5 năm trở lại đây, vào dịp đầu xuân, truyền thông lại tốn không biết bao nhiêu giấy mực phê phán cảnh biển người đổ về các chùa thực hiện nghi lễ dâng sao giải hạn. Không chỉ dừng lại ở việc lý giải nguyên nhân, nhiều người còn tính đến biện pháp giảm tải trào lưu dâng sao giải hạn đang nở rộ.
Người dân lễ dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh. Ảnh: Nguyễn Khánh
Biến tướng và méo mó
Tổ đình Phúc Khánh là một trong những “điểm nóng” nhất của hiện tượng này. Từ đầu năm đến nay, ngày mùng 8 tháng Giêng, nơi đây mới tổ chức dâng sao giải hạn cho những người có sao La Hầu chiếu mệnh, nhưng cảnh tượng chen lấn, ngồi tràn lòng đường Tây Sơn, lên cả cầu vượt Ngã Tư Sở, khiến giao thông một khu vực bị đình trệ… đã nhận được rất nhiều lời phê phán. Không chỉ những chùa lớn như Quán Sứ hay Tổ đình Phúc Khánh… mới có cảnh chen chúc dâng sao giải hạn này, mà ngay ở các chùa làng như Trung Kính Hạ, chùa Cót… trào lưu này cũng "thịnh" không kém.
Theo tìm hiểu của phóng viên, có 3 cách giải hạn: Giải hạn tại nhà, giải hạn tại chùa và giải hạn tại đình. Trong 3 cách này thì cách được nhiều người chọn nhất vẫn là giải hạn tại chùa. Ở các chùa, phí dâng sao giải hạn tăng hàng năm. Nếu như năm ngoái, phí cầu an ở chùa Trung Kính Hạ là 300.000 đồng/gia đình,
thì năm nay đã là 400.000 đồng. Phí dâng sao giải hạn cũng tăng thêm 50.000 đồng so với năm trước, thành 200.000 đồng/một sao xấu như Thái Bạch, La Hầu, Kế Đô. Nhiều gia đình còn cầu kỳ tiền vàng, hình nhân thế mạng cho một lần dâng sao, khiến giá giải hạn đội lên tới vài chục triệu đồng.
TS Nguyễn Văn Vịnh - chuyên gia nghiên cứu về phong thủy cho rằng: Theo lịch sử tôn giáo, dâng sao giải hạn có nguồn gốc từ Đạo giáo chứ không phải là Phật giáo. “Trong khi nhà nhà kéo nhau đi “thỉnh thần linh”, nhưng chưa mấy ai hiểu được rằng Phật giáo không nói về những ngôi sao chiếu mạng mà chỉ nói về luật nhân quả, gieo nhân nào thì gặt quả nấy” - ông Vịnh bày tỏ.
GS.TS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian lý giải: Ngày xưa, nghi thức của Đạo giáo quan niệm, trên trời có 24 ngôi sao do 24 vị thần chủ có ảnh hưởng đến số phận con người, trong đó 9 ngôi sao sáng nhất sẽ luân phiên chiếu mệnh mỗi năm. Đó là các sao La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức. 9 sao này có sao tốt và có cả sao xấu, phối trí theo các phương, sắp xếp theo 12 chi và ngũ hành. Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, tai nạn, ốm đau, bệnh tật… gọi là vận hạn, là sao chiếu mạng (nặng nhất là “Nam La Hầu, nữ Kế Đô” là loại ám hư tinh vì 2 sao này chẳng thấy được mặt trời). Vì vậy, mỗi năm gặp các sao tốt phải cúng đón các vị, nếu gặp sao xấu phải cúng lễ để các vị hung tinh bớt tác oai tác quái. Nhưng đó cũng chỉ là quan niệm, chưa ai có thể khẳng định đó là nghiên cứu đúng đắn.
Rất khó cấm
Theo lý giải của ông Vịnh: “Dâng sao giải hạn là nhu cầu chính đáng của con người đối với niềm tin tôn giáo, giải quyết mối lo lắng bất an trong tâm lý con người. Khi xã hội càng nhiều điều phức tạp, con người ta càng cần một nơi bấu víu là những niềm tin vào thần thánh”. Tuy nhiên, niềm tin ấy được thể hiện như trào lưu, chen lấn ngồi tràn cả ra lòng đường thì lại là một cách cuồng tín. Hành động mê tín dị đoan của một bộ phận người dân đã tạo điều kiện cho nhiều sư thầy trục lợi trên tín ngưỡng. Trên thực thế, một lễ cầu an, dâng sao sẽ được tổ chức tập thể, các nhà sư sẽ tiến hành tụng kinh, dâng sao trong vòng 2 - 3 tiếng, xong sau đó là đốt hình nhân thế mạng. “Tổ chức một buổi lễ dâng sao giải hạn cho từng người chưa chắc đã giải được, đằng này là buổi lễ cả ngàn người thì liệu tin được không?” - nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền bày tỏ.
Điều đáng nói là hiện có nhiều nơi lợi dụng niềm tin này để trục lợi, buôn thần bán thánh. Hiện nay, nhiều chùa cũng “nhập nhằng”, không có những lời giải thích rõ ràng về nghi thức này để các Phật tử hiểu rõ hơn, nên dẫn đến tình trạng cuồng tín và mê tín dị đoan. Khi được hỏi vì sao chùa Thanh Nhàn (Hà Nội) ngày càng nhận tăng số lượng người dâng sao giải hạn, sư thầy Thích Đàm Nguyên - trụ trì chùa Thanh Nhàn cho biết: “Các Phật tử có nhu cầu thì nhà chùa làm thôi. Còn việc nó có hóa giải được mọi bi kịch hoặc hiểm họa trong cuộc đời hay không thì tôi không dám chắc. Đó giống như một liều thuốc an thần mà thôi”.
Nếu không vi phạm vào những quy định do Nhà nước đề ra như: Đốt nhiều vàng mã, hình nhân thế mạng… thì cơ quan quản lý khó đưa ra quyết định cấm thực hiện tín ngưỡng. Trong văn hóa các tộc người, tập tục cầu việc tốt, tránh việc xấu như dâng sao giải hạn là chuyện vẫn thường làm. Sinh hoạt tín ngưỡng cũng là quyền công dân không ai có thể áp đặt. Việc điều chỉnh cách thức thực hành sao cho đúng, hay để phong tục không trở thành hủ tục chỉ có thể tuyên truyền vận động để người dân thay đổi nhận thức.
Theo Linh Anh/KTĐT
Theo