(Xây dựng) - Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ.
Ảnh minh họa |
Theo dự thảo, bảo lãnh chính phủ là bảo lãnh có tính pháp lý cao nhất tại Việt Nam. Cam kết bảo lãnh chính phủ được thực hiện dưới hình thức thư bảo lãnh, hợp đồng bảo lãnh hoặc văn bản bảo lãnh (gọi chung là “Thư bảo lãnh”). Chính phủ chỉ cấp bảo lãnh, không cấp tái bảo lãnh.
Về hạn mức bảo lãnh của Chính phủ, dự thảo nêu rõ, hạn mức bảo lãnh chính phủ gồm hạn mức bảo lãnh đối với các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu trong và ngoài nước. Hạn mức bảo lãnh vay nước ngoài, phát hành trái phiếu quốc tế nằm trong hạn mức vay thương mại nước ngoài và bảo lãnh vay nước ngoài của chính phủ, được Bộ Tài chính xây dựng trên cơ sở đăng ký kế hoạch cấp bảo lãnh của các doanh nghiệp và các văn bản phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh của Chính phủ theo nguyên tắc đảm bảo an toàn nợ công, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm theo quy định của Luật Quản lý nợ công.
Bộ Tài chính thực hiện cấp bảo lãnh chính phủ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với từng khoản vay hoặc từng đợt phát hành trái phiếu trong hạn mức bảo lãnh chính phủ được duyệt hàng năm.
Trường hợp hạn mức bảo lãnh chính phủ được phê duyệt trong năm đã hết nhưng vẫn có đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ cho các trường hợp dự án, công trình cấp bách và có tầm quan trọng đặc biệt cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã được Quốc hội, Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư phải vay vốn được Chính phủ bảo lãnh trong năm kế hoạch, Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh hạn mức bảo lãnh chính phủ của năm đó nhưng phải đảm bảo yêu cầu về an toàn nợ quốc gia.
Mức bảo lãnh tối đa 50 - 70% tổng mức đầu tư
Theo dự thảo, mức bảo lãnh chính phủ không vượt quá 70% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án, trong đó đã bao gồm tất cả các chi phí vay có liên quan.
Mức bảo lãnh chính phủ được áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể như sau: Đối với dự án thuộc danh sách phải triển khai cấp bách hoặc dự án được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, mức bảo lãnh tối đa 70% tổng mức đầu tư theo Quyết định đầu tư.
Đối với dự án trọng điểm, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, mức bảo lãnh tối đa 60% tổng mức đầu tư theo Quyết định đầu tư.
Đối với các dự án thông thường, mức bảo lãnh tối đa 50% tổng mức đầu tư theo Quyết định đầu tư.
Về phí bảo lãnh chính phủ, dự thảo nêu rõ, phí bảo lãnh chính phủ được Bộ Tài chính xác định trên cơ sở kết quả thẩm định phương án tài chính của chương trình, dự án, và tình hình tài chính của doanh nghiệp tùy theo mức độ rủi ro nhưng tối đa không vượt quá 1,5%/năm trên số dư nợ được bảo lãnh.
Mức phí bảo lãnh chính phủ được tính trên cơ sở: Là tổng của hai mức phí tính theo hệ số trả nợ bình quân 5 năm đầu của dự án và theo hệ số năng lực tài chính của doanh nghiệp đề nghị cấp bảo lãnh đối với các dự án đầu tư; hệ số an toàn vốn tối thiểu của các tổ chức tài chính, tín dụng đối với các khoản vay, khoản phát hành của tổ chức tài chính, tín dụng.
Không thu phí bảo lãnh chính phủ đối với các khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của các ngân hàng chính sách.
Chính phủ quyết định việc không thu phí bảo lãnh chính phủ đối với khoản vay hoặc khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để thực hiện chương trình, dự án đặc thù được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Lan Phương/Chinhphu.vn
Theo