Thứ bảy 02/11/2024 09:00 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Bao giờ người dân hết “khát”?

14:30 | 18/08/2016

(Xây dựng) - Quy mô dân số nước ta ngày càng tăng đồng nghĩa với nhu cầu sử dụng nước sạch cũng tăng theo. Tuy nhiên trên thực tế, nước sạch vẫn đang thiếu ở rất nhiều nơi. Điều đó đặt ra câu hỏi, liệu đến năm 2025, mục tiêu 100% dân số được dùng nước sạch như Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch đưa ra liệu có khả thi?

Chỉ hơn 1/2 dân số Thủ đô được dùng nước sạch

Hà Nội có hơn 7 triệu dân (chưa kể số lao động ngoại tỉnh) nhưng tổng sản lượng nước cung cấp 900 nghìn m3/ngđ, chỉ đủ đáp ứng cho trên 4 triệu người. Trong đó, nguồn cấp từ Nhà máy nước mặt sông Đà do Cty CP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) quản lý có lưu lượng khoảng 233 nghìn m3/ngđ; nguồn cấp từ các nhà máy nước ngầm do Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Hawaco) quản lý với công suất khoảng 600 nghìn m3/ngđ; nguồn từ 2 trạm cấp nước Hà Đông cơ sở 1 và cơ sở 2 do Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông quản lý với công suất khoảng 50 nghìn m3/ngđ. Cuối cùng là nguồn từ 2 trạm cấp nước Sơn Tây 1 và 2 do Cty CP Cấp nước Sơn Tây quản lý với công suất khoảng 23.500m3/ngđ. Việc cung cấp nước sạch trên địa bàn TP hiện nay do 4 đơn vị nói trên đảm nhiệm, đáp ứng nhu cầu của 923 nghìn khách hàng, khoảng 1,08 triệu hộ gia đình, tương đương 4,374 triệu nhân khẩu, bằng hơn 1/2 dân số Hà Nội.

Tuy nhiên, những con số thống kê nói trên chưa phản ánh hết nhu cầu sử dụng nước sạch trên địa bàn Thủ đô. Ở một số khu vực như Xa La, Biên Giang, Yên Nghĩa... (Hà Đông), hiện có rất nhiều người lao động, sinh viên ngoại tỉnh về thuê trọ. Nhu cầu sử dụng nước tăng có khi gấp hai, ba lần. Điều đó khiến nguồn cung nước sạch luôn thiếu.

Hay tại huyện Mê Linh, ngay từ đầu mùa hè tình trạng thiếu nước sạch đã diễn ra nghiêm trọng. Không những thế, các hộ dân đang phải đối mặt với nguy cơ về bệnh tật từ những nguồn nước không hợp vệ sinh do nguồn nước mặt bị ô nhiễm. Tại 3 xã Thanh Lâm, Đại Thịnh, Tam Đồng (Mê Linh), hàng nghìn hộ dân đã phải sử dụng nước giếng khoan, giếng đào cho những sinh hoạt hằng ngày. Lãnh đạo xã Tam Đồng cho biết, trong hơn 8 nghìn người dân xã Tam Đồng, ngoài số ít hộ gia đình có điều kiện chủ động mua máy lọc nước, còn lại nhân dân vẫn sử dụng nước giếng khoan cho mọi sinh hoạt từ ăn uống cho đến tắm rửa, giặt giũ. Tam Đồng là một trong 5 xã phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2015, tuy nhiên tiêu chí bảo đảm nước sinh hoạt hợp vệ sinh đến nay vẫn chưa có lời giải.

Năm 2025, 100% dân cư có được cấp nước sạch?

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ dân cư được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 95 - 100%. Chương trình trên được triển khai thực hiện tại các đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung của các tỉnh, thành trên phạm vi cả nước từ năm 2016 - 2025.

Mục tiêu tổng quát của Chương trình là thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn nhằm quản lý rủi ro và khắc phục sự cố có thể xảy ra từ nguồn nước, cơ sở xử lý nước và hệ thống truyền dẫn, phân phối nước đến khách hàng sử dụng; bảo đảm cung cấp nước liên tục, đủ lượng nước, duy trì đủ áp lực, chất lượng nước đạt quy định góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe con người. Cụ thể, Chương trình phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ dân cư được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 90 - 95%; tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực đô thị được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 45%; tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực nông thôn được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 35%; giảm thiểu lượng nước thải sinh hoạt đô thị chưa qua xử lý trước khi xả ra môi trường xuống còn 80 - 85%. Đến năm 2025, tỷ lệ dân cư được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 95 - 100%; tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực nông thôn được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 50%; giảm thiểu lượng nước thải sinh hoạt đô thị chưa qua xử lý trước khi xả ra môi trường xuống còn 70%.

Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình sẽ thực hiện xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách về bảo đảm cấp nước an toàn; quản lý khai thác sử dụng và bảo vệ nguồn nước; ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm cấp nước an toàn; nâng cao năng lực về cấp nước an toàn; truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng...

Tuy nhiên, so với thực tế khan hiếm nước sạch như hiện nay, thì mục tiêu đến năm 2025, 100% dân cư có được sử dụng nước sạch hay không vẫn còn là bài toán khó?.

Vân Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load