Bốn năm World Cup mới diễn ra một lần. Đó quả thực là cơ hội vàng cho các nhà tài trợ để quảng bá thương hiệu của mình đến toàn thế giới.
Với các nhà tài trợ quốc tế cũng không có gì đáng nói lắm bởi việc tài trợ cho các sự kiện thể thao quốc tế đã là việc thường xảy ra. Nhưng câu hỏi mà mỗi người làm thương hiệu Việt vẫn quan tâm là bao giờ thì Việt Nam có được một nhà tài trợ cho World Cup? Bao giờ thì thương hiệu Việt hiên ngang hiển thị trên sân bóng Word Cup?
Để trả lời lại câu hỏi này, trước hết chúng ta hãy xem cân lạng của các nhà tài trợ ra sao.
Các đối tác lớn của FIFA World Cup 2014, theo một bài báo trên tờ Forbes, phiên bản quốc tế, có hai cấp độ ngân sách về marketing.
Ở cấp độ 1, cao nhất là các thương hiệu toàn cầu và có ngân sách marketing mỗi năm từ 25-50 triệu USD, gồm Adidas , Coca-Cola , Emirates, Hyundai Motor Group, và Visa.
Nhóm thứ 2 cũng bao gồm các thương hiệu toàn cầu như Budweiser, Castrol, Continental, Johnson & Johnson và McDonald. Trong nhóm này còn có hãng sản xuất thực phẩm hữu cơ châu Âu Moy Park, công ty viễn thông Brazil Oi và công ty Trung Quốc Yingli là nhà sản xuất tấm năng lượng mặt trời và các thiết bị tương ứng lớn nhất thế giới . Các nhà tài trợ này có ngân sách marketing chủ yếu dao động trong khoảng 10-25 triệu USD/ năm.
Với mức ngân sách này, nhìn qua sẽ có một số thương hiệu Việt đủ sức tài trợ cho World Cup. Theo thống kê của Kantar Media, có thương hiệu Việt Nam mỗi năm tiêu khoảng 850 tỷ VND; tương đương với hơn 40 triệu USD/ năm. Tuy nhiên, nếu căn cứ trên các nhân tố khác lại thấy Việt Nam chưa có và còn lâu mới có thương hiệu nào tài trợ được và được tài trợ cho World Cup.
Thứ nhất, nhiều “đại gia” Việt mang tiếng tiêu nhiều tiền cho marketing nhưng lại không có tiền mặt. Nếu không đốt tiền quảng cáo, họ không bán được hàng. Vậy là phải tiêu, và tiêu nhiều. Nhưng họ áp dụng chiêu nợ gối đầu để chạy quảng cáo, tài trợ. Sau đó lấy tiền từ bán được hàng trả lại cho đại lý và các media. Đương nhiên FIFA không biết đến chiêu cho nợ tiền.
Một số thương hiệu Việt khác dù đủ tiền nhưng hàng hóa của họ thực ra không đạt chuẩn nào cả, thậm chí còn bị nghi sử dụng những hóa chất đã bị ngưng sử dụng ở thị trường châu Âu và Mỹ. Hoặc một số thương hiệu còn dùng các công thức và thành phần không được phép để sản xuất và bán hàng cho đại chúng – một trong những cấm kỵ quan trọng nhất mà một thương hiệu không được mắc phải. FIFA càng không ưa điều này.
Không chỉ chú ý đến bản thân sản phẩm, dịch vụ, FIFA còn chú ý điều tra vô số nhân tố liên quan như chế độ, chính sách cho người lao động, vấn đề ô nhiễm môi trường, các tiêu chuẩn quốc tế liên quan... công ty có đạt được không mới có thể qua “vòng gửi xe” của việc xét tài trợ. Nếu không đạt thì ngay cả sản phẩm tốt, thương hiệu tốt, FIFA cũng chịu.
Trong cách xét nhà tài trợ, FIFA bao giờ cũng ưu tiên một số thương hiệu quốc gia. Năm nay Brazil có một số thương hiệu đạt danh vị nhà tài trợ cũng vì lý do đó. Mà khả năng Việt Nam tổ chức World Cup thì còn rất rất xa nên việc thương hiệu Việt được ưu tiên bản địa thành nhà tài trợ đương nhiên cũng là không có trong mắt FIFA.
Tuy nhiên, nguyên do quan trọng hơn cả, chính là đến giờ này Việt Nam chả có thương hiệu nào là thương hiệu quốc tế. Nếu Việt Nam có cố quảng bá một thương hiệu nào đó ra thế giới lúc này cũng chẳng để làm gì, bởi không có hàng hóa, dịch vụ gì đủ mức có thể bán rộng rãi cho thế giới được.
Khi tình trạng các công ty nhỏ không đủ sức làm thương hiệu ngay tại bản địa, còn tập đoàn lớn lại chỉ khư khư ôm tiền và tiếp tục làm con buôn thì không và sẽ không thể có thương hiệu sản phẩm, dịch vụ nào của Việt Nam ra quốc tế được. Viễn cảnh mỗi năm đại hội cổ đông, các ông chủ tập đoàn lại oang oang đọc các con số về doanh thu, lợi nhuận và hỉ hả chia tiền mà không biết các con số đó rất chi là vô nghĩa với công chúng; đặc biệt với FIFA.
Khi không có sản phẩm, dịch vụ cốt lõi tốt mà cứ đốt tiền quảng bá thương hiệu thì có đưa tiền FIFA cũng không cầm được.
Chính vì tất cả các lẽ kể trên, Việt Nam đã và sẽ còn lâu mới có thể mơ đến ngày thương hiệu Việt hiển thị trên cầu trường FIFA.
THEO Nguyễn Bá Ngọc/tienphong.vn
Theo