“Báo chí đồng hành cùng Doanh nghiệp - Doanh nhân” là chủ đề của buổi diễn đàn do Hội Nhà báo Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 9/10, nhân kỉ niệm 10 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2014).
Theo ông Hà Minh Huệ - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam, dù thực hiện các chức năng khác nhau, nhưng báo chí và doanh nghiệp đều có vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội. Thực tiễn cho thấy báo chí có quan hệ gắn bó với doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế và ngược lại. Báo chí trở thành chiếc cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp và nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, giúp nhà nước điều tiết chủ tương, đường lối cho phù hợp với thực tiễn. Báo chí ngày càng bám sát sự vận động của đời sống xã hội, của đời sống kinh tế đất nước đang chuyển mình, thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, tin tức, sự kiện, đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ trong lĩnh vực kinh tế, không chỉ là cầu nối, mà còn là diễn đàn của nhân dân - doanh nhân.
Tính đến đầu năm nay, cả nước có 838 cơ quan báo chí, 70 báo điện tử, 19 tạp chí điện tử và 265 trang thông tin điện tử tổng hợp; 67 đài phát thanh truyền hình Trung ương và địa phương. Đội ngũ người làm báo lớn mạnh hơn bao giờ hết với 17.000 phóng viên được cấp thẻ hành nghề.
Đánh giá về mối quan hệ giữa doanh nghiệp và báo chí, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI thừa nhận, thời gian qua quan hệ và hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp vẫn tồn tại những khoảng cách, những “góc khuất” khiến thông tin bị sai lệch, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp đôi lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” khiến hoạt động của các cơ quan báo chí và doanh nghiệp đều không được thuận lợi, thậm chí là rơi vào tình trạng khủng hoảng. Để cân bằng mối quan hệ này, ông Lộc cho rằng, báo chí và doanh nghiệp cần thật chuyên nghiệp trong lĩnh vực của mình và trên tất cả là tính xác thực của thông tin. Để tạo mối quan hệ gắn kết hơn nữa giữa báo chí và doanh nghiệp thì cả hai bên đều cần phải cởi mở hơn với nhau, phải tin cậy, nương tựa, tôn trọng nhau vì lợi ích chung của cộng đồng”.
Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cũng nhìn nhận, doanh nghiệp rất cần báo chí và ngược lại báo chí cũng rất cần doanh nghiệp. Vì vậy, báo chí - doanh nghiệp cần hướng về nhau để thực hiện những điều thiết thực nhất. Cụ thể, doanh nghiệp nên tạo điều kiện cho báo chí tìm kiếm thông tin, trao đổi quan điểm và ngược lại, báo chí cũng phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp nói lên tiếng nói của mình, quảng bá sản phẩm của mình tới rộng rãi người tiêu dùng trong nước và rộng hơn nữa là trên thị trường quốc tế.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hải Giang - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam tâm sự: “Dưới góc độ doanh nghiệp, tôi cho rằng sự chủ động của doanh nghiệp đến với báo chí hiện nay rất yếu.
Doanh nghiệp có vẻ “sợ” cả bài báo khen, lẫn chê về doanh nghiệp mình vì cho đã có nhiều tờ báo đưa thông tin chưa chính xác, gây bất lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh”. Lấy ví dụ từ chính doanh nghiệp của mình – khách sạn Fortuna, ông Giang cho biết ông là người đã chủ động cung cấp những thông tin những liên quan của doanh nghiệp mình với báo chí để xây dựng hình ảnh, để tuyên truyền hình ảnh, thông tin xác thực của doanh nghiệp mình tới rộng rãi người dân trong và ngoài nước. Nhờ sự chủ động đó, Fortunar nói riêng và các đơn vị khác trong Liên minh HTX Việt Nam đã được nhiều người biết đến, qua đó, các đơn vị trong Liên minh đã có sự bứt phát tốt hơn trong sự nghiệp kinh doanh của mình.
Ông Đỗ Văn Vẻ - Đại biểu Quốc hội, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen, Thái Bình đánh giá cao nguồn thông tin quý giá từ báo chí không chỉ ca ngợi, phản ánh một chiều mà còn đề cập đến những vấn đề bất cập, làm hạn chế nguồn lực, tính năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp, đề xuất các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, sửa đổi kịp thời nhiều chủ trương, chính sách, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, phát triển sản xuất - kinh doanh. Ngay cả việc các nhà báo phát hiện, phê phán thậm chí lên án những đơn vị và cá nhân quản lý, lãnh đạo làm ăn kém hiệu quả, gây lãng phí xã hội và vi phạm pháp luật, làm sai chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cũng rất cần thiết. Đó là những lời cảnh tỉnh, răn đe có tác dụng tốt đối với các doanh nghiệp, doanh nhân...
Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, các ý kiến nhất trí cho rằng, trong quan hệ báo chí và doanh nghiệp cần phải có chữ “Tình”. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức như hiện nay, để vượt qua khó khăn, rất nhiều doanh nghiệp đứng trước ngưỡng cửa tồn tại hay không tồn tại. Trong bối cảnh như vậy, vai trò “thủ thỉ tâm tình” của báo chí là cực kỳ quan trọng với doanh nghiệp. Báo chí là nguồn cổ vũ động viên doanh nhân có niềm tin để tiếp tục vượt bão, đóng góp nhiều hơn cho xã hội và đất nước.
Theo Kinh tế & Đô thị
Theo