(Xây dựng) - Chủ nhật đẹp trời. Nắng vu vơ và gió tàm tạm. Còn đợi gì mà không thoát ra khỏi căn phòng máy lạnh bí rị. Người Hà Nội bây giờ thường trực tâm lí giang hồ. Theo nghĩa đen là muốn đi ra khỏi thành phố thôi chứ chẳng dọa nạt được ai. Cũng chỉ là thèm những núi sông đồng ruộng cho con mắt ngơi nghỉ.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Nhóc nhách chiếc xe máy chính chủ cũ rích, tôi tìm vào Cầu Giấy thăm ông bạn còn cũ hơn xe. Thấm thoát đã hàng chục năm không vào thăm nhà bạn. Gặp gỡ bia bọt ngoài quán thì vẫn thường xuyên nhưng đến nhà rất ngại. Không phải vì đường xa mà vì người Hà Nội bây giờ hình thành nếp sinh hoạt tôn trọng tuyệt đối sự riêng tư. Có được nề nếp phải nói công đầu thuộc về chiếc điện thoại. Không một ai còn bất ngờ bấm chuông cửa mà không hẹn trước. Nền văn minh vật chất nhỏ mọn quyết định những ứng xử lớn lao.
Bạn Hà Nội từ thời nghèo túng giờ cũng đã khang trang nhà cửa. Quan trọng nhất là từ vài năm nay nhà bạn cũng đã nằm trong một quận mới. Cắt được ba chữ “huyện Từ Liêm” trong địa chỉ cũng đã là được an ủi phần nào. Lũ chúng tôi lúc còn nhỏ sống ở trung tâm quận Hoàn Kiếm. Ngày mỗi một li tán ra xa. Vĩnh viễn không bao giờ có đủ khả năng quay về nền đất cũ nữa. Và cũng không màng. Cầu Giấy bây giờ còn sầm uất hơn trên phố. Rồi thì cũng quen dần với phở và cà phê ngoại ô của dân lao động chân tay. Những thứ mà bạn đã từng than phiền từ hơn chục năm trước. Khu đô thị mới ngoắt nghoéo đường đi lối lại không sợ lạc nhưng lại sợ nhất là “lạc món”. Nhà hàng bưng ra bát phở to như chiếc chậu thau ngâm chân kể cũng ái ngại.
Hứng chí, bạn rủ tôi lên thăm chùa Thầy. Mấy chục năm rồi kể từ khi có chiếc xe máy bãi Honda 79 cả hai đã không còn quay lại đấy. Giờ thì bạn chở tôi lên chùa Thầy bằng xe Mercedes. Lại còn chiêu đãi tôi đi bằng đường cao tốc Thăng Long. Cứ theo nắng dìu dịu và gió hây hây mặt đường mà đi. Xe Mercedes trên đường cao tốc như thuộc về nhau ở tốc độ 120 km/h. Trí nhớ địa hình núi non Sài Sơn của cả bạn và tôi bất ngờ trở nên vô dụng. Không có đường nhánh rẽ sang chân núi ở chỗ vào chùa Thầy. Phải đi hết cao tốc Thăng Long và quay về Hà Nội bắt đầu lại bằng con đường nhỏ song song bên cạnh.
Chùa Thầy lấp ló hiện ra bên con đường nhựa chật ních những nhà cửa rầm rộ bê tông và hàng rào sắt. Bên kia hồ nước không còn những đơn sơ mái ngói nâu trầm in bóng. Tất cả đã trở nên lòe loẹt nhấp nhô vây kín bờ hồ. Cứ như vừa mất đi bức tranh khắc gỗ nổi tiếng “Phong cảnh Sài Sơn” còn họa sĩ Nguyễn Tiến Chung. Mảnh sân chùa bát ngát ngày xưa đã được chia ô lát gạch làm đường đi. Cầu Ngói và Thủy đình rối nước chìm khuất sau những dãy hàng mĩ nghệ lưu niệm nhập khẩu từ phương Bắc bày bán la liệt. Bức tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh chẳng hiểu sao được trùm kín bằng vải vàng chỉ hở ra đỉnh chiếc bài vì khắc rồng. Ngài không muốn nhìn ta hay chúng ta không còn muốn thấy Ngài nữa? Thiền sư Từ Đạo Hạnh cùng với Phật giáo Mật Tông mà Ngài tu luyện cũng đủ bí ẩn lắm rồi. Đành phải tĩnh tâm nhớ lại gương mặt khắc khổ với những đường gân xanh nổi rõ hai bên thái dương Ngài. Tôi vẫn nhớ hình như gương mặt ấy có một chút xót xa ân hận về việc Ngài trả thù cho cha mà giết chết đạo sĩ Đại Điên.
Kí ức ùa về những cháy trời hoa gạo tháng Ba. Những bông gạo đỏ chói rơi trên chiếc cầu Ngói. Rơi đỏ cả mênh mông sân chùa và mái nhà Thủy đình in trong bóng núi. Chẳng biết còn có lúc nào đó quay lại nơi này nữa không? Sống ở Hà Nội ngót nghét sáu mươi năm mà vần chưa hết lạ.
Đỗ Phấn
Theo