(Xây dựng) – Đã có pháp luật về bảo hiểm xây dựng như: Luật Xây dựng, Nghị định 37, Nghị định 119, nhưng vẫn còn một số bất cập, tồn tại cần điều chỉnh để việc thực hành về bảo hiểm sớm trở thành thông lệ.
Cần thúc đẩy hiểu biết của các chủ thể về vấn đề bảo hiểm và các thông lệ thực hành.
5 loại hình bảo hiểm xây dựng
Các loại bảo hiểm quy định trong pháp luật xây dựng Việt Nam gồm 5 loại: Bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn, bảo hiểm đối với vật tư, vật liệu, phương tiện, thiết bị thi công, người lao động, bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba và bảo hiểm bảo hành.
Ngoài Nghị định 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015, quy định chi tiết về các khoản bảo hiểm bắt buộc như bên bảo hiểm, thời gian bảo hiểm và mức bồi thường tối thiểu, Luật Xây dựng 2014 và Nghị định 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, đều quy định về bảo hiểm trong xây dựng và mỗi loại bảo hiểm đã được phân loại theo loại hình bắt buộc hay tự nguyện và bên nào sẽ duy trì bảo hiểm.
Luật Xây dựng Điều 9.2 quy định: Chủ đầu tư mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng đối với công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, môi trường, công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp.
Nhà thầu tư vấn mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng đối với công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng của công trình xây dựng từ cấp II trở lên. Nhà thầu thi công xây dựng mua bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường (Không thấy yêu cầu về Bảo hiểm đối với vật liệu, phương tiện và thiết bị thi công).
Điều 9.3 quy định: Khuyến khích chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây dựng mua các loại bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 9.
Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, Điều 46.1 quy định, chủ đầu tư mua bảo hiểm cho công trình trong thời gian xây dựng. Trường hợp phí bảo hiểm này đã được tính vào giá hợp đồng thì bên nhận thầu thực hiện mua bảo hiểm công trình theo quy định.
Nhà thầu tư vấn mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng đối với công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng của công trình xây dựng từ cấp II trở lên.
Bên nhận thầu phải thực hiện mua các loại bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường, bảo hiểm thiết bị, bảo hiểm đối với bên thứ ba để bảo đảm cho hoạt động của mình theo quy định của pháp luật.
Điều 46.2 quy định, bên nhận thầu có trách nhiệm bảo hành công trình, bảo hành thiết bị theo đúng các thỏa thuận trong hợp đồng. các thỏa thuận của các bên trong hợp đồng về thời hạn bảo hành, mức bảo đảm bảo hành phải phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng; bảo đảm bảo hành có thể thực hiện bằng hình thức bảo lãnh hoặc hình thức khác do các bên thỏa thuận, nhưng phải ưu tiên áp dụng hình thức bảo lãnh.
Điều khoản loại trừ, doanh nghiệp bảo hiểm không có trách có trách nhiệm bồi thường cho các tổn thất như: Tổn thất phát sinh từ hành vi cố ý, tổn thất không mang tính ngẫu nhiên, tổn thất không lượng hóa được bằng tiền, tổn thát mang tính thảm họa và tổn thất phát sinh trong trường hợp bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm.
Nhận diện bất cập
Thực hiện Dự án tăng cường năng lực trong Dự toán chi phí, Quản lý hợp đồng, Chất lượng và An toàn trong các dự án đầu tư xây dựng (CCQS), là sự hợp tác giữa Bộ Xây dựng và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đã nhận diện các tồn tại về vấn đề bảo hiểm thông qua các cuộc họp với chuyên gia đối tác.
Các chuyên gia của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đặt ra câu hỏi: Đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, giá trị tối đa mà tư vấn bồi thường cho chủ đầu tư chỉ bằng giá trị hợp đồng.
Nhưng đối với tư vấn thiết kế, giá trị hợp đồng là tương đối nhỏ và những tổn thất nếu do các lỗi thiết kế có thể là rất nghiêm trọng và tiêu tốn nhiều tiền của chủ đầu tư, thậm chí là nhiều hơn so với giá trị hợp đồng thiết kế. Vậy, cần giải quyết vấn đề này thế nào?
Viện Kinh tế xây dựng cho biết, phạm vi bồi thường bảo hiểm là chưa rõ. Ví dụ, vật liệu đến công trường chưa dước sử dụng để thành kết cấu hoàn thành được chủ đầu tư nghiệm thu thì có được bảo hiểm không?
Cần thêm các thông tin về loại bảo hiểm, ưu nhược điểm của từng loại và thông lệ các nước về bảo hiểm sản phẩm tư vấn. Thông tin về phí bảo hiểm công trình và bảo hiểm sản phẩm tư vấn để xác định dự toán chi phí xây dựng công trình.
Còn theo Hiệp hội các nhà thầu hải ngoại Nhật Bản, các quy định trong hợp đồng không đề cập rõ ràng tới điều kiện bảo hiểm, mặc dù đây là việc của bên giao thầu. Cần phải làm rõ các phạm vi rủi ro của chủ đầu tư và nhà thầu, điều kiện và bảo hiểm đối với các công trình tạm.
Chuyên gia JICA nhận định, có một số điểm không thống nhất giữa Luật Xây dựng và Nghị định 37, còn về phía nhà thầu, thực tế là họ không muốn mua bảo hiểm để tiết kiệm chi phí.
Đã có quy định về bảo hiểm bắt buộc trong công trình xây dựng nhưng thực hành về bảo hiểm vẫn chưa thành thông lệ. Các bên liên quan cần thúc đẩy sự hiểu biết chung của các chủ thể về vấn đề bảo hiểm và các thông lệ thực hành.
Thanh Nga
Theo