Thứ sáu 19/04/2024 20:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bảo đảm an toàn về phòng cháy đối với hộ gia đình

15:07 | 15/05/2023

(Xây dựng) – Thời gian qua, tình hình cháy nổ trên cả nước nói chung diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Trong đó, cháy ở các nhà dân, khu dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh luôn chiếm tỷ lệ cao cả về số vụ và thiệt hại.

Bảo đảm an toàn về phòng cháy đối với hộ gia đình
Cháy lớn có thể xảy ra trong các công trình nhà ống, nhà ở riêng lẻ.

Ngay trong tháng 5 vừa qua, cháy đã xảy ra tại Hà Nội và thành phố Hải Phòng khiến 7 người tử vong. Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp phòng cháy chữa cháy cũng như khuyến cáo tới người dân khi xảy ra hỏa hoạn.

Chủ động kiểm tra và tắt các thiết bị điện không cần thiết

Theo khuyến cáo của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), thời điểm này, các hộ gia đình cần đặc biệt nâng cao cảnh giác, cẩn trọng trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy. Người dân cần đặc biệt chú ý các biện pháp an toàn trong khi sử dụng điện và thiết bị điện, góp phần kiềm chế sự gia tăng về số vụ và thiệt hại do cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây ra.

Theo đó, cần trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay, mặt nạ lọc độc, nước chữa cháy… và biết cách sử dựng những phương tiện này. Mỗi gia đình nên chuẩn bị các phương án thoát nạn và hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình cùng biết; cẩn trọng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, sử dụng các thiết bị sinh nhiệt như bóng điện tròn, bàn là, bếp điện, thiết bị sưởi ấm…

Không để các vật liệu dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt. Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ, người dân phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết; không câu móc, đấu nối điện tùy tiện; không luồn dây điện qua mái lá, mái tôn; không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm; không nên sạc điện thoại, máy tính, xe điện qua đêm.

Ngoài ra, trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà, người dân cần kiểm tra nơi đun nấu, nơi thắp hương thờ cúng; tắt các thiết bị không cần thiết; lựa chọn dây dẫn điện có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng; thường xuyên kiểm tra, thay thế các thiết bị điện và mạng điện hư hỏng.

Mỗi hộ dân cần tính toán, thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống điện trong nhà đảm bảo tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật; nên lựa chọn dây điện có chất lượng cao để đi ngầm trong tường; lựa chọn dây điện có tiết diện phù hợp với khả năng chịu tải của thiết bị tiêu thụ điện; các mối nối dây điện phải đảm bảo đúng kỹ thuật, nối so le và được quấn băng cách điện.

Khi trong gia đình đun nấu, đốt vàng mã phải có người trông coi cẩn thận. Lựa chọn nhiên liệu, thiết bị đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Người dân cần khóa van bình gas, tắt bếp khi không sử dụng và thường xuyên kiểm tra, kịp thời thay thế thiết bị hư hỏng. Bên cạnh đó, không tàng trữ, buôn bán trái phép chất dễ cháy nổ; phải để vật liệu dễ cháy cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt.

Không bịt kín lối thoát nạn khi có cháy

Trên thực tế, nhiều gia đình đã hàn kín không gian thoáng hoặc gia cố thêm các "chuồng cọp" để chống trộm, tăng diện tích ngôi nhà. Nếu xảy ra vấn đề, những ngôi nhà dạng ống gần như chỉ có lối thoát hiểm duy nhất là cầu thang. Chính điều này đã gây mất an toàn trong phòng cháy chữa cháy, làm cản trở cảnh sát tiếp cận hiện trường khi hỏa hoạn xảy ra.

Theo đó, khói, lửa cháy sẽ chặn toàn bộ cầu thang, phương thức tối ưu nhất để cứu người chính là cắt dỡ lồng sắt. Tuy nhiên, thời gian cắt các lồng sắt khá lâu dẫn tới không kịp mở lối thoát nạn. Lồng sắt nào càng được gia công kiên cố thì nguy cơ thiệt hại về người và tài sản càng lớn.

Để phòng cháy chữa cháy có hiệu quả, các hộ dân không nên thiết kế, lắp đặt "chuồng cọp", trường hợp cần thiết nên bố trí ô cửa để thoát hiểm. Các gia đình nên hạn chế để trẻ em ở nhà một mình, không để trẻ em chơi đùa tại khu vực ban công...

Những gia đình có lồng sắt quây kín nói riêng và mọi hộ gia đình nói chung cần phải trang bị kiến thức, kỹ năng, trang bị thiết bị phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm cơ bản để bình tĩnh ứng phó khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Đối với các nhà, công trình có lồng sắt bao bọc phía ngoài nhà, cần trang bị búa, rìu, kìm cộng lực. Khi xảy ra cháy, người dân có thể thoát qua ô cửa trên các lồng sắt đó để sang các công trình liền kề. Nếu trên các lồng sắt đó không có sẵn các cửa thoát hiểm hãy bình tĩnh tìm kiếm các vật dụng như búa, rìu hoặc các vật dụng khác nhằm bẻ gãy hoặc banh rộng các ô trên lồng sắt để mọi người có thể chui qua và sang công trình liền kề hoặc xuống nơi an toàn với sự hỗ trợ của những người xung quanh.

Theo Bộ Công an, khi xảy ra hỏa hoạn, trước hết người dân cần phải xác định được lối ra an toàn khỏi căn nhà đang cháy.

Thông thường, các lối thoát đến nơi an toàn ở các nhà độc lập hoặc liền kề bao gồm: Lối ra cửa chính của căn nhà; lối ra cầu thang thoát nạn ngoài nhà từ các tầng; lối ra ban công; lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái (tầng thượng) để thoát sang công trình liền kề. Bên cạnh đó, đối với các căn hộ độc lập thì lối thoát nạn an toàn là qua các cửa sổ, ban công khi có các thiết bị hỗ trợ như: Thang, thang cây, dây tự cứu hạ chậm…

Người phát hiện đám cháy đầu tiên cần nhanh chóng báo động để mọi người trong nhà biết và nhanh chóng thoát ra ngoài theo lối cửa chính của căn nhà nếu như lối này chưa bị lửa, khói bao trùm. Trong quá trình di chuyển cần bình tĩnh và thực hiện các biện pháp để tránh hít phải khói, khí độc hoặc bị lửa tạt gây bỏng hoặc cháy quần áo.

Trong trường hợp lối thoát qua cửa chính tại tầng 1 đã bị lửa, khói bao trùm thì bình tĩnh và cùng các thành viên trong gia đình tìm lối thoát khác như: Di chuyển ra ngoài ban công và sử dụng các phương tiện như thang dây nếu có, hoặc trong trường hợp cấp thiết có thể sử dụng dây thừng hoặc các dây tự nối bằng các vật dụng như rèm, ga giường, quần, để thoát xuống dưới và ra nơi an toàn. Tuy nhiên, trước khi dùng dây để leo xuống cần phải đảm bảo dây chắc chắn và dây phải buộc vào các cấu kiện vững chắc.

Có thể di chuyển ra ban công hoặc qua cửa sổ và tìm cách thoát qua các nhà, công trình lân cận; di chuyển lên tầng thượng hoặc lên mái và thoát sang các công trình lân cận nếu có thể. Trong quá trình di chuyển cần sử dụng khăn, áo thấm ướt bịt vào mũi, miệng nhằm hạn chế hít phải khói, khí độc.

Trong tất cả các trường hợp, người dân khi phát hiện cháy phải nhanh chóng gọi điện báo cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số 114 để kịp thời đến cứu nạn và dập tắt đám cháy…

Yến Mai

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load