(Xây dựng) – Đây là vấn đề được bàn luận tại Hội thảo “Báo chí với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức sáng 28/4 tại Hà Nội. Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo, phóng viên các báo, các tổ chức đoàn thể và cơ sở đào tạo về báo chí.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Báo chí - truyền thông ngày càng có vai trò to lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên trên thực tế không phải ở đâu và lúc nào, vấn đề này cũng được nhận thức một cách đầy đủ như nó cần được nhận thức. Và không phải lúc nào báo chí, nhà báo cũng được tạo điều kiện để tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Mặt khác, ngay chính bản thân các nhà báo không phải lúc nào cũng có đủ nhận thức, tri thức và kỹ năng tác nghiệp, để vừa tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí một cách có hiệu quả, vừa bảo đảm an toàn nghề nghiệp cho bản thân và cho cơ quan báo chí. Vì vậy, ông đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ hơn nữa vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; mối quan hệ và các nhân tố tác động tới vai trò này. Những vấn đề đặt ra trong hoạt động thực tiễn của báo chí tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cơ chế giữa MTTQ Việt Nam với các cơ quan báo chí, giữa các cơ quan báo chí với nhau, trong việc thông tin, tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cơ chế phối hợp (giữa các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, MTTQ Việt Nam, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, các cơ quan đơn vị pháp luật, các bộ ngành liên quan…) để giải quyết, xử lý những vụ việc do báo chí phát hiện…
Phát biểu chỉ đạo, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch UBTW MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân gợi mở Hội thảo cần đi sâu phân tích về vai trò của báo chí trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; về trường hợp phóng viên, cơ quan báo chí thực hiện các bài điều tra có được hỗ trợ về nghiệp vụ không, có văn bản pháp luật cho phép nhà báo làm nghiệp vụ điều tra không… nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí của báo chí. Chủ tịch muốn lắng nghe ý kiến của nhà báo để hiểu thêm thực tiễn phong phú, sáng tạo của nhà báo trong việc tham gia tích cực phòng chống tham nhũng. Đặc biệt, cùng góp phần tạo một cơ chế để những phát hiện của báo chí phải được cơ quan có trách nhiệm tiếp thu, xử lý. “Chúng ta cùng khái quát thực tiễn đang diễn ra và kiến nghị biện pháp thúc đẩy vai trò báo chí trong sự nghiệp phòng, chống tham nhũng”, ông Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu.
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.
Các tham luận phát biểu tại Hội thảo đã tập trung làm rõ vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, mối quan hệ và các nhân tố tác động tới vai trò này. Những vấn đề đặt ra trong hoạt động thực tiễn của báo chí tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, như: tính khách quan, chân thực, tính chuyên nghiệp trong khai thác và xử lý thông tin; những khó khăn, bất cập; những sai phạm thường gặp trong tác nghiệp báo chí và tác hại của việc thông tin sai cũng được các đại biểu tập trung thảo luận. Trao đổi về cơ chế phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với các cơ quan báo chí, giữa các cơ quan báo chí với nhau, trong việc thông tin, tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và hoạt động của MTTQ các cấp. Cơ chế phối hợp (giữa các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, MTTQ Việt Nam, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, các cơ quan đơn vị pháp luật, các bộ ngành liên quan…) để giải quyết, xử lý những vụ việc do báo chí phát hiện.
Theo PGS.TS trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, về mặt pháp luật, hoạt động báo chí trong phát hiện, phản ánh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí là không có chế tài nhưng về mặt xã hội lại có tác động rất lớn. Báo chí và luật pháp cũng có điểm tương đồng là tạo nên tính nhân văn trong xã hội. “Báo chí hỗ trợ rất lớn cho cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm. Nhiều vụ án, nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được phát hiện, khởi tố từ nguồn tin của báo chí. Nhiều vụ án oan sai được báo chí đề cập, nhiều vụ án được báo chí phát hiện có bất cập trong xử lý đã giúp cơ quan có thẩm quyền có biện pháp sữa chữa kịp thời. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, báo chí cũng tạo áp lực không cần thiết cho hoạt động tố tụng, nhất là phán quyết của Tòa án. Vì vậy, trong thời điểm đang xử lý vụ án thì báo chí không được làm công tác “xử thay Tòa”, bởi khi Tòa xử kết án khác với “án của báo chí” thì tác động tiêu cực tới dư luận xã hội, xã hội lại nghi vấn Tòa…
Theo Luật sư Phan Trung Hoài – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, khi chống tham nhũng, các nhà báo gặp nhiều rủi ro vì đối tượng tham nhũng có quyền lực và những mối liên hệ lợi ích chồng chéo. Theo luật sư Hoài, các nhà báo khi chống tham nhũng, ngoài kỹ năng, đạo đức, phải nắm chắc pháp luật, đặc biệt là Điều 25 Luật Báo chí quy định về những gì nhà báo được làm và Điều 9 quy định về những điều cấm. Ranh giới rất mong manh, có thể đang đấu tranh chống tham nhũng, phóng viên lại rơi vào phạm tội.
Ở góc độ giảng dạy và nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Văn Dững - Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, thực tế ở nước ta trong mươi năm trở lại đây cho thấy tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp với quy mô ngày càng lớn, phạm vi ngày càng phổ biến, hình thức biểu hiện ngày càng hoành hành và trơ trẽn với sự cấu kết lợi ích nhóm ngày càng chặt chẽ và có hệ thống. Ông cũng chỉ rõ, tham nhũng nổi bật chủ yếu trên ba lĩnh vực: tham nhũng đất đai, tham nhũng trong quy hoạch dự án và tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Ông Dững đặt vấn đề: “Tham nhũng, lợi ích cấu kết từ bên trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Vậy phải dựa vào đâu để chống tham nhũng?" Câu trả lời ông đưa ra là: "Phải dựa vào dân”. Từ nghiên cứu của mình, ông Dững cho rằng trong dư luận thì có dư luận báo chí và dư luận xã hội. Dư luận báo chí có thể sai nhưng dư luận xã hội thì luôn đúng. Nếu muốn dựa vào dân thì đặc biệt phải quan tâm đến báo chí. Dựa vào dân chống tham nhũng cũng chính là dựa vào báo chí.
Nhà báo Vũ Văn Tiến - Tổng biên tập Tạp chí Mặt trận cho rằng, trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, sợ nhất “chùn tay”. Phanh phui một vụ việc tiêu cực, một vụ tham nhũng có thể dễ, nhưng bài học rút ra từ vụ việc đó thì lại không hề dễ. Nhà báo Vũ Văn Tiến đề cập tới việc hiện nay nhiều cơ quan báo chí ký hợp đồng truyền thông với các doanh nghiệp, địa phương. Như vậy, vì những điều khoản ràng buộc mà giảm bớt thông tin tiêu cực xảy ra ở địa phương, doanh nghiệp. Theo ông Tiến, bên cạnh việc lãnh đạo cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản phải vào cuộc hưởng ứng, sát cánh với các phóng viên, thì sự phối hợp giữa Hội Nhà báo Việt Nam, giữa cơ quan báo chí với MTTQ Việt Nam, trên cơ sở chức năng giám sát, phản biện của Mặt trận đang mang lại những tín hiệu tích cực, gợi mở cơ chế để báo chí phát huy vai trò to lớn hơn trong công tác thông tin về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong - nhà báo Phùng Sưởng thì mong muốn: Cần coi hoạt động tác nghiệp của những nhà báo tham gia vào mặt trận phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là một loại thi hành công vụ, cần tạo hành lang pháp lý tốt để các nhà báo, cơ quan báo chí yên tâm dấn thân. Sớm bổ sung chế tài xử lý hành vi không trả lời báo chí theo luật định, đặc biệt với những vụ việc có dấu hiệu sai phạm thì cần có chế tài trong việc cung cấp thông tin khách quan, kịp thời. Sửa đổi các quy định của pháp luật theo hướng chỉ có Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao mới có quyền yêu cầu báo chí cung cấp thông tin, nguồn tin chứ không phải cấp tỉnh như hiện nay. Nếu không, lúc đó nhà báo phải nhận hết lỗi về mình để bảo vệ nguồn tin như thường xảy ra như hiện nay. Khi xảy ra các vụ hành hung phóng viên, nhà báo, các cơ quan, tổ chức như MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan chủ quản báo chí… cần chủ động vào cuộc để bảo vệ nhà báo và yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm…
Kết luận hội thảo, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “MTTQ Việt Nam muốn "chia lửa" với báo chí và cùng phối hợp để công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng bước sang trang mới, để gìn giữ sự tươi đẹp của đất nước”.
Hội thảo đã làm rõ đặc thù của nhà báo trong việc khai thác thông tin, những khó khăn của nhà báo trong việc thực thi nhiệm vụ, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Từ đó đưa ra giải pháp để nhà báo hoàn thành trách nhiệm và nhiệm vụ được giao. Ông đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp biên soạn một cuốn Sổ tay những quy định Nhà nước liên quan đến hoạt động báo chí phòng, chống tham nhũng; trong đó hệ thống hóa lại các quy định của luật pháp để giúp các nhà báo có cẩm nang trong hoạt động nghề nghiệp.
Về đề xuất thành lập bộ phận thường trực để xử lý báo chí vi phạm, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cho biết, đã thành lập Hội đồng xử lý các vi phạm 10 điều quy định về đạo đức của những người làm báo. Hội đồng bao gồm lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT và các ban nghiệp vụ của Hội Nhà báo và những Tổng biên tập các cơ quan báo chí lớn. Đây là bộ phận để xử lý ngoài Luật những sai phạm của báo chí. Quy định hoạt động của Hội đồng này đã có, nhưng theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cần phải bổ sung thêm quy định xử lý các cơ quan báo chí về hiện tượng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”. |
PV
Theo