(Xây dựng) - Là một trong những trung tâm kinh tế, công nghiệp, văn hóa, dịch vụ và du lịch quan trọng trong vùng, nhưng TP Bảo Lộc lại có diện tích đất tự nhiên thấp nhất so với các địa bàn của tỉnh Lâm Đồng. Vì vậy, Bảo Lộc đang đẩy mạnh hiện thực hóa Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung theo hướng mở rộng không gian đô thị ra các đơn vị hành chính lân cận, tăng cường kết nối với các đô thị trong khu vực nhằm tăng cường các tiềm lực về tự nhiên và con người để TP phát triển ngày càng vững mạnh hơn, hướng đến là đô thị tỉnh lỵ Lâm Đồng trong tương lai.
Năm 2008 UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Bảo Lộc đến năm 2025, với quy mô 23.507,9ha và 260 nghìn dân. Năm 2009 đô thị Bảo Lộc được công nhận là đô thị loại III thuộc tỉnh, với dân số gần 150 nghìn người và đến năm 2010 Bảo Lộc đã được công nhận là TP trực thuộc tỉnh. Đây là một cột mốc quan trọng tạo tiền đề để Bảo Lộc thực hiện những bước đột phá trong quy hoạch, nhằm đưa đô thị Bảo Lộc lên một vị trí mới, xứng tầm với những tiềm năng, thế mạnh của TP. Tháng 9/2016 UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép lập điều chỉnh quy hoạch TP Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, Bảo Lộc được xác định là TP tỉnh lỵ tương lai của tỉnh Lâm Đồng sau khi TP Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành TP trực thuộc Trung ương.
Có thể nói, hiện nay, Bảo Lộc đang đứng trước nhiều cơ hội và thử thách, trong đó, việc xây dựng hạ tầng giao thông kết nối tốt Bảo Lộc với các đô thị lớn của khu vực Nam Tây Nguyên, vùng Đông Nam bộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Vì Bảo Lộc có một vị trí khá đặc biệt, là một đô thị trung tâm lớn về phía Tây Nam cùa tỉnh Lâm Đồng, ở độ cao 800m thuộc cao nguyên Di Linh, cách Đà Lạt 110km, cách TP.HCM 190km, cách Biên Hòa 150km, cách Vũng Tàu 200km và cách tỉnh Bình Thuận 120km. Do đó, tương lai phát triển của Bảo Lộc chịu ảnh hưởng rất nhiều từ khả năng xây dựng kết nối tốt về mặt hoạt động đa ngành, cũng như về giao thông giữa Bảo Lộc với các khu đô thị này.
Theo TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn - Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Bảo Lộc cần vận động để thực hiện sớm hệ thống đường cao tốc nối liền TP.HCM đi Đà Lạt và đi ngang Bảo Lộc không những giúp rút ngắn thời gian đi đến Bảo Lộc từ hai đầu (Đà Lạt và TP.HCM), mà còn từ cả nước và quốc tế, thông qua sân bay quốc tế Long Thành và sân bay Liên Khương, cũng như các hệ thống đường sắt và đường thủy khác. Bảo Lộc cần nâng cấp các quốc lộ 20, 55, 27, 28, và các tỉnh lộ như 33 thành các tuyến giao thông huyết mạch kết nối vùng, song song với việc xây dựng kết nối vào sâu trong khu đô thị theo hình thức xương cá, giúp phát triển các khu đô thị mà không gây tắc nghẽn giao thông trong tương lai.
Đánh giá tầm quan trọng của việc quy hoạch, xây dựng hệ thống giao thông đối với việc phát triển và mở rộng đô thị Bảo Lộc, hiện nay tỉnh Lâm Đồng cũng đang đẩy mạnh triển khai Chương trình đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng đô thị cho TP Bảo Lộc, chuẩn bị triển khai tuyến đường vành đai phía Nam (tuyến đường tránh QL20, đoạn qua TP Bảo Lộc), đường chuyên dụng phía Tây và nâng cao chất lượng các tuyến giao thông đối ngoại.
Theo quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050, Lâm Đồng được tập trung xây dựng thành vùng kinh tế động lực của vùng Nam Tây Nguyên, đầu mối giao thương quốc tế và quốc gia của 3 vùng (Vùng Tây Nguyên, vùng TP.HCM và vùng duyên hải Nam Trung bộ). Vì thế việc chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông kết nối hiệu quả TP Bảo Lộc vào các khu đô thị, các TP lớn trong khu vực là việc làm cần thiết và quan trọng hàng đầu hiện nay.
Nhật Quang
Theo