãy ngã, 159km dây điện bị đứt; 26 trạm trạm biến áp và 160 nhà xưởng bị hư hỏng, 50 chợ và trung tâm thương mại bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại ước tính trên 6.000 tỷ đồng.
Để khắc phục hậu quả sau cơn bão số 10, Quân khu 4 đã điều động 320 cán bộ chiến sỹ; tỉnh Hà Tĩnh điều động gần 5.000 cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, 10.000 dân quân tự vệ tại các địa phương để giúp tu sửa trường học, cơ sở khám chữa bệnh và nhà dân bị hư hỏng nặng; thu dọn cây đỗ, cột điện đỗ gãy trên các tuyến đường đảm bảo giao thông thông suốt.
Nhiều gia đình tại phường Kỳ Phương thị xã Kỳ Anh bị hư hỏng hoàn toàn.
Đến thời điểm hiện tại, có khoảng 55-60% số nhà dân bị tốc mái đã được khắc khắc phục bước đầu, phấn đấu đến ngày 23/9 sẽ khắc phục xong 100% nhà dân đảm bảo ổn định trở lại sinh hoạt bình thường.
Tất cả các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và 250 trường học mầm non đã dạy học bình thường. Chỉ còn 29 trường mầm non với 11.106 học sinh chưa trở lại học được. Phấn đấu đến ngày 22/9 bảo đảm 100% học sinh được trở lại trường.
Hệ thống điện thắp sáng, viễn thông đã tiến hành khôi phục được trên 80%, phấn đấu đến ngày 22/9 sẽ khắc phục xong.
Để kịp thời hỗ trợ khắc phục hậu quả thiệt hại, tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ 3.000 tấn gạo cứu đói, 40 tỷ đồng sửa tháp truyền hình và viễn thông.
Trích từ nguồn dự trữ Quốc gia hoặc hỗ trợ kinh phí để mua 1.000 tấn giống lúa; 150 tấn giống ngô; 37 tấn giống hạt rau các loại. Hỗ trợ kinh phí mua 20 cơ số thuốc khử khuẩn, 3.000 KgCloraminB, 500 LítPecmethrinUK, 20.000 viên CloraminB và 50.000 liều vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng; 70.000 lít hóa chất Haniodin; 20.000kg hóa chất Chlorineo.
Hỗ trợ kinh phí để khắc phục cơ sở hạ tầng, như: Nhà ở, trường học, cơ sở khám chữa bệnh, hệ thống đê điều, thủy lợi, điện lực, hệ thống thông tin liên lạc, các doanh nghiệp có thiệt hại lớn.
Tính đến chiều 19/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cũng đã tiếp nhận cứu trợ của 9 tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước, với số tiền 11,9 tỷ đồng cùng nhiều hàng hóa thiết yếu khác.
Với truyền thống tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, nhân dân Hà Tĩnh luôn đoàn kết, gắn bó, đồng cam cộng khổ để vượt qua mọi khó khăn, hoạn nạn.
Trần Hoàn - Phi Long
Theo